Chúng ta cần phải nắm thật vững vàng về luật pháp Cựu ước và gắn kết được sự ứng nghiệm của từng kỳ lễ mà Đức Chúa Trời đã truyền dạy trong thời Cựu ước vào từng giai đoạn sự kiện trong cuộc đời của Chúa Jesus. Một khi đã có được những điều này, chúng ta hãy NẮM THẬT CHẶT BẰNG HAI TAY một cách vững vàng, giống như CÁI NEO của LINH HỒN mình.
Lu-ca chương 24 cho biết sau khi sống lại, Chúa Jesus đã đến cùng hai môn đồ trên đường từ Giê-ru-sa-lem về làng Em-ma-út, khoảng 12 km đường núi, họ đi bộ từ buổi trưa cho đến chiều tối. Thế thì, Chúa Jesus đã DÙNG ĐIỀU GÌ dạy cho các môn đồ, để họ có thể HIỂU về Ngài?
Chúa Jesus đã khởi từ Môi-se rồi đến các tiên tri mà giải nghĩa cho họ về MỌI ĐIỀU đã chép VỀ MÌNH trong CẢ Kinh Thánh, Ngài dùng Cựu ước để giảng, Ngài không bỏ một điều nào cả. Thế nhưng, ngày nay khi làm chứng về Chúa Jesus thì chúng ta lại bỏ đi phần Cựu ước, chỉ nói rằng Chúa Jesus đã giáng thế cách đây hơn 2 ngàn năm mà thôi… và khi nói về sự giáng thế của Chúa Jesus, giống như một sự việc đột ngột xảy ra, hoàn toàn giống như Đức Chúa Trời không hề có kế hoạch trước đó.
* Khái niệm “Chiên Con” khởi đầu từ thời Áp-ra-ham dâng Y-sác để làm chiên con thế mạng, khái niệm này đã in trí của những ai là dân thuộc về Đức Chúa Trời. Vì một năm ít nhất 3 lần, mỗi người nam trong vòng dân Israel từ 12 tuổi trở lên, từ khắp mọi nơi lặn lội lên đền thờ Giê-ru-sa-lem để nhìn cảnh chiên con bị giết. Cho dù đó là kỳ Lễ Vượt Qua hay Lễ Ngũ Tuần hoặc là Lễ Lều Tạm, thì đều có hình ảnh của chiên con không tì vít bị giết. Đức Chúa Trời muốn dùng hình ảnh này để in vào mắt, nhấn mạnh vào tận trong tâm trí của tuyển dân Israel một điều: Muốn có sự ban phước, sự tha tội, sự thế mạng THÌ phải có SỰ CHẾT của một CHIÊN CON.
Đây chỉ mới nói đến mức độ bình thường phổ thông mà thôi, còn nếu nói đến những gia tộc Lê-vi là những người hầu việc Chúa, là người biết luật pháp thì mỗi năm họ thấy cảnh chiên con bị giết ít nhất 720 lần theo lịch Do-Thái. Vì trừ 3 kỳ lễ chính, thì mỗi ngày vào buổi sáng và chiều đều phải dâng tế lễ lên cho Đức Giê hô-va, mỗi buổi là một chiên con.
Những Thầy tế lễ và những người Lê-vi thấy cảnh chiên con bị giết mỗi ngày, đích thân họ phải tra tay trên chiên con. Tương đồng với điều này, Chúa Jesus bị giết là do các Thầy tế lễ đích thân tra tay vào, chính tay Thầy Cả Thượng Phẩm đã “khám” Chúa Jesus, “tra xem’’ có “tì vít’’ gì hay không. Ma-thi-ơ 26 nói rất rõ: họ đã tra xét để tìm lỗi của Ngài, nhưng không tìm được. Điều này đã được ứng nghiệm hoàn toàn: Chiên con không tì vít! Vì vậy, khi đối chiếu lại mọi việc đều trùng khớp đúng với luật pháp, thì kết luận rằng “Chiên Con’’ đó chính là Chúa Jesus.
Nhưng điều đau đớn vô cùng, ấy là các Thầy tế lễ cả đã đích thân làm điều đó, nhưng lại không hề hiểu rằng việc ấy có liên quan đến Chúa Jesus. Họ vẫn trung thành với công việc “tụng kinh”, “khám tì vít của chiên”, “dâng tế lễ” và “ăn thịt chiên” cho đến ngày nay. Một khi chúng ta không nhận ra Jesus là ai, không biết Jesus là Chiên Con của Đức Chúa Trời thì đã lâm vào thế ăn thịt Chiên Con. Trong khi đó, ai nhận ra Chúa Jesus là Chiên Con của Đức Chúa Trời thì cũng lâm vào thế ăn thịt chiên, nhưng được chính Chiên Con mời gọi, chứ không phải tự xâu xé vào ăn thịt chiên:
“Này là thân thể Ta, vì các con mà PHÓ CHO…” (Lu-ca 22:15-20)
“Hỡi những kẻ nào khát, HÃY ĐẾN suối nước! Và người nào không có tiền bạc, HÃY ĐẾN, mua mà ăn! HÃY ĐẾN, mua rượu và sữa mà KHÔNG cần tiền, KHÔNG đòi giá.” (Ê-sai 55:1)
“Nếu người nào khát, HÃY ĐẾN cùng Ta mà uống. Kẻ nào tin Ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh Thánh đã chép vậy.’’ (Giăng 7:37-39)
* Trên đường cùng với hai môn đồ về làng Em-ma-út, Chúa Jesus đã ráp những hình ảnh lại cho hai môn đồ thấy về mình, khởi đầu từ Môi-se đến các tiên tri, nhưng lúc ấy Ngài vẫn chưa nói đó chính là Ngài. Vấn đề, là khi đích thân Ngài bẻ bánh, thì họ nhìn ra đó là Chúa Jesus, lúc ấy Ngài đã biến đi nơi khác vì câu chuyện vẫn chưa kết thúc.
Hai môn đồ nôn nã nói với nhau: Khi nãy Ngài đi đường nói chuyện cùng chúng ta, lòng chúng ta há chẳng nóng nãy sao? Từ đó họ đứng dậy đi ngược 12km đường núi để trở về Giê-ru-sa-lem, lên đến nơi 11 sứ đồ vẫn còn đang ngồi cùng với một số môn đồ khác. Bất thình lình Chúa Jesus lại hiện ra, lần này thêm một điều thú vị, đó là Ngài thêm các Thi-thiên vào. Thi-thiên là những bài ca để ca ngợi những điều tuyệt vời của tình yêu, những sự hoành tráng của một vị vua rất diệu kỳ. Nhưng dẫu là vua gì, thì vẫn là một vị vua được Giê hô-va Đức Chúa Trời LẬP. Đó là lúc Ngài giảng cho các môn đồ về Vương quốc của Đức Chúa Trời, trong 40 ngày, trước khi Ngài trở về cùng với Cha ở trên trời. Đây là lời xác nhận của Phi-e-rơ, người sống đương thời với Chúa Jesus:
“Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng ta đã khiến Đức Chúa Jêsus sống lại, là Đấng mà các ông đã treo trên cây gỗ và giết đi. ĐỨC CHÚA TRỜI đã đem Đấng ấy lên bên hữu Ngài, làm VUA và CỨU CHÚA, để ban lòng ăn năn và sự tha tội cho dân Y-sơ-ra-ên.’’ (Công-vụ 5:30-31)
* Chúng ta thấy từng kỳ lễ trong Cựu ước, sẽ trùng khớp với từng giai đoạn trong cuộc đời của Chúa Jesus, nhưng không phải chỉ 33 năm dưới đất, mà luôn cả trong cõi tương lai ở Khải huyền. Trước nay người ta vẫn nói Cựu ước đã bị bỏ hoặc có thể nhấn mạnh về cuộc đời của Chúa Jesus, nhưng vẫn có thể chưa hề chú ý về một vài hình ảnh, một vài câu chữ hoặc một vài danh xưng, đặc biệt về danh xưng “Chiên Con Đức Chúa Trời” được ghi lại trong Khải huyền. Chiên Con có những đặc tính gì, có bao nhiêu mắt, sừng… thật ra những điều này mang một ý nghĩa thiêng liêng tuyệt hảo, để chúng ta có thể khớp nối lại từ Môi-se, các thi-thiên, các tiên tri, đến Jesus người Na-xa-rét sống động và đến Jesus Vua muôn Vua sống lại.
Qua đó, chúng ta thấy được cả bức tranh tổng thể từ alpha cho đến omega. Tất cả được trùng khớp một cách chi tiết, để rồi chúng ta mới nhận biết kế hoạch tuyệt hảo của Đức Chúa Trời, từ đó đức tin chúng ta vững vàng, không còn bị người khác lung lạc được nữa. Nếu việc biết Lời Chúa của chúng ta chỉ là những viên gạch rời rạc thì sẽ dễ dàng bị lung lay, nhưng nếu có nhiều viên gạch được liên kết với nhau thì sẽ rất chắc chắn. Những bức tường được xây cả ngàn năm không hề có keo hay xi măng, chỉ là những mọng bằng đá được đẽo cho khớp với nhau, nhưng rất là vững chắc. Cũng vậy, những sự kiện từ thời luật pháp, cho đến những lời tiên tri, cho đến Chúa Jesus, đến cõi tương lai, được khớp lại với nhau thì niềm tin chúng ta sẽ vững như bức tường thành không thể lay chuyển, Ma quỷ có tấn công cách nào thì cũng vẫn không thể lung lay!
* Tất cả các lời tiên tri về Chúa Jesus đã bày tỏ ra cho chúng ta từ việc sinh ra trong thế gian, sự chịu khổ, sự sống lại cho đến sự thăng thiên vinh hiển, sự cầu Cha để đổ Linh Cha xuống. Duy chỉ còn một sự việc chưa ứng nghiệm về Ngài, đó là sự trở lại lần hai, tức tái lâm để làm Vua trên đất của Ngài. Chúng ta sẽ thấy hết tất cả những điều này qua Các Kỳ Lễ.
CÁC KỲ LỄ
Các kỳ lễ đầu tiên được ghi lại trong Xuất ê-díp-tô ký 34:10-11
“Đức Giê-hô-va phán rằng: Nầy, TA LẬP MỘT GIAO ƯỚC. Trước mặt các dân sự của ngươi, ta sẽ làm các phép lạ chưa hề có làm trên cả mặt đất, hay là nơi dân nào; và toàn dân sự mà trong đó có ngươi, sẽ xem thấy việc Đức Giê-hô-va, vì điều ta sẽ làm cùng ngươi là một điều đáng kinh khiếp.
Hãy CẨN THẬN VỀ ĐIỀU TA TRUYỀN CHO NGƯƠI HÔM NAY. Nầy, ta sẽ đuổi khỏi trước mặt ngươi dân A-mô-rít, dân Ca-na-an, dân Hê-tít, dân Phê-rê-sít, dân Hê-vít, và dân Giê-bu-sít.”
Để tái ấn chứng về những điều quả quyết trong giao ước, thì Đức Chúa Trời đã nhấn mạnh về BA KỲ LỄ:
“Ngươi hãy giữ LỄ BÁNH KHÔNG MEN. Nhằm kỳ THÁNG LÚA TRỖ, hãy ăn bánh không men trong bảy ngày, như ta đã truyền dặn ngươi; vì nhằm THÁNG ĐÓ ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô.” (Xuất 34:18)
Lễ đầu tiên mà Chúa truyền về hành chánh cho dân Israel, đó là định lấy THÁNG GIÊNG là tháng RA KHỎI Ai-cập. Cũng giống như cuộc đời của một người theo Chúa, đây là bước khởi đầu tiên được ra khỏi đời sống cũ: Nơi làm tôi mọi cho tội lỗi, thế gian, nơi không có tương lai và niềm vui, và Chúa giải phóng chúng ta ra khỏi mọi điều đó. Nên phải trừ bỏ hết mọi tội lỗi tức men cũ và dâng của lễ, ăn bánh không men, để đánh dấu một giai đoạn mới, tẩy sạch mọi men cũ.
Khi Chúa Jesus chịu chết trên cây mộc hình cũng như thế, Ngài chịu chết nghĩa là từ bỏ thân thể xác thịt cũ, sống lại với một thân thể mới, không ai nhận ra được Ngài sau khi phục sinh, thậm chí Ma-ri còn cho là người làm vườn, rồi Ngài đi xuyên tường... Điều này cho thấy đời sống mới khác hoàn toàn đời sống cũ giống như men mới khác hoàn toàn với men cũ vậy.
“Nhưng ngươi sẽ bắt MỘT CHIÊN CON hay là dê con mà CHUỘC một con lừa đầu lòng.” (Xuất 34:20)
Chiên con không những dùng để thế mạng cho con trai đầu lòng, mà luôn cả cho những vật đầu lòng quý nhất dùng để hỗ trợ cho lao động chính trong nhà.
“Trong sáu ngày ngươi hãy làm công việc, nhưng qua ngày THỨ BẢY hãy NGHỈ, dẫu mùa cày hay mùa gặt ngươi cũng PHẢI NGHỈ vậy.
Đầu mùa gặt lúa mì, ngươi hãy GIỮ LỄ CỦA CÁC TUẦN LỄ; và cuối năm GIỮ LỄ MÙA MÀNG” (Xuất 34:21-22)
Tuần không chỉ có nghĩa là 7 ngày mà là một chu kỳ. Thí dụ: "hệ tuần hoàn" hoặc "đi tuần".
Kinh thánh Tân ước được viết từ tiếng Hy-lạp, dịch theo chu kỳ thập phân, ngũ tuần = 50 ngày (ngũ là 5, tuần là chu kỳ 10 ngày). Nên ngày lễ Ngũ Tuần, chính là ngày Lễ Các Tuần Lễ.
Ở đây mới chỉ là sự giới thiệu, vì dân Israel lúc này chưa vào đất Ca-na-an, họ chưa cày cấy hay có thổ sản gì cả! Thế hệ này chết hoàn toàn, chỉ còn lại Giô-suê và Ca-lép mà thôi. Thế thì, vì sao Chúa lại dặn dò ở thế hệ này?
Vì Ngài muốn họ truyền dạy lại cho con cháu họ ở thế hệ sau. Thật ra, Đức Chúa Trời đã ban cho họ một ý chí tự do, vì lúc này họ chưa phản trắc, thối lui. Đức Chúa Trời muốn họ ở trong đồng vắng 40 ngày mà thôi, chứ không phải là 40 năm (Phục truyền chương 1 và 2), Ngài muốn họ vào xứ cày cấy và dâng thổ sản cho Ngài. Nhưng vấn đề là họ đã không tin và họ không “vượt qua’’ được. Nguyên nhân do men cũ cứ dậy lên!
Chúng ta phải vượt qua, phải thật sự vượt qua rồi thì mới đồng hành được, đi qua hết một chuỗi thời gian. Kỳ Lễ Ngũ Tuần là kỳ lễ để chúng ta hưởng những điều mới hoàn toàn: lần này không phải là bánh không men mà là bánh CÓ MEN.
* Cuối câu 22: “...và cuối năm giữ lễ mùa màng” Cuối năm là tháng thứ mấy? Người Israel có 2 tết, chu kỳ trọn vẹn của Đức Chúa Trời là 7, chu kỳ của tổ chức hành chánh là 12, như 12 con trai Gia-cốp, 12 chi phái, 12 môn đồ,…
Chu kỳ trọn vẹn của Đức Chúa Trời là 1 tuần 7 ngày, 7 tuần là men mới. Cũng vậy, tháng giêng có Lễ Vượt qua, sau Lễ Vượt qua khoãng một tháng rưỡi (50 ngày) là Lễ Các Tuần Lễ, sau 6 tháng, đến mùng 1/7 là bước sang một chu kỳ mới, tức tháng đầu tiên của đệ nhị cá nguyệt. Từ tháng 8 trở đi không còn lễ lộc nào.
* Giai đoạn bí hiểm nhất của Kinh Thánh là giai đoạn ở đế quốc Ba-tư: Là lúc tuyển dân bị tan tác hết, chỉ có một nhúm dân sót chịu hồi hương mà thôi, còn đa phần thì họ đã làm ăn thành đạt tại những nước khác như Ba-by-lôn, Ba-tư. Cho đến tận ngày hôm nay, bộ kinh Tamuz tập hợp những lời dạy dỗ của những người Israel lưu vong ở Ba-by-lôn, vẫn là bộ kinh uy tín nhất thế giới, người ta xem nó trọng hơn bộ kinh tại Giê-ru-sa-lem của Israel rất nhiều. Cho nên việc kêu gọi “Hỡi dân ta, hãy ra khỏi Ba-by-lôn…’’ không phải chỉ dành riêng cho tuyển dân thuộc linh, nhưng cũng dành cho dân Israel thuộc thể. Vì họ rất thích ở Ba-by-lôn, làm giàu dễ dàng hơn là trở về xứ của họ, là một xứ bị chiến tranh liên tục. Họ đi xa hơn dưới thời Ba-by-lôn bị Đế quốc Ba-tư chinh phục, họ đi xa tít qua phía đông, rồi xuống phía tây, xuống kinh đô Su-sa là nơi có vua A-suê-ru và hoàng hậu Ê-xơ-tê. Đây là thời điểm người Giu-đa bị giết sạch.
* Vì sao không gọi là người Israel mà gọi là người Giu-đa? Vì lúc bấy giờ nước phía Bắc Israel gồm 10 chi phái, gần như là tuyệt chủng, họ chưa bao giờ thật sự hồi hương, về sau có một nhóm người lai Sa-ma-ri mà thôi. Dân tộc thật sự giữ đạo Chúa, giữ nguyên tắc của Do thái giáo, thờ phượng Giê hô-va Đức Chúa Trời, tất cả đều từ nước Giu-đa ở phía Nam. Chỉ có dòng dõi dưới sự cai trị của nhà Đa-vít thì mới còn tồn tại và bảo vệ lễ Phu-rim.
* “Đến cuối năm giữ lễ mùa màng”: Khi mùa màng đã đến kỳ chín rồi, thì đồng lúa phải chịu chết, lưỡi liềm sẽ cắt ngang thân lúa. Đối với lúa, xem như đó là sự chết. Mùa gặt, chính là mùa “chết chém” của đồng lúa. Cuối năm khi thời gian đã hoàn tất, là lúc lưỡi liềm quăng xuống đất: mùa gặt đã chín. Chúng ta có một sự an ủi lớn trong Khải huyền 14:14-20
“Tôi nhìn xem, thấy một đám mây trắng; có kẻ giống như một con người ngồi trên mây, đầu đội mão triều thiên vàng, tay cầm LƯỠI LIỀM bén. Có một thiên sứ khác ở đền thờ đi ra, cất tiếng lớn kêu Đấng ngồi trên mây rằng: Hãy quăng lưỡi liềm xuống và gặt đi; vì GIỜ GẶT HÁI ĐÃ ĐẾN, mùa màng dưới đất đã CHÍN rồi. Đấng ngồi trên mây bèn quăng lưỡi liềm mình xuống đất, và dưới đất đều BỊ GẶT.
Một vị thiên sứ khác ở đền thờ trên trời đi ra, cũng cầm một cái lưỡi liềm bén. Rồi một vị thiên sứ khác nữa có quyền cai trị lửa, từ bàn thờ đi ra, lấy tiếng lớn kêu vị thiên sứ cầm LƯỠI LIỀM bén mà rằng: Hãy quăng lưỡi liềm bén của ngươi xuống và hái những chùm nho ở dưới đất đi, vì nho đã CHÍN rồi. Thiên sứ quăng lưỡi liềm xuống đất, CẮT vườn nho ở đất và ném nho vào thùng lớn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Thùng ấy phải giày đạp tại ngoài thành; rồi có huyết ở thùng chảy ra, huyết đó lên đến chỗ khớp ngựa, dài một quãng là một ngàn sáu trăm dặm.’’
Chết chém chỉ là khái niệm chịu chết vì danh Chúa, chứ không nhất thiết là phải bị chém đầu, vì Chúa Jesus bị đóng đinh, chứ không bị chết chém. Chúa Jesus chính là gié lúa đầu mùa!
* “Kỳ nhất định’’: “Nầy là những lễ của Đức Giê-hô-va, tức những sự nhóm hiệp thánh, các ngươi phải rao truyền ra khi đến KỲ NHẤT ĐỊNH.” (Lê-vi-ký 23:4)
“Kỳ nhất định” tức thời điểm mà mọi đối tượng đều có thể tính được, ngày xưa người ta tính theo mặt trăng. Đức Chúa Trời cực kỳ khôn ngoan, Ngài dùng mặt trăng để tính ngày, hầu cho người học thức hay bình dân đều có thể nắm được ngày.
* Lễ Lều tạm là LỄ KÉP của tháng 7: ngày mùng 1 là ngày Lễ Thổi Kèn, mọi người phải dẹp hết mọi công việc để tỉnh táo mà nghe tiếng kèn được thổi lên, để chuẩn bị đón một sự kiện rất đặc biệt nào đó. Đến ngày mùng 10 là ngày THẦY TẾ LỄ THƯỢNG PHẨM sẽ thay cho toàn dân vào nơi CHÍ THÁNH dâng lên CỦA LỄ CHUỘC TỘI, ngày đó gọi là Đại Lễ Chuộc Tội. Ngày này ứng nghiệm một cách từng tiểu tiết về sự giáng sinh của Chúa Jesus, để trở thành của lễ chuộc tội:
“Đừng sợ chi, vì hôm nay ta báo cho các ngươi một tin lành, ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một ĐẤNG CỨU THẾ, là CHRIST, là CHÚA”. “Chính CON ẤY sẽ CỨU dân mình RA KHỎI TỘI”.
Vì vậy, sự vào đời của Chúa Jesus là sự ứng nghiệm đầy ý nghĩa của đêm Chúa Jesus giáng sinh.
Tại sao lại là ban đêm? Vì tại nơi Chí Thánh là nơi thầy Tế lễ Thượng Phẩm bước vào, không có ánh sáng mặt trời cũng không có ánh sáng đèn, là nơi tối tăm. Ánh sáng đèn 7 ngọn chỉ nằm ở nơi Thánh mà thôi!
* NGÀY KÉP: Ngày đặc biệt nhất về phương diện một năm chỉ có một lần là ngày mùng 10/7, 10 là số trọn vẹn của loài người và 7 là số trọn vẹn của Đức Chúa Trời. Ngày mùng 10/7 là ngày trọn vẹn, Trời và người được gặp nhau. Chúa Jesus là Đấng Trung Bảo ở giữa để cho người và Trời gặp nhau.
"Sáng danh CHÚA trên CÁC TẦNG TRỜI RẤT CAO" - số 7 là số trọn vẹn của Đức Chúa Trời.
"BÌNH AN DƯỚI ĐẤT ân trạch cho LOÀI NGƯỜI" - số 10 là số trọn vẹn của loài người.
* 5 ngày sau mới là rằm: Ngày mùng 10 trăng chưa tròn vẫn còn khuyết, điều này cho thấy sự trọn vẹn của con người là không thể. Đến rằm thì trăng tròn, đặc biệt là rằm tháng 7. Chúng ta đừng nhầm giữa lịch Do-thái và dương lịch, do dương lịch nhét thêm 2 tháng của vua La-mã nên dương lịch trễ hơn lịch Do thái từ 2 đến 2 tháng rưỡi. Vì vậy, Lễ Ngũ Tuần là thời điểm nóng nhất trong năm, còn Lễ Lều Tạm, đặc biệt vào rằm tháng 7 của lịch Do-Thái, chính là trung thu rằm tháng tám của âm lịch, vì âm lịch trễ hơn dương lịch từ một đến hơn một tháng rưỡi. Nên trẻ con ở Phương Đông bị đánh lạc hướng để ngắm trăng đón Trung thu, đó là thời điểm rằm tháng 7 lịch Do-thái mà loài người hướng lên để chờ đón một điều gì đó rất đẹp và rất trọn vẹn nhưng không phải là mặt trăng. Trái lại, là một điều gì đó, để phản chiếu vinh quang của mặt trời, gọi là trung gian phản chiếu ánh sáng của mặt trời xuống đất.
“Đức Giê-hô-va lại phán cùng Môi-se rằng: Hãy truyền cho dân Y-sơ-ra-ên rằng: Ngày RẰM THÁNG BẢY nầy là LỄ LỀU TẠM, trải qua bảy ngày đặng tôn kính Đức Giê-hô-va. Ngày thứ nhất sẽ có sự nhóm hiệp thánh, các ngươi chẳng nên làm một công việc xác thịt nào. Trong bảy ngày phải dâng các của lễ dùng lửa dâng cho Đức Giê-hô-va; qua ngày thứ tám, các ngươi có một sự nhóm hiệp thánh nữa, cũng dâng của lễ dùng lửa dâng cho Đức Giê-hô-va. Ấy sẽ là một hội trọng thể; chớ nên làm một công việc xác thịt nào hết.” (Lê-vi 23:33-36)
Chúng ta sẽ thấy rõ điều này hơn trong Dân số ký từ chương 28 trở đi, đặc biệt Dân số ký 29:12.
Phục truyền chương 16 cho biết rằng, đó là ngày mọi người vui mừng TRỌN VẸN. Cũng giống như mặt trăng tháng bảy là tròn trịa nhất và sau đó thì không còn lễ nào khác. Xa-cha-ri 14 cũng chỉ nêu kỷ niệm Lễ Lều Tạm mà thôi, đó là hình bóng của NGÀY CHÚA JESUS sẽ TRỞ LẠI LẦN THỨ HAI trên đất.
* Sự kiện này tương ứng với điều gì? Rằm mùa Thu là lúc mặt trăng đang ở vị trí cao nhất, chúng ta cần biết vĩ độ của Israel ngang với Trung quốc (Trung thu là xuất phát từ Trung quốc). Thời điểm trăng được xếp hạng “đứng nhất’’ trong mọi phương diện: Từ cái trong veo sáng tỏ nhất, kích thước to nhất, trăng tròn vành vạnh nhất, cho đến vẻ đẹp lung linh nhất, mà không trăng nào có thể sánh bằng. Đó là lúc mặt trăng PHẢN CHIẾU vinh quang của mặt trời một cách TRỌN VẸN NHẤT cho CẢ TRÁI ĐẤT. Từ đó về sau chẳng còn lễ nào nữa vì ĐÃ TRỌN rồi.
Điều này ứng nghiệm với sự kiện Chúa Jesus TÁI LÂM, 15/7 là ngày của sự VUI MỪNG TRỌN VẸN. Khi Chúa Jesus giáng sinh chưa phải là sự vui mừng trọn vẹn! Bà Ma-ri còn “bị đâm” đau, ông cụ Si-mê-ôn còn xin chết, Giăng Báp-tít còn bị vấp phạm… Khi Chúa Jesus chịu chết, Ngài nói mọi sự đã được trọn, nhưng sự vui mừng vẫn chưa được trọn vẹn. Khi Chúa Jesus thăng thiên, sự trọn vẹn vẫn chưa đến. Cho đến KHI CHÚA JESUS TRỞ LẠI mới là ngày của SỰ VUI MỪNG TRỌN VẸN. Đó là ngày vinh quang của CHA là Giê-hô-va Đức Chúa Trời được Chúa Jesus thể hiện CHIẾU XUỐNG CẢ TRÁI ĐẤT, để lấy ĐẠI QUYỀN ĐẠI VINH mà đến.
Khi Chúa Jesus giáng sinh xuống thế gian, Ngài chỉ là em bé mỏng manh, chứ không có đại quyền đại vinh nào cả, “bị người ta che mặt chẳng thèm xem, chúng ta cũng coi Ngài chẳng ra gì”. Đến khi Chúa Jesus tái lâm, Ngài LẤY đại quyền, đại vinh TỪ Cha, vì vậy Đức Chúa Trời đã ĐEM Ngài lên vị trí rất cao và BAN CHO NGÀI Danh trên hết mọi Danh, đến nỗi mọi mắt sẽ trông thấy Ngài, Y NHƯ vinh hiển của Đức Giê hô-va, “chúng nó sẽ nhìn thấy người mà chúng nó đã đâm”.
Vì sao? vì Chúa Jesus đã xin Cha một điều trong Giăng 17:26
“Con đã tỏ danh Cha ra cho họ, Con lại sẽ tỏ ra nữa, để cho tình yêu thương của Cha dùng yêu thương Con ở trong họ, và chính mình Con cũng ở trong họ nữa.”
Và Giăng 17:4-5 “Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong công việc Cha giao cho làm. Cha ôi! bây giờ xin lấy sự vinh hiển Con vốn có nơi Cha trước khi chưa có thế gian mà làm VINH HIỂN CON NƠI CHÍNH MÌNH CHA.”
CHÚA JESUS TRỞ LẠI sẽ là một sự ứng nghiệm TRỌN VẸN trong KỲ LỄ LỀU TẠM MÙA THU RẰM THÁNG BẢY. Giữa bầu trời tối tăm nhất, trăng trở nên tròn vành vạnh một cách trọn vẹn nhất. Đó là khi Con Người trở lại, há thấy đức tin trên mặt đất chăng! Vì sao buổi sáng hoặc chiều tối chúng ta thấy mặt trời to hơn hết? Vì tương phản giữa sự sáng và sự tối. Điều đó, để cho thấy rằng càng gần đến ngày Chúa Jesus tái lâm bao nhiêu, thì thế gian càng trở nên tối tăm hơn bấy nhiêu.
* “Phòng cao” trong ngày Lễ Ngũ Tuần, là nơi có gió thổi ào ào, Kinh thánh không ghi lại đây là nhà của ai. Ngày nay có nhiều người chỉ trích cho rằng “Lẽ thật không được nói ở nơi phòng kín”!!?? Thế thì, Chúa Jesus nói những sự mầu nhiệm ở đâu? Chỉ có 4 thí dụ đầu tiên là phần hết sức căn bản, thì Ngài dành cho quần chúng. Nhưng khi họ không hiểu được thì Ngài đã cho họ về, sau đó các môn đồ đã vào trong nhà gặp riêng, thì lúc ấy Chúa Jesus mới giải thích về những sự mầu nhiệm của nước Thiên Đàng, và những Lẽ thật.
Thậm chí về sau, khi bày tỏ Lẽ thật Ngài là Con của Đức Chúa Trời, đó là lúc Ngài đã dẫn họ riêng ra tận ở phía Bắc là Sê-sa-rê Phi-líp, lúc bấy giờ Ngài mới hỏi họ các ngươi có biết Ta là ai không? Quần chúng nói Ngài là tiên tri hay ông nào đó, miễn cho ăn là được, nghe vui tai là tốt rồi, không cho ăn thì ném đá thôi! Nhưng khi thấy sự vinh hiển của Con Đức Chúa Trời trên núi hóa hình thì cũng chỉ có 3 ông thề sống chết sẵn sàng mới được lên đó, còn 8 ông kia ở dưới núi, nào có biết gì đâu! Vào đến tận sâu trong vườn Ghết-sê-ma-nê chia sẻ nổi thống khổ giữa ý Cha với ý Con, để thấy ý Cha ý Con rõ rành rành, cũng chỉ có 3 ông đó ở đó với Chúa Jesus mà thôi!
Cho đến Công vụ 1:3 “Ngài Ở RIÊNG với các sứ đồ 40 ngày để giảng cho họ những sự mầu nhiệm của Nước Đức Chúa Trời”, những chuyện đó không có công khai giữa đám đông, ngay cả Ma-thi-ơ chương 7 Chúa Jesus đã nói rất rõ “đừng quăng cho chó vật Thánh, cũng đừng quăng ngọc châu cho heo, kẽo nó quay lại giày đạp và cắn xé”.
* Đại ca đoàn trong ngày Lễ Ngũ Tuần: Ngày Chúa Jesus giáng sinh, ai cũng hát riêng, không có ca đoàn dưới đất, chỉ có đại ca đoàn trên trời hát chung mà thôi. Nhưng đến ngày Lễ Ngũ Tuần, đại ca đoàn 14 bè là ít nhất, không hề tập luyện:
“Nào người Bạt-thê, Mê-đi, Ê-la-mít, kẻ ở tại Mê-sô-bô-ta-mi, Giu-đê, Cáp-ba-đốc, Bông, A-si, Phi-ri-gi, Bam-phi-ly, Ê-díp-tô, đất Li-by gần Sy-ren, nào kẻ từ Rô-ma đến, cả người Giu-đa hoặc người mới theo đạo Giu-đa, người Cơ-rết và A rạp nữa, chúng ta đều nghe họ lấy tiếng chúng ta mà NÓI NHỮNG SỰ CAO TRỌNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.” (Công-vụ 2:9-11)
- Bạt-thê: Là vùng đất gần Pakistan, cách Giê-ru-sa-lem mấy ngàn cây số, băng qua mấy sa mạc.
- Mê-sô-bô-ta-mi: Tức Iraq
- Cáp-ba-đốc, Bông, A-si: Là Thổ nhỉ kỳ.
- Đất Li-by gần Sy-ren: Tức các nước Cách mạng Mùa xuân Ả-rập.
Họ là những người mộ đạo, ở rất xa Giê-ru-sa-lem, chúng ta tưởng tượng họ phải đi trước bao lâu để đến nơi? Họ thuộc nhiều dân tộc, nhiều tiếng nói, họ nói về sự cao trọng của Đức Chúa Trời. “Bấy giờ có người Giu-đa, kẻ MỘ ĐẠO, từ CÁC DÂN THIÊN HẠ đến” (Công-vụ 2:5). Đại ca đoàn, ít nhất 14 thứ tiếng.
“Lúc tiếng ấy vang ra, dân chúng chạy đến, ai nấy đều sững sờ vì mỗi người đều nghe các môn đồ nói tiếng xứ mình. Chúng đều sợ hãi và lấy làm lạ mà rằng: HẾT THẢY NGƯỜI NÓI ĐÓ, HÁ CHẲNG PHẢI LÀ NGƯỜI GA-LI-LÊ SAO?” (Công-vụ 2:6-7)
Nên nhớ rằng, những người mộ đạo này họ biết rất rõ luật pháp Môi-se, không phải họ đi chơi, nhưng họ đi thờ phượng Chúa. Người ta biết người Ga-li-lê vốn là những người đánh cá tanh hôi, dốt nát không học, nhưng sao quá giỏi ngoại ngữ! họ lấy tiếng sinh đẻ của chúng ta ra mà nói (Công-vụ 4). Đó là tiếng nói bởi Linh Cha được ban cho, qua Chúa Jesus, trong ngày Lễ Ngũ Tuần, đã khiến họ trở thành con người mới, không giống con người cũ.
* Có phải các môn đồ do biết trước còn 10 ngày nữa Thánh Linh Cha đổ xuống, nên nhóm lại hay không?
Họ hoàn toàn không biết, nhưng do lòng yêu mến và tôn trọng luật pháp của Đức giê hô-va, họ đã thấy gương mẫu của Chúa Jesus đã dự đủ hết mọi lễ trong luật pháp, thì hà cớ gì mà họ không dự Lễ Ngũ Tuần? Hơn ai hết họ đã từng nghe Chúa Jesus dùng luật pháp Môi-se để giảng về Ngài, cho nên họ hiểu rằng phải ứng nghiệm về việc Cha hứa ban men mới cho họ và điều đó đã đến, khi họ dâng lên Chúa y như của lễ giơ qua giơ lại, với lễ quán đầy rượu mới và men mới. Vì vậy, mới có “đến ngày Lễ Ngũ Tuần, môn đồ nhóm họp tại một chổ” là như vậy!
- “Thình lình” nghĩa là trước đó họ không hề biết, nhưng Đức Chúa Trời đã làm ứng nghiệm kế hoạch mà Ngài định trước đó ít nhất là 1.400 năm, 1.400 năm trước đó là lời tiên tri về việc thiết lập các kỳ lễ, 700 năm sau đó thì Ê-sai nói tiên tri: “Thần Đức Giê hô-va ngự trên Ta”.
Ê-sai 11:1-2 “Có một chồi sẽ nứt lên từ gốc Y-sai, một nhánh từ rễ nó sẽ ra trái. Thần của Đức Giê-hô-va sẽ ngự trên Ngài, tức là thần khôn ngoan và thông sáng, thần mưu toan và mạnh sức, thần hiểu biết và kính sợ Đức Giê-hô-va.”
• Thần của Đức Giê hô-va, thần khôn ngoan, thần thông sáng, thần mưu toan, thần mạnh sức, thần hiểu biết, thần kính sợ Đức Giê hô-va.
• Đây không phải là 7 ông thần, không phải là God / Elohim mà là Ruach / 7 Spirit / 7 Pneuma / 7 Linh của Đức Giê hô-va.
Khải huyền 5:6 “Tôi lại thấy chính giữa ngôi và bốn con sanh vật, cùng chính giữa các trưởng lão, có một Chiên Con ở đó như đã bị giết; Chiên Con có bảy sừng và bảy mắt, là bảy vì thần của Đức Chúa Trời sai xuống khắp thế gian.”
• Nghĩa là Đức Chúa Trời đổ TRỌN VẸN, không giới hạn Linh Thánh của Ngài.
• Giăng 3:34 “Vì Đấng mà Đức Chúa Trời đã sai đến thì rao truyền lời của Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Trời ban Thánh Linh cho Ngài không chừng mực.” (7 linh)
Chúa Jesus hứa gì cho môn đồ của Ngài? Công vụ 2:32-33 “Đức Chúa Jêsus nầy, Đức Chúa Trời đã khiến sống lại, và chúng ta thảy đều làm chứng về sự đó. Vậy, sau khi Ngài đã được đem lên bên hữu Đức Chúa Trời, và từ nơi Cha ĐÃ NHẬN LẤY Thánh Linh mà Cha đã hứa ban cho, thì NGÀI ĐỔ THÁNH LINH RA, NHƯ CÁC NGƯƠI ĐANG THẤY VÀ NGHE.”
• Cho nên giải thích về sự đổ đầy là như thế và điều đó diễn ra vào ngày Lễ 7 lần 7, ngày Lễ trọn vẹn của trọn vẹn, chính xác là Lễ Bảy Tuần Lễ. Mọi điều trong luật pháp của Môi-se, các tiên tri, các thi thiên phải được ứng nghiệm về Chúa Jesus. Người chồng này thật tuyệt vời: điều chi chồng có thì vợ cũng có. Người chồng này muốn mọi người đồng trị với Ngài, muốn mọi người mưu toan, mạnh sức, khôn ngoan, kính sợ Đức Giê hô-va giống y như Ngài vậy. Ai muốn giống Chúa Jesus thật sự thì hãy yêu luật pháp của Đức Chúa Trời vì Chúa Jesus yêu mến luật pháp của Đức Chúa Trời nên Ngài biết từng bước trong cuộc đời mình theo Chúa sẽ phải ứng nghiệm những kỳ lễ đó.
* Thế thì, một năm 3 kỳ, chúng ta sẽ giữ lễ theo cách nào?
Có phải giữ bằng hình thức hay không? Điều CẦN phải giữ đó chính là cuộc đời của chúng ta, để khi:
- ĐẾN KỲ Lễ Vượt qua thì phải thật sự VƯỢT QUA, men cũ phải được TẨY SẠCH và thay vào đó là ăn bánh không men!
- ĐẾN KỲ để bước vào Lễ Ngũ Tuần, chúng ta sẽ kinh nghiệm cách phi thường trong 7 Linh của Cha, do Chúa Jesus đổ Linh Cha xuống cho chúng ta.
- ĐẾN KỲ tối đen trên cuộc đời này, chúng ta sẽ phản ảnh vinh quang của Cha rạng rỡ hơn hết. Hãy nhớ lại ''Lễ Lều Tạm của Ê-tiên'': Nhưng người được đầy dẫy Thánh Linh, mắt ngó chăm lên trời, thấy các từng trời mở ra, thấy Chúa Jesus đứng bên hữu Đức Chúa Trời. Những người Giu-đa thấy mặt người sáng như mặt thiên sứ vậy, họ bèn ném đá cho chết. Mùa gặt đã đến trên Ê-tiên, lưỡi hái tử thần đã đến trên Ê-tiên, nhưng… ông đã không sợ kẻ có thể giết chết thân thể mà không thể giết được linh hồn mình. Và đó là lý do để các Thánh ngày xưa có thể tuận đạo!
Ước mong trong kỳ Lễ Ngũ Tuần này, chúng ta sẽ kinh nghiệm được TRỌN VẸN CỦA SỰ TRỌN VẸN giống như chính Chúa Jesus yêu dấu: Thần của Đức Giê-hô-va, thần khôn ngoan, thần thông sáng, thần mưu toan, thần mạnh sức, thần hiểu biết và thần kính sợ Đức Giê-hô-va. Sẽ đổ ra TRỌN VẸN trên hết thảy chúng ta, hầu cho trong ngày tối tăm hơn hết, là lúc chúng ta sẽ PHẢN CHIẾU VINH QUANG CỦA CHA rạng rỡ hơn bao giờ hết. Amen!
-------------
Trích: Facebook Yen Dang
https://www.facebook.com/notes/yen-dang/m%E1%BB%91i-li%C3%AAn-k%E1%BA%BFt-gi%E1%BB%AFa-c%C3%A1c-k%E1%BB%B3-l%E1%BB%85-trong-c%E1%BB%B1u-%C6%B0%E1%BB%9Bc-v%E1%BB%9Bi-t%E1%BB%ABng-giai-%C4%91o%E1%BA%A1n-trong-cu%E1%BB%99c-%C4%91%E1%BB%9Di-c%E1%BB%A7a-/748279155373228/
-------------
Trích: Facebook Yen Dang
https://www.facebook.com/notes/yen-dang/m%E1%BB%91i-li%C3%AAn-k%E1%BA%BFt-gi%E1%BB%AFa-c%C3%A1c-k%E1%BB%B3-l%E1%BB%85-trong-c%E1%BB%B1u-%C6%B0%E1%BB%9Bc-v%E1%BB%9Bi-t%E1%BB%ABng-giai-%C4%91o%E1%BA%A1n-trong-cu%E1%BB%99c-%C4%91%E1%BB%9Di-c%E1%BB%A7a-/748279155373228/