Kinh thánh: Lu-ca 2 và sách Ru-tơ
Sách Ru-tơ là một trong những sách được người dân Israel đọc vào trong những kỳ lễ trọng. Điều vô cùng đau lòng: dân Israel ngâm nga câu chuyện này xuyên suốt hơn hai ngàn năm qua, thuộc lòng từng lời từng chữ; nhưng họ vẫn không nhận ra được Đấng Mesia là ai. Riêng chúng ta là tuyển dân Israel thuộc linh, đã hơn một trăm năm qua, có nhận ra được điều gì không, hay vẫn mù tịt như dân Israel; chỉ biết đến "nàng dâu thảo" Ru-tơ, ngoài ra chẳng biết gì hơn nữa!
Sách Ru-tơ đã viết về những người dân Israel đương thời, đang ở trong "NHÀ BÁNH" - Bết-lê-hem nhưng lại BỊ NẠN ĐÓI LỚN. Có phải đây là tình trạng của dân Israel thuộc linh ngày nay? Ở trong "Nhà bánh" tưởng đâu đang no, nhưng thật ra đang rơi vào nạn đói cực kỳ lớn! Vấn đề ở chổ chúng ta có nhận biết mình đang đói không, hay tưởng rằng mình đang no? Hãy nghe lời Chúa Jesus phán: "PHƯỚC cho những ai ĐÓI KHÁT sự CÔNG CHÍNH, vì họ sẽ ĐƯỢC NO THỎA." (Ma-thi-ơ 5:6 - BD 2011)
Sách Ru-tơ mô tả một ông có "ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ VUA" - Ê-li-mê-léc cưới bà "NGỌT NGÀO" - Na-ô-mi, nhưng lại sanh ra hai đứa con trai là "BỆNH NHÂN" - Mạc-lôn và "PHẾ NHÂN" - Ki-li-ôn. Có phải chăng, điều này đang đúng cho tuyển dân Israel thuộc linh ngày nay về cả hai phương diện: Sống trong nhà có "Đức Chúa Trời là Vua" nhưng không hề kinh nghiệm về sự chữa lành về thể xác lẫn cả tâm linh! Sống trong nhà có "Đức Chúa Trời là Vua" nhưng sanh ra những đứa con bệnh tật, phế nhân về cả hai phương diện.
Sách Ru-tơ là một câu chuyện ngắn rất hay và nên thơ, từng chi tiết rõ ràng sáng tỏ y như câu chuyện về Năm Hân Hỉ. Một tình tiết được đề cập trong sách, đó là dân ngoại cũng được dự phần; khi dân ngoại bởi đức tin nơi Đức Chúa Trời của dân Israel và mở miệng nói rằng: “Đức Chúa Trời của mẹ cũng là Đức Chúa Trời của con!” Đó là một góa phụ, sống bơ vơ; nhưng dám đeo bám theo Đức Chúa Trời của mẹ chồng để đi về Bết-lê-hem là quê hương bên nhà chồng. Họ là những người đang bị đói, đi tìm bánh, nơi nương tựa của họ là “chết”, họ là những kẻ tứ cố vô thân!
Họ đã trở về Bết-lê-hem nhằm lúc đầu mùa gặt lúa; ở Do-thái mùa gặt lúa mạch dài luôn đến mùa gặt lúa mì, đó chính là thời điểm của tháng Bảy Israel. Một phụ nữ tứ cố vô thân, không nơi nương tựa, sản nghiệp không biết đang thuộc về ai hay đã mất đâu rồi, cần có một người CHUỘC SẢN NGHIỆP (redeemer).
Theo luật của dân Israel, người CÓ QUYỀN chuộc lại sản nghiệp cần phải có đủ những điều kiện sau:
- Là người trong thân tộc gần nhất bên chồng cũ của người phụ nữ.
- Người đó phải trả một giá để chuộc lại sản nghiệp.
- Người chuộc lại sản nghiệp phải cưới người phụ nữ đó.
(Lê-vi 25:23-28, Phục truyền 25:5-10)
Câu chuyện cho biết: có một người đàn ông RẤT CAO TUỔI, mùa này ông ta không có ở trong nhà; TỐI hôm đó, ông ấy NẰM TRÊN RƠM ở sân đập lúa, QUẤN MỀN chung quanh mình và ngủ.
Mẹ chồng người phụ nữ biết người đàn ông này có thể giúp đỡ để chuộc lại sản nghiệp của mình và đang nằm ở đâu, nên đã xúi bảo con dâu: vào tối nay, lúc BAN ĐÊM, hãy để ý xem người nằm nơi nào, rồi con hãy dở mền dưới chân người đàn ông đó và nằm xuống.
Đây có phải chăng: Này là DẤU cho các ngươi tìm thấy người CHUỘC CƠ NGHIỆP cho mình, người đó được BỌC BẰNG KHĂN và NẰM TRÊN ĐỐNG RƠM!
Tất cả chúng ta đều như những dân ngoại lạc loài tứ cố vô thân, linh hồn chúng ta đói khát và trần trụi. Vì chúng ta tin vào một Đức Chúa Trời của dân Israel: Đức Chúa Trời của họ cũng là Đức Chúa Trời của tôi. Chúng ta ĐEO BÁM theo Đức Chúa Trời đó, nên Ngài đã dùng mọi cách để bày tỏ cho chúng ta. Ngày xưa có Thiên thần hiện ra để báo tin, ngày nay chúng ta có Kinh thánh để đọc; để nhận ra dấu hiệu của Vị Cứu Tinh có quyền chuộc lại sản nghiệp cho mình: đó là phục hồi địa vị làm CON của Đức Chúa Trời cho chúng ta. Một khi đã nhận ra được điều tuyệt vời ấy, cho dù Vị Cứu Tinh đó rất già, gấp mấy ngàn đời so với tuổi bố của chúng ta; chúng ta gọi người đó là “Anh”, để rồi nép mình vào người đó, người đó sẽ yêu thương và sẽ “cưới” chúng ta. Hành động đó vô cùng táo bạo!
Đối với một người phụ nữ phương Đông, ban đêm dở mền nằm dưới chân của một người đàn ông là hành động táo bạo; nhưng do khát khao được phục hồi địa vị sản nghiệp thuộc về mình mà bất chấp thị phi cùng sĩ diện của cá nhân. Người phụ nữ đó chỉ có thể hành động khi ý thức được mình đã ĐÁNH MẤT sản nghiệp quý giá và ĐỊA VỊ quan trọng trước đây. Thế thì, điều đầu tiên là cần phải ý thức mình có một địa vị rất cao, có một gia sản rất lớn; nhưng mình đã ĐÁNH MẤT.
Người này làm dâu cho một người tên là Ê-li-mê-léc, Ê-li nghĩa là Đức Chúa Trời, Mê-léc nghĩa là Vua. Ê-li-mê-léc có nghĩa Đức Chúa Trời là Vua. Vì vậy, khi dân Israel được Đức Chúa Trời chọn làm vợ, Ngài đã chuẩn bị để từ trong dân đó sinh ra Chúa Cứu thế Jesus (Rô-ma 1).
Ngày nay chúng ta cần biết rằng những bài ca của dân Israel về tính thuộc linh là những bài ca ảo não, bài ca của những người mất nước. Đức Chúa Trời đối với họ như Đức Chúa Trời đã chết, mặc dù họ nói vẫn tin cậy nơi Đức Chúa Trời; nhưng nó vô cùng đau đớn, giống như tâm trạng của Na-ô-mi: xin đừng gọi tôi là Na-ô-mi nữa, hãy gọi là Ma-ra! Cuộc đời thật sự của dân Israel rất đau đớn. Chúng ta những người đã biết và nhận Lẽ thật giống như Ru-tơ, bao nhiêu người trong các giáo hội khác giống như tình trạng của Ọt-ba. Chúng ta đeo bám một Đức Chúa Trời thật của Israel, thì dẫu chính Israel tuyệt vọng và cho rằng Đức Chúa Trời của họ đã chết, Ê-li-mê-léc của họ không còn, họ chỉ lang thang về Bết-lê-hem để tìm bánh mà thôi; nhưng chúng ta thì hoàn toàn không giống như vậy!
Lời tuyên bố của Ru-tơ mạnh hơn lời nói của Na-ô-mi rất nhiều, Na-ô-mi chỉ nghĩ việc dưới đất mà thôi (đương nhiên chúng ta không loại trừ ý: nhờ sự dạy dỗ giúp đỡ của Na-ô-mi mà Ru-tơ đã đến được với Bô-ô): “Hỡi hai con gái ta, hãy trở về đi; mẹ già quá mà lấy chồng nữa. Lại dầu bây giờ mẹ nói: Ta có lòng trông mong, từ chiều nay ta sẽ có chồng, dẫu ta sanh đẻ con trai đi nữa, chúng con há lại muốn đợi cho đến chúng nó khôn lớn, và không lấy chồng khác hay sao? Không, hỡi chúng con, nỗi sầu thảm của mẹ cay đắng muôn phần hơn của chúng con, vì tay của Đức Giê-hô-va đã giơ ra hại mẹ.” (Ru-tơ 1:12-13), nhưng Ru-tơ không chấp nhận điều đó, bà chỉ quan tâm đến việc “Đức Chúa Trời của mẹ, TỨC LÀ Đức Chúa Trời CỦA con!”, Ru-tơ chỉ mong muốn được phục hồi sản nghiệp cho người chết.
Chúng ta không quan tâm đến phong tục của người Do-thái; nhưng chỉ quan tâm đến Đức Chúa Trời THẬT của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp. Đức Chúa Trời mà đã từng hứa sẽ ban một Đấng cho chúng ta và phục hồi địa vị cho chúng ta. Trong giai đoạn Hội thánh đầu tiên, thời tiền Phao-lô; số người tin rất đông, nhưng vẫn có một số không tin và bắt bớ dữ tợn. Trong số bắt bớ đó có Phao-lô trở lại với đạo thật, còn bao nhiêu người khác không hề trở lại. Những người Do-thái bị bỏ không phải do Đức Chúa Trời bỏ, nhưng do họ tự bỏ chổ của mình; thì dân ngoại là chúng ta được ráp thế vào vị trí đó. Vì vậy, chúng ta cần phải hiểu rằng vị trí của mình y như vị trí của nàng Ru-tơ.
Thế thì, dấu hiệu ngày xưa cho những người chăn chiên nghèo khổ: “Này là DẤU cho các ngươi NHÌN NHẬN Ngài”. Xin Chúa mở mắt, để chúng ta NHÌN và NHẬN RA những DẤU HIỆU của Đấng Mesia thật của người dân Israel. Khi chúng ta nói rằng Đức Chúa Trời của người Israel cũng là Đức Chúa Trời của chính mình, thì chúng ta sẽ nhận ra người có thẩm quyền để chuộc sản nghiệp với các dấu hiệu y như câu chuyện nên thơ có nàng Ru-tơ.
Chúng ta đã đến nép mình vào ở trong bóng của Đấng Cứu đó (không phải là Đấng Cứu thế; vì nếu chỉ là Đấng Cứu thế thì Chúa Jesus chỉ cứu được ở đời này mà thôi. Nhưng nếu là Đấng Cứu, thì sự cứu chuộc của Ngài có giá trị ở đời này lẫn cả đời sau); Đấng ấy đã đến đúng tại vị trí Bết-lê-hem, đúng vào thời điểm mùa gặt hái đã xong, và dù chỉ là một em bé bọc bằng khăn nằm trong máng cỏ. Vì là một em bé nên không phải nằm trên một sân đạp lúa đầy rơm, nhưng nằm trong một máng rơm nhỏ; không phải là một cái mền thật lớn để Ru-tơ có thể đắp vào, nhưng là một cái khăn để quấn quanh mình. Càng nhỏ, ý nghĩa thuộc linh càng lớn; bao phủ được hết tất cả mọi người trên thế giới, nếu ai dám táo bạo chui vào núp mình dưới bóng của Chúa Jesus.
Sách Ru-tơ dùng rất nhiều lần từ ngữ “người chết”; Bô-ô đã làm trọn nhiệm vụ “cứu thục”, đã phục hồi lại sản nghiệp của Ê-li-mê-léc, Mạc-lôn, Ki-li-ôn và cưới Ru-tơ làm vợ.
"Bấy giờ, Bô-ô nói cùng các trưởng-lão và cả dân-sự rằng: Ngày nay, các ông chứng-kiến rằng tôi mua nơi tay Na-ô-mi MỌI TÀI-SẢN THUỘC VỀ Ê-LI-MÊ-LÉC, về KI-LI-ÔN, và về MẠC-LÔN, và CŨNG LẤY RU-TƠ, người Mô-áp, vợ của Mạc-lôn, LÀM VỢ TÔI, đặng NỐI DANH KẺ CHẾT CHO SẢN-NGHIỆP NGƯỜI; hầu cho danh kẻ chết không mất khỏi giữa anh em mình và khỏi dân-sự của thành người; ngày nay các ông làm chứng về điều đó." (Ru-tơ 4:9-10)
Khi Bô-ô mua miếng đất của Ê-li-mê-léc từ nơi Na-ô-mi, thì sản nghiệp của Ê-li-mê-léc được phục hồi; đương nhiên mọi tài sản của Ki-li-ôn và Mạc-lôn cũng được phục hồi theo. Khi danh “Đức Chúa Trời là Vua” được phục hồi, thì tất nhiên những “bệnh nhân” và “phế nhân” cũng phải được giải quyết. Nhân bởi chúng ta núp mình dưới bóng của Đấng Trung Bảo Jesus Christ, mà danh Đức Chúa Trời là Vua được phục hồi trên đời sống của chúng ta; từ đó trong chúng ta không còn những sự rủa sả và bệnh tật. (Ê-sai 53:5, I Phi-e-rơ 2:24 "Ngài gánh tội-lỗi chúng ta trong thân-thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta là kẻ ĐÃ CHẾT về tội-lỗi, ĐƯỢC SỐNG cho sự công-bình; lại nhân những lằn đòn của Ngài mà anh em đã được LÀNH BỊNH.")
** Việc các thiên sứ báo tin cho các mục đồng biết dấu hiệu để nhìn và nhận ra Đấng Mesia: “Con trẻ ấy được bọc bằng KHĂN và nằm trong MÁNG cỏ” có phải là điều ngẫu nhiên hay không?
"Nầy là DẤU cho các ngươi NHÌN-NHẬN NGÀI: Các ngươi sẽ gặp một CON TRẺ bọc bằng KHĂN, nằm trong MÁNG cỏ." (Lu-ca 2:12)
Đức Chúa Trời đã qui định cho Môi-se đóng hòm giao ước bằng gỗ Si-tim, bên trong hòm có hai bảng luật pháp tức mười điều răn, cùng một bình ma-na và cây gậy trổ hoa của A-rôn (Xuất 37:1, Hê-bơ-rơ 9:4). Chúng ta biết rằng: cả Hòm giao ước và cái máng đều được làm bằng CÂY; kích thước của Hòm giao ước cũng tương đương với kích thước cái máng của dân Israel; mặt khác danh của Chúa Jesus chính là LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI (Khải huyền 19:13). Khi khánh thành đền thờ Sa-lô-môn, Hòm giao ước chỉ còn duy nhất là mười điều răn; cây gậy A-rôn và bình ma-na đã mất (I Các-vua 8:9, II Sử-ký 5:10). Nhưng trong Khải huyền, ma-na và cây gậy được xuất hiện (Khải huyền 2:17, 2:26-27).
** Ê-sai 9:6 là lời tiên tri về sự giáng sinh của Chúa Jesus: “Ngài được xưng là Cha đời đời, là Chúa bình an”, nhiều người đã vịn vào câu Kinh thánh này để cho rằng Chúa Jesus cũng chính là Đức Chúa Trời!!??
Chúng ta hãy xem, Bô-ô gọi Ru-tơ là gì, không phải “CON GÁI của TA” sao? Bô-ô há không phải là người bà con với vai anh / em của Ê-li-mê-léc sao? Tuổi tác của Bô-ô có trẻ trung không hay là đáng tuổi cha của Ru-tơ? Nhưng khi ông trở thành người chuộc lại sản nghiệp cho Ru-tơ thì ông trở thành CHỒNG của Ru-tơ. Khi hiểu Chúa Jesus là “Cha đời đời” là về phương diện giống Đấng Cứu thục, Ngài có từ trước A-đam. Chữ “Cha đời đời” không khiến Chúa Jesus ngang địa vị với Cha trên trời, nhưng giống địa vị của Đấng Cứu thục. Trong cuối Giăng 13, Chúa Jesus gọi các sứ đồ: “Hỡi các CON thơ bé của ta”; Giăng 21: “Hỡi các CON có chi ăn không?”; lát sau thì Ngài lại hỏi “Có yêu ta không..?”, ở đây Ngài dùng từ ngữ “agapas” có nghĩa là tình yêu đắm say. Chúa Jesus đáng tuổi Cha của chúng ta mà cũng là CHỒNG của chúng ta, Ngài chính là Chàng Rể Chiên Con! (Khải huyền 19:6-10)
Khi thấy các môn đồ đã nhận ra Jesus người Na-xa-rét là ai, Ngài đã vui mừng đến độ nức lòng mừng rỡ:
“Thưa CHA, Chúa của trời và đất, Con ca ngợi CHA, vì CHA đã GIẤU những điều nầy với kẻ khôn ngoan, người sáng dạ, mà BÀY TỎ CHO TRẺ THƠ. Thật vậy, thưa Cha, vì ĐIỀU NÀY ĐẸP Ý CHA” (Ma-thi-ơ 11:25-26)
Vì ĐIỀU NÀY ĐẸP Ý CHA, a-men!
----------
Trích nguồn: Facebook YenDang
https://www.facebook.com/notes/yen-dang/n%C3%A0y-l%C3%A0-d%E1%BA%A5u-cho-c%C3%A1c-ng%C6%B0%C6%A1i-nh%C3%ACn-nh%E1%BA%ADn-ng%C3%A0i/888334434701032/
----------
Trích nguồn: Facebook YenDang
https://www.facebook.com/notes/yen-dang/n%C3%A0y-l%C3%A0-d%E1%BA%A5u-cho-c%C3%A1c-ng%C6%B0%C6%A1i-nh%C3%ACn-nh%E1%BA%ADn-ng%C3%A0i/888334434701032/