Một bài báo kinh điển viết từ năm 1949 được xem là master piece (tác phẩm bậc thầy) đăng lại mỗi năm trên Wall Street Journal cho cả thế giới suy gẫm gần 70 năm qua, mà có lẽ chưa nhiều người Việt biết đến...
Nguyên tác tại đây: https://www.wsj.com/articles/in-hoc-anno-domini-1482533481
LƯU Ý: Dịch trung thành theo ý tứ trong từng câu chữ của tác giả nên đôi chổ đành hy sinh chuẩn Việt văn. Đọc để chiêm nghiệm trên tầm nhận thức thế giới, không thêm ý diễn giải.
Khi Sau-lơ người thành Tạt-sơ lên đường tới Đa-mách, cả thế giới được biết đến lúc bấy giờ nằm trong tù túng. Một nhà nước: La-mã. Một ông chủ cho tất cả: Sê-sa Ti-be-rơ (Tiberius Caesar).
Khắp nơi có trật tự dân sự, vì cánh tay của pháp luật La Mã đã vươn đến. Khắp nơi có sự ổn định, trong chính quyền và trong xã hội, với các thầy đội thấy là như vậy.
Nhưng khắp nơi cũng có gì đó khác. Có sự đàn áp - cho những người không phải là bạn của Sê-sa. Có kẻ thu thuế gom ngũ cốc từ cánh đồng, chỉ gai từ cuộn sợi, để nuôi các quân đoàn hoặc lấp đầy kho bạc đói mà từ đó Sê-sa thần thánh bố thí cho dân. Có kẻ đóng ấn để kiếm tân binh cho các đấu trường. Có bọn đao phủ để bịt họng những người Hoàng đế đặt ra ngoài vòng pháp luật. Con người để làm cái gì nếu không phải để phục vụ Sê-sa?
Có sự bắt bớ những người dám nghĩ khác, những người nghe thấy tiếng nói lạ hoặc đọc được những bài viết lạ. Có sự nô dịch những người dân tộc không đồng hương với La Mã, sự khinh miệt những ai không có nét mặt quen thuộc. Và trên hết, khắp mọi nơi đều có sự coi rẻ mạng sống con người. Với kẻ mạnh, một con người chẳng qua là cái gì giữa thế giới đông đúc?
Thế rồi, đột nhiên, có ánh sáng trên thế giới, một người từ Ga-li-lê nói rằng: “Hãy trả cho Sê-sa những gì của Sê-sa và cho Đức Chúa Trời những gì của Đức Chúa Trời”.
Tiếng nói từ Ga-li-lê, mà sẽ thách thức Sê-sa, bày ra một Vương quốc mới, trong đó mỗi người có thể ngay thẳng bước đi không cúi đầu trước ai ngoài Thiên Chúa của mình. ‘Vì hễ các ngươi làm điều đó cho một trong những người rất hèn-mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính ta vậy’. Ngài gửi phúc âm này của Vương quốc Người đến tận cùng trái đất.
Thế là sự sáng đã vào thế giới, và những kẻ sống trong bóng tối sợ hãi, cố bưng bít mong người ta vẫn cứ tin rằng sự giải cứu là ở nơi các nhà lãnh đạo.
Đã có một thời Lẽ thật giải phóng con người những nơi tăm tối, dầu phía tối tăm nhục mạ và cố dập tắt ánh sáng. Tiếng ấy kêu ‘Mau lên! Hãy bước đi khi còn ánh sáng, kẻo sự tối tăm đến trên các ngươi, vì kẻ đi trong tối tăm chẳng biết mình đi đâu’.
Trên đường đến Đa-mách, ánh sáng đã rực chiếu. Nhưng sau đó chính Phao-lô cũng rất sợ. Ông sợ một ngày nào đó các Sê-sa khác, tiên tri khác có thể thuyết phục người ta rằng con người chả là gì để dành lại một đầy tớ cho họ, rằng người ta chịu từ bỏ quyền do Đức Chúa Trời ban để lấy một món súp và không còn bước đi trong tự do.
Rồi có thể bóng tối ấy đã tái chiếm các vùng đất, đã có chuyện đốt sách, người ta chỉ còn suy tính ăn gì mặc gì, chỉ lắng nghe các Sê-sa mới và tiên tri giả. Có lẽ người ta đã chẳng màng ngước lên để thấy ngôi sao từ trời Đông*, và một lần nữa, chẳng còn ánh sáng gì trong bóng tối.
Bởi vậy, Phao-lô, sứ đồ của Con Người, đã nói với các anh em tại Ga-la-ti những lời sau này chúng ta thường niên ghi nhớ:
‘Đấng Christ đã giải phóng để chúng ta được tự do. Vậy hãy đứng vững, đừng đặt mình dưới ách nô lệ một lần nữa.’
Vermont Royster viết bài này năm 1949 và được Wall Street Journal đăng lại hằng năm. Tên bài bằng tiếng Latin: “IN HOC ANNO DOMINI” = “In the year of Our Lord” = “Trong năm của Chúa chúng ta”, một thuật ngữ thông dụng viết tắt là “A.D.” thường được ghi sau con số chỉ năm qui ước tính từ khi Chúa Jesus giáng sinh, sau này thường viết “C.E.” = “Common Era” = “Công Nguyên”
Tác giả Vermont Connecticut Royster (30/4/1914 - 22/7/1996) là biên tập viên của The Wall Street Journal từ 1958 đến 1971, được vinh danh với hai giải Pulitzer, Huân chương Tự do của Tổng thống Mỹ và nhiều giải thưởng khác.
(*) chổ đánh sao là để chuẩn theo Kinh Thánh.
---------------
TRÍCH COMMENTS
Tuan Le Tác giả nhắc nhiều điển tích và câu chữ quen thuộc với thế giới văn minh, sẽ khó hiểu nếu chưa đọc Kinh Thánh, không rõ về Jesus, Paul, John, Esau...
Cần một nhãn quan sâu rộng để suy gẫm điều tác giả viết từ năm 1949
Tuan Le Ai muốn suy diễn gì thì đó là quyền tự do và trách nhiệm cá nhân của mỗi người trước lương tâm, lý trí, công luận, luật pháp loài người và cuối cùng là sự phán xét của Đức Chúa Trời.
Đừng vội bình luận hay quy kết trước thời hạn.
-----------
Trích: Facebook Tuan Le posted 17/6/2018