Kinh thánh: Xuất-ê-díp-tô-ký 12:1-11 và Lê-vi-ký 23:5-11
"Tại xứ Ê-díp-tô, Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se và A-rôn rằng: Tháng nầy định làm tháng đầu cho các ngươi, tức là THÁNG GIÊNG trong quanh năm. Hãy nói cho toàn hội chúng Y-sơ-ra-ên rằng: Đến ngày MỒNG MƯỜI tháng nầy, mỗi gia trưởng tùy theo nhà mình phải BẮT một con CHIÊN CON. Nếu nhà ít người quá ăn không hết một chiên con, hãy chung cùng người rất lân cận mình, tùy theo số người; và hãy tính cho mỗi chiên con tùy sức người ăn hết. Các ngươi hãy bắt hoặc trong bầy chiên, hoặc trong bầy dê, CHIÊN CON ĐỰC hay là DÊ CON ĐỰC, tuổi giáp niên, CHẲNG TÌ VÍT CHI, đoạn để dành cho đến ngày MƯỜI BỐN tháng nầy; rồi cả hội chúng Y-sơ-ra-ên sẽ GIẾT NÓ, vào lối CHIỀU TỐI. Họ sẽ lấy huyết đem bôi trên hai cây cột và mày cửa của nhà nào ăn thịt chiên con đó. Đêm ấy họ sẽ ăn thịt chiên quay với bánh không men và rau đắng. Chớ ăn thịt nửa chín nửa sống hay là luộc trong nước, nhưng PHẢI QUAY TRÊN LỬA cả và đầu, giò, với bộ lòng. Các ngươi chớ để chi còn lại đến sáng mai; nếu còn lại, hãy thiêu đi. Vậy, ăn thịt đó, phải như vầy: Dây lưng cột, chân mang giày, tay cầm gậy, ăn hối hả; ấy là LỄ VƯỢT-QUA của ĐỨC GIÊ-HÔ-VA." (Xuất 12:1-11)
"Đến ngày MƯỜI BỐN THÁNG GIÊNG, vào buổi chiều tối, ấy là LỄ VƯỢT QUA của Đức Giê-hô-va; qua NGÀY RẰM tháng nầy, ấy là LỄ BÁNH KHÔNG MEN để kính trọng Đức Giê-hô-va; các ngươi sẽ ăn bánh không pha men trong bảy ngày. Ngày đầu, các ngươi sẽ có một sự nhóm hiệp thánh, chẳng nên làm một công việc xác thịt. Trong bảy ngày các ngươi phải dâng cho Đức Giê-hô-va những của lễ dùng lửa dâng lên; đến ngày thứ bảy, sẽ có một sự nhóm hiệp thánh nữa, các ngươi đừng làm một công việc xác thịt nào hết. Đức Giê-hô-va lại phán cùng Môi-se rằng: Hãy truyền cho dân Y-sơ-ra-ên rằng: Khi nào các ngươi đã vào xứ mà ta sẽ ban cho, và đã gặt mùa màng rồi, thì hãy đem đến cho thầy tế lễ MỘT BÓ LÚA ĐẦU MÙA của các ngươi. Qua NGÀY SAU LỄ SA-BÁT, thầy tế lễ sẽ dâng bó lúa ĐƯA QUA ĐƯA LẠI trước mặt Đức Giê-hô-va, hầu cho bó lúa đó được nhậm." (Lê-vi-ký 23:5-11)
Kỳ Lễ Vượt qua gồm 3 ngày liền nhau:
14/1 Lễ Vượt qua.
15/1 Lễ Bẻ bánh không men.
16/1 Lễ Dâng gié lúa đầu mùa.
1. LỄ VƯỢT QUA 14/1:
Vào ngày mùng 10/1 mỗi nhà sẽ chuẩn bị sẵn một chiên con để làm của lễ: chiên con bị bắt từ trong bầy, được để riêng ra, sau đó được đem đến thầy tế lễ để khám xem con chiên có tì vít gì hay không... Cuối cùng, đến chiều tối ngày 14/1 con chiên bị giết đi, quay trên lửa còn huyết thì bôi trên mày cửa và cột nhà. Đến 6h tối ngày 14/1 thì cả nhà ăn thịt chiên con đã quay. (Xuất 12)
Chúa Jesus nói rằng Ngài đến để LÀM TRỌN LUẬT PHÁP (Ma-thi-ơ 5:17) và ... một chấm một nét trong luật pháp cũng KHÔNG qua đi được cho đến khi MỌI SỰ ĐƯỢC TRỌN (Ma-thi-ơ 5:18). Thế thì Chúa Jesus đã làm gì để làm trọn luật pháp về kỳ Lễ Vượt qua?
* Chiên Con không tì không vít:
Lu-ca 22:1-2 có chép: “Ngày lễ ĂN BÁNH KHÔNG MEN tức là lễ VƯỢT QUA đến gần. Các THẦY TẾ LỄ CẢ cùng các THẦY THÔNG GIÁO tìm phương đặng GIẾT Đức Chúa Jêsus; vì họ sợ dân.”
Trước ngày Lễ Vượt qua vài ngày, các thầy tế lễ cả đã KHÁM xét Chúa Jesus, họ đã khám xét soi mói tìm đủ mọi cách để gài bẩy bắt tội Chúa Jesus. Quả hẳn, họ đang tìm TÌ VÍT của Chiên Con và khi tìm không ra, họ đã tìm chứng dối. Việc này hoàn toàn ứng nghiệm cho việc các thầy tế lễ khám xét con sinh. Một sự thật quá đau lòng vì không phải những người ngoại đạo tìm cách giết Chúa Jesus, nhưng chính là những thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo, tức những người Do-Thái rất am tường về Kinh thánh nhưng họ lại không tin Chúa Jesus là CON của Đức Chúa Trời!
Kinh thánh cho biết rằng Chúa Jesus bị bắt trong đêm, sáng hôm sau họ chuyển qua cho thầy tế lễ cũ An-ne và thầy tế lễ mới Cai-phe, đây là những người đại diện cho giáo quyền. Sau đó họ chuyển đến Phi-lát là người đại diện cho chính quyền và cuối cùng là Hê-rốt đại diện cho chính quyền thuộc địa Do-thái. Họ đã KHÁM KỸ đủ mọi phương diện từ trong ra ngoài và đều kết luận như nhau. Ngay cả Phi-lát cũng nói rằng: Ta KHÔNG THẤY người này CÓ TỘI LỖI CHI! (Lu-ca 23:4) Như vậy, CHIÊN CON RẤT CHUẨN, KHÔNG TÌ KHÔNG VÍT. (Xuất 12:5)
* Tại trên cây mộc hình, vì sao Chúa Jesus không gọi “Cha ơi!” mà lại gọi “Đức Chúa Trời tôi ơi!”? (Ma-thi-ơ 27:45)
Lúc bị treo trên cây mộc hình, Chúa Jesus đã gọi: Ê-li, Ê-li lam-ma sa-bách-ta-ni? nghĩa là Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! sao Ngài lìa bỏ tôi? Trước đó, Chúa Jesus không hề kêu Đức Chúa Cha là Ê-li, mà là Aba. Những người Do-thái thời bấy giờ dầu họ biết tiếng Aram, rất am tường về Kinh thánh, nhưng họ vẫn lầm tưởng và nói rằng coi nó kêu Ê-li kìa!
Lu-ca 12:50 có chép rằng: “Có một phép BÁP-TÊM mà ta PHẢI CHỊU, ta ĐAU ĐỚN biết bao cho đến chừng nào phép ấy được hoàn thành!”
Báp-tem là baptizo nghĩa là được nhúng vào hoàn toàn một điều gì đó, đây không chỉ là sự nhúng ướt bên ngoài mà là việc uống vào tận phía bên trong. Báp-tem mà Chúa Jesus đang chịu không phải chỉ nhúng vào sự đau đớn bình thường mà là nhúng vào sự đau đớn quằn quại của tội lỗi nhân loại ở tất cả các đời chất trên mình Ngài. Trong Giăng 12 cho biết khi thấy dân ngoại tới tìm để ra mắt Ngài, Chúa Jesus biết là giờ sắp đến rồi nên tâm thần Ngài bị BỐI RỐI và đã cầu nguyện: “Lạy Cha, xin giải cứu Con khỏi giờ này!” (Giăng 12:27)
Vì sao Ngài bối rối? vì Ngài gánh tội lỗi không phải chỉ một mình dân Israel là dân có luật pháp của Đức Chúa Trời mà thôi, nhưng là tội lỗi của mọi dân tộc trên cả thế gian này. Và Chúa Jesus đã sợ hãi vô cùng khi phải CẮT ĐỨT MỐI TƯƠNG GIAO VỚI CHA trong tình yêu thương Cha con, chính vì vậy Ngài đã van xin với Cha: “Cha ơi! NẾU CÓ THỂ ĐƯỢC, xin cho chén nầy LÌA KHỎI CON! Song KHÔNG THEO Ý MUỐN CON, mà THEO Ý MUỐN CHA.” (Ma-thi-ơ 26:39).
Nhưng vì vâng phục Chúa Cha, vì yêu thương con người, Ngài đã chấp nhận uống chén đó và đó chính là Báp-tem của sự đau đớn mà Ngài phải chịu. Trong đỉnh điểm của sự đau đớn, Chúa Jesus đã gánh hết tất cả mọi tội lỗi của cả thế gian trên thân thể Ngài, những tội lỗi và sự gian ác đó đã cắt đứt mối tương giao giữa Ngài với Cha trên trời, vì thế Ngài đã thét lên: "Ê-li, Ê-li, Lam-ma-sa-bách-ta-ni!" không phải là Cha ơi nữa, mà là Ông Trời ơi!...
* Ê-sai 53:6-7 được ứng nghiệm:
Lời tiên tri về Đấng Mesia được báo trước trong Ê-sai 53:6-7 “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy; Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người. Người bị hiếp đáp, nhưng khi chịu sự khốn khổ chẳng hề mở miệng. NHƯ CHIÊN CON BỊ DẮT ĐẾN HÀNG LÀM THỊT, NHƯ CHIÊN CÂM Ở TRƯỚC MẶT KẺ HỚT LÔNG, NGƯỜI CHẲNG TỪNG MỞ MIỆNG.”
Chúa Jesus “như chiên con BỊ DẮT đến hàng làm thịt”: Chúng ta có thể thấy sự vâng phục trọn vẹn của Chúa Jesus với Cha được thể hiện qua hình ảnh của Isac vâng phục Cha mình là Abraham khi tiến lên ngọn núi Moria, tại đó để Abraham dâng Isac làm của lễ thiêu cho Đức Chúa Trời (Sáng-thế-ký 22). Quả hẳn, một sự vâng phục trọn vẹn cho đến chết!
"Như CHIÊN CÂM trước mặt kẻ hớt lông”: Điều này đòi hỏi ý chí rất lớn: không oán trách không than van, sách Ê-sai đã ghi lại: người bị hiếp đáp, chẳng hề mở miệng... Sự nhịn nhục của Chúa Jesus để trả xong hết tất cả mọi lời kêu rêu than thở, lằm bằm oán trách về Đức Chúa Trời bất công ông trời cay nghiệt, trải dài trong lịch sử nhân loại, trải qua các thời đại của các dân tộc. Hãy tưởng tượng những lời oán trách về Đức Chúa Trời đến mức độ nào, mà bây giờ Chúa Jesus phải trả bằng sự câm lặng, để Ngài uống hết mọi kinh khủng của những tội lỗi oán trách phạm thượng đó, nhưng Ngài phải cầm giữ cái lưỡi như Gia cơ chương 3 nói “Cái lưỡi là nơi đô hộ của tội lỗi... không ai trị phục được nó... bản thân nó phải bị đốt cháy...”
Cái lưỡi của Chúa Jesus vẫn còn mà phải im lặng để thể hiện sự vinh thăng, sự trả giá trọn vẹn đến cùng cực thay cho con người. Ngài đã uống hoàn tất chén đắng.
Chúa Jesus vẫn phải trị phục cái lưỡi cho đến cuối cùng, để nói với đầy đủ mọi đối tượng trong mọi hoàn cảnh. Riêng với những kẻ hành hạ vu cáo tra khảo Ngài, từ giáo quyền cho đến chính quyền, Ngài “như chiên câm trước mặt kẻ hớt lông”, khi đáng nói Ngài chỉ nói một vài lời. Đứng trước mặt thầy cả thượng phẩm Ngài nói: “Thật như lời, Ta chính là CON Đức Chúa Trời!” Đứng trước mặt Phi-lát, Ngài chỉ nhắc nhở: “nếu chẳng phải quyền phép từ trên cao, thì ngươi không có quyền gì trên ta”. Ngài nói cho Phi-lát biết lý do vì sao Ngài giáng thế: Ngài đến để làm chứng cho Lẽ thật, “ai THUỘC VỀ LẼ THẬT thì NGHE tiếng TA”. Chúa Jesus muốn nói rằng: ai thuộc về Lẽ thật thì hãy tự tìm hiểu! Riêng những kẻ hỏi Ngài cách xấc láo thì Ngài đã im lặng.
Chúa Jesus VÔ TỘI, Ngài đến để LÀM TRỌN mọi điều trong luật pháp, Ngài đã GÁNH THAY & TRẢ XONG bản án cho nhân loại, bởi cớ đó ai TIN vào sự chết của Chúa Jesus thì ĐƯỢC CỨU là như vậy. "Đấng Christ đã chuộc chúng ta KHỎI sự rủa sả của luật pháp, bởi Ngài ĐÃ NÊN sự rủa sả VÌ chúng ta, vì có lời chép: Đáng rủa thay là kẻ bị treo trên cây gỗ." (Ga-la-ti 3:13)
Một khi đã hiểu thấu đáo về những sự LÀM TRỌN của Chúa Jesus thì chắc chắn chúng ta không thể bán rẻ đời sống mình cho tội lỗi, trái lại chúng ta sẽ càng yêu mến Chúa Jesus tha thiết và càng tôn kính Cha hơn biết dường nào!
2. LỄ BẺ BÁNH KHÔNG MEN 15/1:
(a) Men: hình bóng của tội lỗi
Bắt đầu từ ngày 15/1 là lễ bánh không men, kéo dài 7 ngày (Lê-vi-ký 23:6). Men phải được dọn sạch RA KHỎI nhà, nhà nào có men thì sẽ bị TRUẤT KHỎI DÂN ISRAEL. (Xuất ê-díp-tô ký 12:15)
Men là hình bóng của tội lỗi, điều này cho thấy khi đã XUẤT AI-CẬP tức RA KHỎI THẾ GIAN bước đi với Chúa thì không thể chấp nhận đời sống "có men", giống như lời của Giê Hô-va Đức Chúa Trời phán cho chúng ta là tuyển dân Israel của Ngài rằng: Hãy nên THÁNH vì Ta là THÁNH (Lê-vi-ký 19:2). Ngài muốn thánh hóa cuộc đời của chúng ta: “Nhưng, như Đấng gọi anh em là THÁNH, thì anh em cũng phải THÁNH trong mọi cách ăn ở mình, bởi có chép rằng: Hãy nên THÁNH, vì ta là THÁNH.” (I Phi-e-rơ 1:15-16).
Và đó là lý do vì sao trong Giăng 17 Chúa Jesus đã cầu nguyện “Con chẳng cầu Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng XIN CHA GÌN GIỮ HỌ CHO KHỎI ĐIỀU ÁC.” và “Xin Cha LẤY LẼ THẬT KHIẾN họ nên THÁNH; LỜI CHA TỨC LÀ LẼ THẬT” (Giăng 17:15, 17).
Men không phải được cất ra khỏi nhà chỉ một hay hai ngày, bèn là BẢY ngày, con số của sự trọn vẹn. Mối quan hệ khắn khít với Cha và Chúa Jesus trên trời giúp chúng ta thắng được điều ác mỗi ngày và LỜI CHA sẽ THÁNH HÓA cuộc đời của mỗi chúng ta.
Nếu không bởi ân điển của Cha cùng sự yêu thương chết thay của Chúa Jesus thì chắc chắn chúng ta đã bị TRUẤT PHẾ RA KHỎI VÒNG DÂN ISRAEL vì cớ đã biết bao lần “MANG MEN vào nhà”. Nhưng nếu coi thường tình yêu của Ngài và xem thường huyết của Chiên Con để hết lần này sang lần khác cứ tiếp tục “ấp ủ men ấy trong nhà” thì hãy coi chừng vì đến ngày cuối cùng, chính CHA sẽ kiểm tra ÁO LỄ. Cho dù khách được mời đã vào bên trong phòng tiệc rồi, nhưng nếu không có áo lễ thì phải bị đuổi ra ngoài:
“Vua vào xem khách dự tiệc, chợt thấy một người không mặc áo lễ, thì phán cùng người rằng: Hỡi bạn, sao ngươi vào đây mà KHÔNG MẶC ÁO LỄ? Người đó làm thinh. Vua bèn truyền cho đầy tớ rằng: Hãy trói tay chân nó lại, và QUĂNG RA ngoài nơi tối tăm, là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng. Bởi vì có nhiều kẻ được gọi, mà ít người được chọn.” (Ma-thi-ơ 22:11-14)
Chúng ta cần nhớ rằng ngày Chúa Jesus trở lại lần hai sẽ đến thình lình như kẻ trộm, không ai biết trước được vì ngoài Cha ra, chính Con và thiên sứ trên trời cũng không được biết. (Ma-thi-ơ 24:36)
Đến giờ thứ 9 tức 3h chiều là thời điểm rất chính xác, Chúa Jesus đã trút linh hồn, như vậy con sinh đã bị giết. Sau đó người ta vội vàng hạ huyệt và chôn cho kịp trước ngày Sa-bát. Chiên con đã bị giết và quay xong trước 6h chiều của ngày 14/1. Chúa Jesus đã LÀM TRỌN mọi sự trước khi Ngài trút hơi.
(b) Men: hình bóng của sự sống
Đa phần các giáo hội khi luận đến men, người ta đều nghĩ đến điều xấu, vì căn cứ vào điều Chúa Jesus dạy: “Các ngươi phải làm sạch men, men về bè đảng Hê-rốt và người Pha-ri-si” và điều Phao-lô nói: “một chút men làm dậy cả đống bột”. Điều này không sai, nhưng chưa đủ!
Vì nếu khẳng định men chỉ duy nhất một nghĩa là hình bóng của tội lỗi thì chúng ta sẽ giải thích như thế nào về thí dụ mà Chúa Jesus đã nêu: Nước thiên đàng GIỐNG NHƯ men mà người đàn bà kia, lấy trộn vào trong ba đấu bột, cho đến khi bột dậy cả lên. (Ma-thi-ơ 13:33)
Nhiều cách giải nghĩa trước đây cho rằng: Hội thánh của Chúa đã bị Ma quỷ phá và làm cho hư đi, giống như men làm hư đống bột!!??
Thế thì:
Mục đích người đàn bà nhồi bột để làm hư đống bột và quăng đi hay để làm bánh nhằm phục vụ cho chính bà cùng những người trong gia đình? Nếu vậy, chẳng lẽ Chúa Jesus có ý nói Nước Thiên đàng sẽ bị biến chất hay sao???
Giả dụ việc Chúa Jesus nói Nước thiên đàng bị biến chất là đúng, thì chúng ta sẽ giải thích sao về câu nói của Chúa Jesus: “Nước thiên đàng GIỐNG NHƯ”? Như vậy chẳng lẽ Nước Thiên đàng là một ổ hư hoại hay là một đống bột bị hư? Cho nên vì cụm từ “Nước Thiên đàng giống như…” thì chúng ta phải hiểu kết cục của nó phải là hình ảnh của Nước Thiên đàng chứ không phải là nước thế gian hay một giáo hội bị trần tục hóa. Chúa Jesus không nói “Giáo hội giống như...” nhưng Ngài nói “Nước Thiên đàng giống như…”
Câu chuyện đầu tiên có liên quan đến 3 đấu bột được ghi lại trong Sáng thế ký: khi Sa-ra đang nhồi 3 đấu bột thì đã có một điều gì đó được gieo trong lòng của Sa-ra. Một người đàn bà già 90 tuổi không còn khả năng sinh sản bình thường, nhưng khi bà đang nhồi bột thì một lời hứa, một mầm sống bắt đầu được phát triển trong lòng của bà.
Chúa Jesus đã đưa ra 8 ẩn dụ về Nước Thiên đàng trong Ma-thi-ơ chương 13, trong đó có 4 ẩn dụ:
1. Hạt giống lúa mì.
2. Hạt lúa mì và hạt cỏ lùng.
3. Hạt cải. (Có kích thước nhỏ nhất trong các loại hạt, mà mắt bình thường của con người còn có thể nhìn thấy được.)
4. Men. (Đến tận thế kỷ 19, Pasteur mới phát hiện ra men là tế bào sống sinh học, trong khi đó vào thời của Chúa Jesus, Ngài đã biết trước được việc này nên đã dùng hình ảnh men được nhồi trong bột, cho đến khi bột dậy cả lên, để nói về Vương quốc Thiên đàng.)
Chúa Jesus muốn nói về kích thước sự sống đang thu dần nhỏ lại: đầu tiên là cả khu làng (có đường, đá sỏi, gai góc và ruộng), sau đó thu hẹp về trong thửa ruộng của một ông chủ, kế đến thu về một mãnh vườn sát bên cạnh nhà, cuối cùng là ngay trong bếp nhà. Điều này cho thấy kích thước sự sống ngày càng thu nhỏ và càng ngày càng gần chủ hơn.
Trong thực tế, điều gì khiến cho bột có thể nở ra và dậy lên? Ấy là do bọt KHÍ, vì MEN là một tế bào sinh học sống, đặc biệt sự hô hấp của men sinh ra không khí. Đó là nguyên nhân khiến cho bánh mì được làm từ bột mì nhồi với men sẽ luôn được giòn xốp, ruột bánh sẽ mềm và ngon hơn. Trái ngược với bánh được làm từ bột không có pha men, bánh sẽ khô cứng không nở xốp, do thiếu không khí.
Trong tiếng Hy-lạp, KHÍ chính là pneúma, tiếng Hebrew là ruach nghĩa là linh khí / sinh khí / thần khí / thánh khí. (wind / breath / spirit)
Khi Chúa Jesus chịu đóng đinh vào chiều tối ngày 14 tháng Nisan, lúc đó Ngài vẫn còn thở, cho đến giờ thứ chín tức 3h chiều, Ngài kêu lớn tiếng: Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi! Rồi Ngài kêu tiếp: Hỡi Cha, con giao linh hồn lại trong tay Cha!
Đúng nguyên văn Kinh thánh thì “Con giao nộp lại KHÍ của con cho Cha!” và Cha thu hồi lại pneúma của Chúa Jesus.
Khi Đức Chúa Trời tạo dựng nên vũ trụ trong Sáng thế ký 1:2 “Thần của Đức giê hô-va vận hành trên mặt nước”, đúng ra phải hiểu là “ruach của Đức giê hô-va thổi trên mặt nước” hay nói cách khác “khí của Đức giê hô-va thổi trên mặt nước”.
Đa-ni-ên 7 cho biết: có 4 luồng gió xô xát trên biển lớn, từ đó hình thành nên 4 đại cường quốc.
Tất cả đều bắt đầu từ Khí, ngay cả khi tạo nên A-đam và Chúa Jesus cũng vậy. Đức Chúa Trời đã thổi Linh / khí của Ngài vào.
Ngẫm lại cách Chúa Jesus đến thế gian chúng ta sẽ thấy rất rõ. Ma-ri nói làm sao tôi sanh được..? Thiên sứ nói “Đức Thánh Linh đến trên ngươi...” (do cách dịch của hệ tư tưởng ba ngôi), nhưng nếu dịch đúng bản Hy-lạp thì “Pneuma của Thiên Chúa sẽ đến trong lòng ngươi” hay “Thần khí / Thánh khí / sinh khí của Đấng Tạo hóa sẽ được gieo vào lòng ngươi”. Như vậy, Chúa Jesus được hình thành giống y như A-đam: được Đức Chúa Trời thổi hơi của Ngài vào thì loài người trở thành một loài sanh linh. (Sáng-thế ký 2:7)
Kết thúc cuộc đời của Chúa Jesus khi Ngài giao nộp Thần khí của Ngài lại trong tay Cha. Đến ngày thứ ba nhờ Thần Linh Cha ban đã khiến Ngài sống lại, nghĩa là Cha thổi khí vào xác của Chúa Jesus và xác đó được tái tạo, biến đổi thành một điều mới lạ lùng không phải chỉ là thân xác vật lý bình thường, vì vậy Chúa Jesus có thể đi xuyên tường.
Ê-xê-chi-ên 37 cho biết hài cốt khô đã sống lại, khi có gió tức là ruach từ nơi Giê hô va Đức Chúa Trời thổi vào và những hài cốt khô đó đã sống lại trở thành đoàn quân Thánh cho Đức giê hô-va.
Chúa Jesus nói “Vương quốc thiên đàng giống như MEN mà người phụ nữ kia lấy ủ vào BA đấu bột cho đến chừng BỘT DẬY cả lên”. Tương quan với điều này, trong ngày Lễ Ngũ tuần đầu tiên có GIÓ (pneuma) thổi ào ào, sau đó từ con số 120 người, đã nở ra thành BA NGÀN người.
* Ý nghĩa ngày 15/1 ăn BÁNH KHÔNG MEN:
"Không men" nghĩa là không có phát ra khí. Chúa Jesus gục đầu trút linh hồn, nghĩa là Chúa Jesus gục đầu tắt khí, không còn trao đổi khí. (Đây không phải là oxy mà là sinh khí của Đức Chúa Trời không còn ở trong Chúa Jesus nữa). Chúa Jesus đã chết THẬT, Ngài chết thay cho con người về phần xác lẫn cả về linh hồn, đó chính là lý do khiến Chúa Jesus sợ hãi và kêu xin với Cha: "Cha ơi, nếu được xin chén này lìa khỏi con!" Điều này hoàn toàn tương quan đến việc vì sao Đức Chúa Trời không cho ăn thịt Chiên Con nửa sống nửa chín trong ngày Lễ Vượt qua.
Như vậy, người ta hạ xác đó xuống đem để vào nơi mộ đá, xác này không còn quá trình hô hấp, không còn khí trong đó. Đây há không phải là bánh không men đã được bày ra sẵn trên bàn hay sao! Cho nên ngày 15 tháng Nisan, sau ngày đã giết con sinh thì xác của Chúa Jesus y như là bánh không men, không còn sự sống trong đó, và đây chính là lý do chúng ta dùng bánh không men. Thân thể của Chúa Jesus tan nát vì chúng ta, Chúa đã gánh lấy sự chết, thân thể Ngài lúc đó thật sự chết để gánh thay cho con người án tử hình. Những điều này hoàn toàn tương quan đến việc ngày thứ nhất là ngày con sinh bị giết tức Lễ Vượt qua và ngày thứ hai là ngày lễ Bẻ bánh không men.
3. LỄ DÂNG GIÉ LÚA ĐẦU MÙA 16/1 (ngày thứ ba):
Đến ngày thứ ba, Đức Chúa Trời đã thổi khí của Ngài vào xác của Chúa Jesus và khiến cho Chúa Jesus từ kẻ chết sống lại. Và ngày thứ ba này chính là ngày 16 tháng Nisan, đó là ngày Lễ dâng gié lúa đầu mùa lên cho Đức giê hô-va.
Sách Khải huyền khi mô tả về hai người làm chứng: đến ngày thứ ba có sinh khí của Đức Chúa Trời nhập vào trong hai người”. Chúng ta thấy một sự nhất quán từ Sáng-thế ký cho đến Khải-huyền.
Chúng ta cần thấy rõ điều này:
- Nếu dùng chữ “Thập tự giá”, sẽ không còn thấy được tính nhất quán của tất cả mọi biểu hiện có liên quan đến sự rủa sả mà loài người phải chịu từ Sáng-thế ký qua mọi nhân vật trong lịch sử.
- Nếu dùng chữ “Đức Thánh linh” thì sẽ không thấy được những điều liên quan đến sinh khí của Đức Chúa Trời trong suốt từ Sáng-thế ký đến Khải-huyền.
Và đó là lý do vừa khi Chúa Jesus sống lại, Ngài đã nói với các môn đồ: "Hãy nhận lấy sinh khí!" (Nếu dịch theo tư tưởng ba ngôi thì: "Hãy nhận lãnh Đức Thánh linh!" và với cách dịch này, chúng ta sẽ không giải thích được việc sau đó 50 ngày thì Thánh linh lại còn đổ xuống!)
Vì sao, sau khi Chúa Jesus sống lại, Chúa Jesus không cho Ma-ri rờ vào Ngài: “CHỚ RỜ ĐẾN TA; vì ta CHƯA lên cùng Cha!” và vì sao Ngài lại nói rằng: “TA LÊN cùng Cha ta và Cha các ngươi, cùng Đức Chúa Trời ta và Đức Chúa Trời các ngươi.” (Giăng 20:17) Nhưng sau đó, Ngài lại kêu Thô-ma: Hãy đặt ngón tay ngươi vào đây, và xem bàn tay ta; cũng hãy giơ bàn tay ngươi ra và đặt vào sườn ta... (Giăng 20:27)
Có gì mâu thuẩn hay không??
Chúng ta cùng xem Lê-vi 23:11, 14 “Qua ngày sau lễ sa-bát, thầy tế lễ sẽ dâng bó lúa ĐƯA QUA ĐƯA LẠI trước mặt ĐỨC GIÊ HÔ-VA, hầu cho bó lúa đó được nhậm... Các ngươi CHỚ ăn hoặc bánh, hoặc hột lúa rang, hoặc lúa đang ở trong gié CHO ĐẾN chính ngày nầy, tức là NGÀY các ngươi ĐEM DÂNG CỦA LỄ CHO ĐỨC CHÚA TRỜI MÌNH...”
Có phải chăng Chúa Jesus chính là GIÉ LÚA ĐẦU MÙA sau khi Ngài từ cõi chết sống lại, gié lúa này PHẢI ĐƯỢC ĐEM DÂNG LÊN CHO ĐỨC CHÚA TRỜI, ĐƯA QUA ĐƯA LẠI... ĐỂ ĐƯỢC ĐỨC GIÊ HÔ-VA NHẬM, trước khi người ta “ăn nó”. Và đó là lý do vì sao Ngài không cho Ma-ri rờ vào Ngài và sau khi đã đi lên với Cha xong, lúc trở lại Ngài đã cho phép Thô-ma chạm vào Ngài.
Chúa Jesus đã đến và làm trọn luật pháp. MỌI SỰ ĐÃ ĐƯỢC TRỌN trong Christ Jesus, amen!
---------
Trích: Facebook Yen Dang
---------
Trích: Facebook Yen Dang