Chúa Jesus đã dạy cho chúng ta khuôn mẫu cầu nguyện, được chép trong Lu-ca 11:1-4 và Ma-thi-ơ 6:9-13
(1) ĐỐI TƯỢNG CHÚNG TA CẦU NGUYỆN LÀ AI?
“Vậy, các ngươi hãy cầu như vầy… LẠY CHA chúng tôi ở trên trời…”
Đối tượng nhận bài học này không phải chỉ các sứ đồ, nhưng cho tất cả mọi người đã tin nhận Chúa Jesus là CON Đức Chúa Trời.
Từ ngữ “Lạy Cha” chưa phải là lời cầu nguyện, nhưng đó là lời xưng nhận đối tượng mình đang cầu nguyện, đúng ra đó là “A-ba ơi!” hay “Thưa Cha!” Vì vậy, cần xác định rõ: Chúa Jesus dạy cho chúng ta cầu nguyện với CHA ở trên trời. Thế nhưng, tiếc thay ngày nay người ta thường không cầu nguyện với Cha, trái lại họ cầu nguyện với nhau và thiêng liêng hơn một chút thì cầu nguyện với Chúa Jesus.
(2) DANH CHA ĐƯỢC THÁNH:
a. Điều đầu tiên được Chúa Jesus nhắc đến trong bài cầu nguyện mẫu là gì?
“DANH CHA được THÁNH!”
Đây không phải lời cầu xin, nhưng là sự hòa theo cùng mọi tạo vật linh giới để tung hô DANH CHA. Điều này vô cùng quan trọng, nếu không thì Chúa Jesus đã không đưa ra trong phần đầu tiên của bài cầu nguyện mẫu.
Ngay từ Sáng thế ký 1:1 “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời và đất”. Từ ngữ “Đức Chúa Trời” chỉ mới là Elohim nghĩa là Thần, chưa phải là DANH CHA. Bản thân của Chúa Jesus trước khi đến thế gian là một trong các Elohim, sau khi về trời Ngài cũng là Elohim, cao hơn mọi Elohim khác trừ Đức Chúa Trời là Cha của Ngài mà thôi.
Giăng 12 đã ghi lại tiếng của Cha từ trời phán xuống cho Con Ngài lần thứ ba. Lần này không còn nhắc đến khái niệm Con là ai nữa, nhưng xác định MỐI QUAN HỆ giữa Cha và Con: “Ta đã làm SÁNG DANH rồi, ta sẽ còn làm SÁNG DANH nữa!” để đáp lại lời cầu nguyện của Chúa Jesus: “Lạy Cha, xin làm SÁNG DANH CHA!” Ở đây không phải là “Tôn Thánh” nhưng là “Tôn vinh”, vì ở dưới đất này người ta chưa chịu tôn vinh Danh Cha đúng như điều đáng phải có, thậm chí ngay trong đền thờ Giê-ru-sa-lem vẫn chưa có sự tôn vinh Danh Cha một cách đúng đắn.
Chúa Jesus dạy điều này khi Ngài ở trong đền thờ Giê-ru-sa-lem. Đền thờ Giê-ru-sa-lem cách đây hơn 2 ngàn năm người ta thờ phượng Đức Chúa Trời và gọi là Adonai, do kiêng tên kỵ húy không dám gọi đúng Danh của Ngài là Giê hô-va tức Yahweh. Từ ngữ Adonai chỉ có nghĩa là Chúa, chưa đúng Danh Cha. Do sau khi bị lưu đày từ Ba-by-lôn trở về, họ quá sợ Danh của Đức Chúa Trời nên không dám gọi đúng Danh Ngài nữa!
Tại đền thờ Giê-ru-sa-lem, người ta đến gặp và gọi Phi-líp bằng “Chúa” và họ xin với Phi-líp để được gặp “Chúa của Chúa” (The Lord). Thế thì, “Chúa” nào, họ hoàn toàn không phân biệt được Chúa nào cả!
b. Vì sao lời báo cáo đầu tiên của Chúa Jesus dâng lên Cha đó là: “Con đã tỏ DANH CHA ra cho những người Cha giao cho Con từ giữa thế gian; họ vốn thuộc về Cha, Cha giao họ cho Con, và họ đã giữ lời Cha” (Giăng 17:6)?
Sự bày tỏ DANH CHA quan trọng đến mức độ nào, khiến cho Chúa Jesus đã đưa điều này lên vị trí hàng đầu trong bảng danh sách mà Ngài đã làm cho môn đệ mình?
Các môn đệ của Chúa Jesus là những người theo đạo Do-Thái, họ đã lên đền thờ Giê-ru-sa-lem thờ phượng Đức Chúa Trời từ lúc mới 12 tuổi. Thế thì, Chúa Jesus có cần phải bày tỏ Danh Cha ra, thì họ mới biết hay không? Vì sao Chúa Jesus đưa công tác này lên hàng đầu: “Con đã BÀY TỎ DANH CHA ra cho họ...”?
Cần biết rằng người Do-Thái thời bấy giờ họ đang lẫn lộn về “Danh Cha”. Những người Do-thái trở về từ Palestine trước thời Chúa Jesus đều là những người trở về sau cuộc lưu đày, trước đó tất cả đều bị lưu lạc: 10 chi phái phía Bắc đem qua Asyri và xóa sổ, nước Giu-đa phía Nam đem qua Babylon sau đó tản ra. Một số người dưới thời vua Ạt-ta-xét-xe ra chiếu chỉ rồi trở về, có những đợt Ê-xơ-ra, Nê-hê-mi; Còn Đa-ni-ên, Ê-xơ-tê vẫn còn ở lại, những người trở về đều thờ phượng Đức Chúa Trời nhưng cách gọi tên về Đức Chúa Trời theo nhiều cách khác nhau.
Nếu đọc kỹ sách Nê-hê-mi và Ê-xơ-tê chúng ta sẽ thấy những sự xáo trộn về ngôn ngữ, sách Ê-xơ-tê không hề nhắc đến khái niệm về Đức Chúa Trời, còn sách Nê-hê-mi thì gọi “Đức Chúa trên trời…” chứ không phải là Đức Chúa Trời. Do đó, cách gọi về Đấng được bày tỏ Ta là Đấng tạo hóa, Ta là Đấng chủ tể trên hội các thần… đã được mô tả NGANG BẰNG với các thần của mọi tôn giáo khác, đặc biệt là những vị thần của những nước đã từng bắt họ làm phu tù. Vì vậy, không thể biết được thần nào lớn hơn và cuộc đời của họ đã không dám gọi Danh của Đức Chúa Trời là Yahweh, mãi cho đến năm 1520 người ta mới dám gọi Danh của Ngài là Giê hô-va.
Chính vì không biết rõ về Danh của Đức Chúa Trời nên người ta dễ bị lừa, tưởng rằng Danh đó là Ba ngôi hay Trinity. Chưa một lần nào Chúa Jesus xưng rằng Ngài là Yahweh cả, hễ khi nhắc đến Danh Cha thì Ngài vô cùng tôn kính: “Con đã tỏ DANH CHA ra cho những người Cha GIAO CHO CON từ giữa thế gian”. Điều này có phải tất cả mọi người ở thế gian đều sẽ được Chúa Jesus bày tỏ Danh Cha ra cho họ hay không? Hay trái lại, Danh đó mỗi ngày càng bị che lấp và giấu đi, hoàn toàn trở thành lạ lùng trong mắt của những người tín đồ Cơ Đốc. Hầu như những bản dịch mới sau này Danh Giê hô-va Đức Chúa Trời đã được thay bằng từ ngữ “CHÚA” mà thôi, họ đã làm mờ Danh của Cha là Giê hô-va Đức Chúa Trời.
“Con đã tỏ DANH CHA ra cho những người Cha giao cho Con từ giữa thế gian, họ vốn thuộc về Cha, Cha giao họ cho Con, và họ đã giữ lời Cha.”
Ngày nay người ta tự hào có hàng tỉ người theo đạo Cơ Đốc, nhưng thật sự có bao nhiêu người đọc và giữ lời của Chúa Jesus dạy, trong khi đó lời của Chúa Jesus chính là Lời của Cha!
Sứ vụ của Chúa Jesus lúc nào cũng tự nhắc nhở mình và xin với Cha rằng: Cha ơi, con đã LÀM SÁNG DANH CHA! Khi báo cáo chức vụ thì: Cha ơi, con đã BÀY TỎ DANH CHA cho họ! Và khi đã về trời rồi, Ngài nhìn xuyên suốt cho đến tận tương lai… lời hứa mà Chúa Jesus luôn trân trọng với tấm lòng đầy yêu thương được chép trong Khải huyền 3:12
“KẺ NÀO THẮNG, ta sẽ cho làm TRỤ trong đền Đức Chúa Trời ta, và người sẽ không ra khỏi đó nữa; ta lại sẽ lấy DANH Đức Chúa Trời ta, DANH của thành Đức Chúa Trời ta, là Giê-ru-sa-lem mới từ trên trời, bởi Đức Chúa Trời ta mà xuống, cùng DANH MỚI TA, mà viết trên người.”
Chúng ta cần lưu ý:
- "Danh mới của Ta" tức Danh mới của Chúa Jesus, chứ không phải Danh mới của Đức Chúa Trời.
- "Elohim" không phải là Danh.
- Cách phát âm "Giê hô-va" có từ năm 1520.
- "Yahweh" được gọi theo cách nhiều học giả cho là đúng hơn.
Đến đây, người ta càng ngày càng hiếm biết về Danh của Đức Chúa Trời.
Trong câu chuyện Cha Mẹ của Sam-sôn gặp thiên sứ của Đức Chúa Trời, dầu chỉ mới là sứ giả của Đức Chúa Trời thôi, nhưng khi được hỏi danh của người là gì, thì đã được trả lời: “Sao ngươi hỏi danh ta, danh ta lấy làm diệu kỳ!”
Chữ Giê hô-va hay Yahweh được các học giả đồng thuận với nhau với nghĩa phổ quát nhất: “Ta là Đấng Ta là” = "I Am Who I Am” hoặc họ thường cho chúng ta hiểu với một nghĩa: “Ta là Đấng Tự hữu và Hằng hữu”, nghĩa là động từ đó không chia ở thì quá khứ hay tương lai mà chỉ chia ở thì hiện tại.
Ngoài ra, "I Am Who I Am” còn có một ý nghĩa tuyệt vời nữa, chúng ta có thể thấy rõ hơn qua ví dụ này: Hai người gặp nhau và hỏi: “Cậu tên gì?” “Tôi là tôi!” Điều này có nghĩa: khi nào đủ thân thì sẽ nói sau, còn bây giờ thì tôi là tôi! Cũng có nghĩa là “không can hệ gì với ngươi!” / “Tôi là vậy đó!” Ngôn ngữ không lột tả được hết, nên người ta diễn tả bằng 4 ký tự YHWH (Yahweh). Các nhà thần học đến đây đã dừng lại, riêng chúng ta cần có sự bày tỏ để thoát ra khỏi ngôn ngữ, hầu nhận được sự bày tỏ quý báu và mầu nhiệm, điều này sẽ đi tiếp luôn cho đến thì tương lai:
“KẺ NÀO THẮNG, ta sẽ cho làm TRỤ trong đền Đức Chúa Trời ta, và người sẽ không ra khỏi đó nữa; ta lại sẽ lấy DANH Đức Chúa Trời ta, DANH của thành Đức Chúa Trời ta, là Giê-ru-sa-lem mới từ trên trời, bởi Đức Chúa Trời ta mà xuống, cùng DANH MỚI TA, mà viết trên người.”
- “KẺ NÀO THẮNG…” chứ không phải tin là đủ.
- Thì “Ta sẽ cho làm TRỤ trong đền Đức Chúa Trời ta…”, chứ không phải "Trong đền của Ta".
- Nhiều sự dạy dỗ cho rằng chỉ cần TIN Chúa Jesus thì chắc chắn được cứu!!?? Trong khi đó, chính Chúa Jesus nói rằng:
“Vì ngươi ĐÃ GIỮ LỜI nhịn nhục ta, ta cũng sẽ giữ ngươi khỏi giờ thử thách, là giờ sẽ đến trong khắp thế gian, đặng thử những người ở trên đất.
Ta đến mau kíp; HÃY GIỮ LẤY ĐIỀU NGƯƠI CÓ, hầu cho không ai cất lấy mão triều thiên của ngươi.” (Khải huyền 3:10-11)
Thế thì, MÃO TRIỀU THIÊN chúng ta có được há không phải do chúng ta đã GIỮ LỜI CỦA CHÚA JESUS dạy hay sao? Và KẺ NÀO THẮNG, tức có nghĩa sẽ có nhiều người thua, kẻ thua đó là ai, há không phải là những người đã KHÔNG giữ đúng lời dạy của chính Chúa Jesus!
“Đền Đức Chúa Trời ta”, “Danh Đức Chúa Trời ta”, “thành Đức Chúa Trời ta”, “... bởi Đức Chúa Trời ta”. Điều này cũng đồng nghĩa với: ĐỨC CHÚA TRỜI CỦA CHÚA JESUS.
c. Vì vậy, trong lời cầu nguyện, chúng ta cần cầu nguyện đúng theo khuôn mẫu Chúa Jesus đã dạy:
- Cần biết đối tượng chúng ta đang cầu nguyện đó là CHA, Ngài cũng chính là CHA của Chúa Jesus. (Lạy Cha chúng con ở trên trời!)
- Cần phải hiểu rằng DANH CHA chính là Giê hô-va Đức Chúa Trời, cũng là Đấng Tự hữu và Hằng hữu. (Danh Cha được tôn thánh!)
Trong giai đoạn Chúa dùng ngôn ngữ để bày tỏ, chúng ta có được đầy đủ bộ sưu tập Cựu & Tân ước, hầu ôn lại những sự dạy dỗ của Chúa Jesus. Hãy hình dung những môn đồ thật của Chúa Jesus khi thờ phượng Cha, trong cách truyền đạt riêng của Chúa Jesus đã nói với họ điều gì, chúng ta sẽ nhận ra tổng thể về sự bày tỏ này không phải bởi tri thức nhưng bởi Linh Thánh, các môn đồ theo con đường bởi sự kêu gọi của Chúa Jesus là Thánh. Những người đó vốn chỉ là con số ít, đã được lựa chọn giữa thế gian, đã được Cha giao cho Chúa Jesus, chẳng ai có quyền cướp chiên đó ra khỏi tay CHA!
Cần phải biết rằng phép lạ, đuổi quỷ, chữa bệnh... mục đích cuối cùng để hiểu uy quyền của Chúa Jesus, biết rằng người thuộc về Chúa Jesus thì có được điều Ngài ban cho bởi Linh Cha. Kế đến, xin Cha tiếp tục dẫn vào Lẽ thật, chấp nhận cái đúng dám bỏ cái sai, chịu đựng sự vu cáo, chấp nhận để vào cửa hẹp, chịu đựng sự sợ hãi cô đơn và khi ấy Linh Cha sẽ tiếp tục bày tỏ… Trong mắt của những người khác, chúng ta ngày càng cô đơn, đơn độc… tất cả những điều đó chúng ta làm bởi sức thiêng của Cha, nên nếu ai yêu mến Cha thì mỗi ngày càng đi lên cao hơn trên con đường càng hẹp. Sự kêu gọi này rất đặc biệt, KHÔNG phải bắt buộc mọi người đều như thế, nhưng tùy vào mức độ yêu mến Cha, lòng trung thành với Lời Cha do Chúa Jesus chuyển giao mà sẽ nhận được sự mở ra tương ứng. Đức Chúa Trời có chương trình diệu kỳ cho những ai muốn hiểu và sống theo Lẽ thật của Ngài.
(3) NƯỚC CHA ĐƯỢC ĐẾN:
a. Có quan niệm cho rằng, khi Chúa Jesus đến thế gian, thì Ngài đã đem Nước Cha đến trên đất rồi!
Nếu thế, chúng ta sẽ giải thích thế nào về Lu-ca 17:20-21 - “Người Pha-ri-si hỏi Chúa Jêsus nước Đức Chúa Trời chừng nào đến, thì Ngài đáp rằng: NƯỚC ĐỨC CHÚA TRỜI KHÔNG ĐẾN CÁCH RÕ RÀNG, và người ta sẽ không nói: Ở đây, hay là: Ở đó; Vì nầy, NƯỚC ĐỨC CHÚA TRỜI Ở TRONG CÁC NGƯƠI.”
Nhưng trong Lu-ca 11:20, Chúa Jesus lại nói Nước Đức Chúa Trời đã đến nơi các ngươi rồi!
Chúng ta được biết: “kingdom” là danh từ ghép bởi hai từ: “king” = Vua và “dom” là từ ngữ có gốc La-tinh, có động từ là Dominate = thống trị cách trọn vẹn, và Kingdom = Vương quốc. Khi chúng ta sống trong vương quốc nào thì nhà cửa, ruộng đất, thậm chí con người của chúng ta cũng chính là tài sản của ông vua đó. Ngay cả quốc khánh của nước đó, cũng chính là ngày sinh nhật của nhà vua đang cai trị.
b. Vương quốc Đức Chúa Trời hay Vương quốc Đấng Christ?
“Vương quốc Đấng Christ” là khái niệm chỉ về vai trò từ khi Hội thánh được thành lập cho đến khi Chúa Jesus tái lâm. Ngày nay các giáo hội rất tự hào về điều này, người ta nghĩ rằng đó chính là sự thể hiện Vương quốc Đức Chúa Trời ở trên đất.
Giai đoạn một ngàn năm bình an là thời điểm Đấng Christ cai trị, chính Chúa Jesus thực thi quyền cai trị trên đất, giai đoạn này không có sự giảng dạy sai trật nào, không có quyền lực nào ngoài quyền năng của Đấng Christ để giảng cho người ta biết về Đức Chúa Trời. Giai đoạn này, nước Đức Chúa Trời chưa đến trên đất và ở dưới đất như ở trên trời. Vì theo Khải huyền 20, Sa-tan được thả ra, muôn dân theo sự lừa dối của nó đông như cát bờ biển, số người tin thật theo Chúa Jesus co cụm lại chỉ trong những thành nhỏ mà thôi. Đến lúc bấy giờ, Đức Chúa Trời phải hủy diệt chúng bằng lửa từ trời, để làm sạch hết và làm mới lại muôn vật bởi trời mới đất mới.
“Kế đó, cuối cùng sẽ đến là lúc Ngài sẽ GIAO NƯỚC LẠI CHO ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ CHA, sau khi Ngài đã phá diệt mọi đế quốc, mọi quyền cai trị, và mọi thế lực; vì Ngài phải cầm quyền cho đến chừng đặt những kẻ thù nghịch dưới chơn mình. Kẻ thù bị hủy diệt sau cùng, tức là SỰ CHẾT.” (I Cô-rinh-tô 15:24-26)
Khi khái niệm “sự chết” còn tồn tại, nghĩa là nước Đức Chúa Trời chưa đến, vì trong Đức Chúa Trời không hề có sự chết. Khi chúng ta còn sợ hãi sự chết, thì nghĩa là nước Đức Chúa Trời chưa thật sự cai trị trong lòng chúng ta. Trong giai đoạn Chúa Jesus giảng dạy trên đất, nước Đức Chúa Trời đã đến giữa con người; Khi Chúa Jesus kêu người chết sống lại, là một bằng chứng để cho người ta nhìn thấy điều đó.
Chúa Jesus nói thêm một ý: “Nước Đức Chúa Trời không đến rõ ràng”, điều này mang ý nghĩa gì? Đó là Vương quốc của Đức Chúa Trời chỉ đến trong lòng của những người chấp nhận sự cai trị HOÀN TOÀN của Đức Chúa Trời hằng sống là CHA của Chúa Jesus mà thôi! Đó là những người có phần tâm linh đã được sống lại, không còn linh sự chết ngày xưa, mặc dù họ vẫn còn sống trên đất nhưng phần tâm linh được hưởng quyền tể trị của Đấng hằng sống đời đời chính là Đức Chúa Trời.
Vì vậy, nếu một người yêu Jesus và đi theo Ngài hết lòng nhưng lại không nhận ra Đấng hằng sống đời đời là Đấng duy nhất có quyền khiến Chúa Jesus từ kẻ chết sống lại. Thì rất có thể người ấy đang ra sức xây dựng Vương quốc Đấng Christ trên đất, nhưng chỉ dừng lại ở mức độ thờ phượng Đấng Christ mà thôi, nghĩa là họ không chấp nhận việc thờ phượng Đấng ban sự sống cho Đấng Christ.
Giăng 6:57 Chúa Jesus nói rằng: “Con sống bởi Cha!” Chúa Jesus đã thừa nhận sự sống Ngài có là do bởi Cha mà ra, nhưng các giáo hội không thừa nhận điều đó và cho rằng Chúa Jesus là Đấng tự có, tự sống một cách độc lập (bình đẳng với Đức Chúa Cha). Như vậy, họ đã phủ định lời dạy của Chúa Jesus: Nước Cha được đến ở đất cũng như ở trời. Từ đó cho thấy các giáo hội chỉ công nhận Nước Con ở trên đất chứ không phải Nước Cha!
Theo I Cô-rinh-tô 15:24-26 “Kế đó, cuối cùng sẽ đến là lúc Ngài sẽ GIAO NƯỚC LẠI CHO ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ CHA, sau khi Ngài đã phá diệt mọi đế quốc, mọi quyền cai trị, và mọi thế lực; vì Ngài phải cầm quyền cho đến chừng đặt những kẻ thù nghịch dưới chơn mình. Kẻ thù bị hủy diệt sau cùng, tức là sự chết.”
Như vậy:
- Trong Vương quốc Đấng Christ, sự chết vẫn còn tồn tại.
- Chúa Jesus phải cầm quyền cho đến khi kẻ thù cuối cùng là sự chết bị hủy diệt. Nếu hiểu theo cách của giáo lý 3 ngôi, thì Chúa Jesus phải chiến đấu với một ông thần mang tên là “sự chết” hay tử thần. Như vậy sự chết có thân vị chăng??
Thật ra, vai trò cầm quyền của Chúa Jesus là sự ra sức giảng dạy của chính Ngài cho mọi người, hầu bày tỏ cách rõ ràng đầy đủ về sự sống đời đời và Đức Chúa Trời là Cha của Ngài. Sau đó, họ sẽ quyết định cho cá nhân của mình: Hoặc chọn sự sống hay sự chết. Kế đến, Đức Chúa Trời cho kiểm tra bài thi cuối cùng: Ai theo sự chết thì chết, ai theo sự sống thì sống. Điều này cho thấy sự công bình của Đức Chúa Trời đã được rãi khắp!
Cuối cùng, Chúa Jesus giao Nước lại cho Đức Chúa Trời là Cha, nghĩa là giao những người đã trung tín học, chịu trả giá và đi theo Ngài lại cho Cha. Đây chính là những công dân ưu tú xứng đáng hưởng Nước của Cha và trong Nước của Đức Chúa Trời thì không có sự chết. Đây là giai đoạn của sự sống đời đời, điều này đã tạo nên sự khác biệt giữa môn đồ của các giáo chủ khác trên đất này với môn đồ của Chúa Jesus.
Chúa Jesus nói: Ta là đường đi, để bởi ta mà con người được đến cùng Cha! Chúa Jesus luôn nhất quán trong lời dạy của Ngài, tin Chúa Jesus mới là điểm bắt đầu, chưa phải là điểm đích. Trong khi đó các giáo hội đều dạy: Tin Chúa Jesus là đã đến điểm đích, điều này không đúng với những điều mà Chúa Jesus đã mời gọi chúng ta đi theo Ngài trên con đường hẹp để đến cùng Cha: "Nếu không bởi ta, thì không ai được đến cùng Cha!"
Như vậy, Ngài dẫn chúng ta về với Nước Cha, giai đoạn cùng đi với Chúa Jesus chính là giai đoạn Vương quốc Đấng Christ, là giai đoạn chuyển tiếp để Nước Cha được đến trên đất này, thông qua những con người đã dám cùng đi với Đấng Christ.
Khi nói đến khái niệm “Nước Cha được đến”, chúng ta sẽ nghĩ đến một điều gì đó lớn hơn vô cùng, vượt hơn tất cả những gì trong hiện tại. Ngày nay khi nói đến Vương quốc Đấng Christ người ta thường giới hạn trong loài người mà thôi!
Giăng 17:2 “Nhân quyền phép Cha đã ban cho Con cai trị loài xác thịt, Con được ban sự sống đời đời cho những kẻ mà Cha đã giao phó cho Con.”
Vương quốc Đấng Christ là khái niệm trong đó sự tể trị của Đấng Christ trên những con người đi theo Ngài, những thành phần khác rõ ràng Đấng Christ được lời hứa là có quyền cai trị. Nhưng quyền cai trị đó được Cha giao cho như thế nào, vào thời điểm nào, thì điều đó được diễn ra trong Vương quốc của Đức Chúa Trời.
Điều căn bản nhất trong đạo của Đấng Christ, ấy là Ngài muốn bày tỏ ý muốn của Cha trên trời cho chúng ta, đó là Danh Cha được tôn thánh. Nghĩa là biết mình đang cầu nguyện với ai, Danh của Đấng đó là Giê hô-va nghĩa là Đấng Tự hữu và Hằng hữu. Thì ngay điều đầu tiên chúng ta ước muốn đó là: Nước Cha được đến! Nếu chúng ta chỉ ước muốn những điều ích lợi cho cuộc sống trên đất này thì không khác gì những tôn giáo khác trên thế gian. Hoặc nếu chỉ có ước muốn sự tể trị trọn vẹn của Chúa Jesus ở trong vòng các tín đồ, như vậy chúng ta chỉ dừng lại ở ước muốn riêng của tín đồ Chúa Jesus, chứ chưa phải đúng theo lời của Chúa Jesus dạy. Vì Chúa Jesus dạy: NƯỚC CHA ĐƯỢC ĐẾN, chứ không phải là NƯỚC TA ĐƯỢC ĐẾN..!
Chúng ta không thể nỗ lực để mở rộng Vương quốc Đức Chúa Trời theo nghĩa chính xác của nó được, chúng ta có thể chia sẻ về tin tức tốt lành của Vương quốc Đức Chúa Trời, nhưng việc Đức Chúa Trời có cai trị trọn vẹn trong tấm lòng người đó hay không, là do chính cá nhân người đó quyết định có để Đức Chúa Trời làm chủ đời sống của họ hoàn toàn hay không mà thôi!
Nhưng giáo hội lại giới hạn, chỉ cho phép chúng ta để Chúa Jesus lên trên vị trí ngai đó, chứ không phải là CHA của Chúa Jesus. Ngay từ bài cầu nguyện mẫu của Chúa Jesus, “Nước Cha được đến” chỉ thật sự xảy ra cho những người thật sự sẵn lòng vâng theo, nên con số thật là hiếm hoi. Mặc dầu hiện tại các giáo hội luôn hãnh diện có hàng tỉ người trên thế giới đang là Cơ đốc nhân!
Một khi chúng ta tôn quyền tể trị tuyệt đối của Cha trong lòng mình, nghĩa là Vương quốc của Cha đã đến thật sự trong lòng chúng ta!
(4) Ý CHA ĐƯỢC NÊN:
Mỗi năm vào ngày 14 tháng A-đa, tức 14/12, người dân Israel có tục lệ tổ chức yến tiệc, tặng quà cho nhau và bố thí cho người nghèo. Họ dành ngày này để kỷ niệm lễ Phu-rim, là ngày dân Israel được cứu ra khỏi sự tuyệt diệt trong thời vua A-suê-ru và hoàng hậu Ê-xơ-tê (Ê-xơ-tê 9:16-32). Sách Ê-xơ-tê là câu chuyện chấm dứt lịch sử của tuyển dân Israel trước khi Chúa Jesus giáng sinh, sách này không có một từ ngữ nào về Đức Chúa Trời hoặc thần hay danh của Đức Chúa Trời. Thế nhưng, vì sao sách Ê-xơ-tê được đọc vào ngày lễ trọng đại Phu-rim của tuyển dân Israel mỗi năm? Thế thì, từng nhân vật trong câu chuyện này, Đức Chúa Trời cho phép viết lại để muốn dạy chúng ta là tuyển dân Israel thuộc linh điều gì?
Tùy khả năng và góc độ nhìn, chúng ta sẽ nhận được những sự dạy dỗ khác nhau trong câu chuyện này. Những nhân vật này không hẳn là hình bóng thuận hoàn toàn, có khi là hình bóng ngược. Và điều chúng ta cần lưu ý, những con người ở dưới đất này không xứng đáng để làm hình bóng của Đức Chúa Trời và Chúa Jesus, nó chỉ mang tính phác thảo về ý muốn của Đức Chúa Trời mà thôi!
1. Ê-xơ-tê tên thật là Ha-đa-sa (Ê-xơ-tê 2:7) nghĩa là hoa sim tím. Từ một hoa sim tím dại bên đường đã trở thành một ngôi sao sáng, một hoàng hậu của một đại đế cai trị trên 127 tỉnh, từ Ấn độ cho đến Ê-thi-ô-bi. // Chúng ta chỉ là những con người tội lỗi đáng chết, nhưng bởi sự thương xót lớn lao của Đức Chúa Trời, đã được Cha cưới đem về làm Vợ cho Chàng Rể Chiên Con (Khải-huyền 19:6-9).
2. Khi ra mắt vua A-suê-ru lần đầu tiên, không giống bao nhiêu cô gái trẻ khác, Ê-xơ-tê đã không xin bất cứ điều gì cho cá nhân mình (Ê-xơ-tê 2:15). Trái ngược với những sự dạy dỗ ngày nay, cho rằng Ê-xơ-tê đã xin rất nhiều điều.
3. Trong sách Ê-xơ-tê chương 3 đã tường thuật lại câu chuyện Mạc-đô-chê không chịu cúi lạy Ha-man, là người được vua A-suê-ru thăng chức, đặt vị trí cao hơn hết trong vòng các quan trưởng. Được biết Mạc-đô-chê là người Giu-đa, Ha-man thâm độc đã nghĩ đến việc báo thù, ông cho rằng việc giết chết một mình Mạc-đô-chê là việc nhỏ, nên sẽ tiêu diệt luôn cả dân tộc Giu-đa đang ở trong nước của vua A-suê-ru, là dòng tộc của Mạc-đô-chê.
Ê-xơ-tê 3:8-11: Ha-man tâu với vua A-suê-ru rằng:
- Có một dân-tộc tản-mác, rải-rác ra giữa các dân-tộc trong những tỉnh của nước vua: Đặc điểm của dân tộc này là ở TẢN MÁC, RẢI RÁC giữa các dân tộc khác, chứ không hề gom lại thành một giáo xứ.
- Luật-pháp của chúng nó KHÁC hơn luật-pháp của các dân khác: Luật ở trên trời hoàn toàn khác với mọi luật của mọi dân trên đất.
- Lại chúng nó cũng không tuân theo luật-pháp của vua; dung chúng nó chẳng tiện cho vua: “Con đã truyền lời Cha cho họ, và thế-gian ghen-ghét họ, vì họ không thuộc về thế-gian, cũng như Con không thuộc về thế-gian vậy” (Giăng 17:14)
Nếu điều đó vừa ý vua, khá giáng chiếu-chỉ truyền tuyệt-diệt chúng nó đi; rồi tôi sẽ cân mười ngàn ta-lâng bạc phó vào tay những quan đốc-tư để đem vào kho vua. Vua bèn CỞI CHIẾC NHẪN khỏi tay mình, TRAO CHO HA-MAN, con trai Ham-mê-đa-tha, người A-gát, kẻ cừu-địch dân Giu-đa. Vua nói với Ha-man rằng: Bạc đã ban cho ngươi, dân-sự cũng phó cho ngươi, để làm điều chi mặc ý ngươi. Và thế là Ha-man gian ác đã lợi dụng quyền hạn vua ban cho, ra lệnh tiêu diệt dân Giu-đa. Bản án tử của dân Giu-đa được công bố dưới ấn ký của nhà vua:
“Nhằm ngày mười ba tháng mười hai, tức là tháng A-đa, phải TRỪ DIỆT, GIẾT CHẾT và làm cho HƯ MẤT hết thảy DÂN GIU-ĐA trong một ngày đó, vô-luận người già kẻ trẻ, con nhỏ hay là đàn-bà, và cướp-giựt tài-sản của chúng nó.” (Ê-xơ-tê 3:13)
4. Ê-xơ-tê đã xin gì, trong những lần ra mắt vua A-suê-ru kế tiếp?
Lần hai Ê-xơ-tê ra mắt vua, Ê-xơ-tê 5:1-4
“Ngày thứ ba, bà Ê-xơ-tê mặc đồ triều-phục, và ra chầu đứng tại nội-viện, đối trước cung-điện vua. Vua đương ngự trên ngôi tại trong cung-điện trước cửa đền. Vừa khi vua thấy hoàng-hậu Ê-xơ-tê đứng chầu nơi nội-viện, thì bà được ơn trước mặt vua; vua giơ ra cho bà Ê-xơ-tê cây phủ-việt vàng ở nơi tay mình. Bà Ê-xơ-tê lại gần và rờ đầu cây phủ-việt. Vua nói với bà rằng: Hỡi hoàng-hậu Ê-xơ-tê, ngươi muốn chi? Cầu-xin điều gì? Dầu xin đến PHÂN NỬA NƯỚC, cũng sẽ ban cho ngươi. Ê-xơ-tê nói: NẾU NHIỆM Ý VUA, xin vua và Ha-man ngày nay hãy đến dự tiệc-yến mà tôi đã dọn cho vua.”
Lần thứ ba Ê-xơ-tê ra mắt vua, Ê-xơ-tê 5:6-8
“Trong lúc dự tiệc rượu, vua hỏi bà Ê-xơ tê rằng: Nàng xin điều gì? tất sẽ nhậm cho. Nàng cầu-khẩn việc gì? Dầu đến PHÂN NỬA NƯỚC, cũng sẽ ban cho. Bà Ê-xơ-tê đáp rằng: Nầy điều tôi cầu-xin và sự tôi ước-ao: NẾU TÔI ĐƯỢC ƠN TRƯỚC MẶT VUA, và NẾU VUA LẤY LÀM THIỆN mà nhậm lời tôi cầu-xin và làm điều tôi ước-ao, xin vua và Ha-man hãy đến dự tiệc-yến mà tôi sẽ dọn, rồi ngày mai tôi sẽ làm theo lời vua dạy-biểu.”
- Ê-xơ-tê đang ở vị trí hoàng hậu, nếu chúng ta là Ê-xơ-tê thì sẽ xin gì? Chúng ta muốn được đồng cai trị với vua chăng, hay muốn xin phân nửa nước? Nếu xin nửa nước thì sẽ trở thành nước thứ hai đang so kè với nước của vua, tức sẽ trở thành kẻ thù của vua. Còn nếu hoàng hậu vẫn trung thành trước mặt vua, vẫn được vua yêu thương thì nước của vua cũng sẽ là nước của hoàng hậu.
- Ê-xơ-tê rất khôn ngoan, cẩn thận, nhúng nhường; Bà đã hoàn toàn để quyền quyết định cho vua, không lạm dụng lòng sủng ái của vua. Đây không chỉ là việc sống chết của riêng Ê-xơ-tê hay cho một mình dân tộc Giu-đa, nhưng là sự lan tỏa cả đế quốc vì đã có ấn ký của vua. Ấn ký này là uy tín của hoàng đế, một khi chiếc nhẫn của vua đã được đóng vào, nghĩa là danh vua phải được tôn vinh. Chiếu chỉ đó thể hiện rằng đây là mệnh lệnh của vương quốc nhà vua, một khi vua đã ấn ký thì điều đó phải được thi hành. Vấn đề bây giờ, Ê-xơ-tê đến và xin vua đổi ý.
- Chúa Jesus đã dạy rất kỹ trình tự trong bài cầu nguyện mẫu: Tôn thánh Danh Cha, công bố Nước Cha được đến nghĩa là quyền lực của Cha phải được thi hành. Ý Cha được nên, nghĩa là điều gì Cha muốn thì phải được thực hiện. Bây giờ Ê-xơ-tê khép nép đến để xin vua đổi ý. Đây quả thật là điều rất kinh khủng!
5. Ê-xơ-tê xin với vua, Ê-xơ-tê chương 7:
“Vậy, vua và Ha-man đến dự tiệc rượu với hoàng-hậu Ê-xơ-tê. Ngày thứ hai, trong khi dự tiệc rượu, vua cũng nói với bà Ê-xơ-tê rằng: Hỡi hoàng-hậu Ê-xơ-tê, ngươi muốn xin sự gì? tất sẽ ban cho ngươi; muốn cầu gì? dầu cho đến PHÂN NỬA NƯỚC, tất cũng ban cho. Hoàng-hậu Ê-xơ-tê thưa lại rằng: Ôi vua! NẾU TÔI ĐƯỢC ƠN trước mặt vua, và NẾU VUA VỪA Ý, xin vua hãy nhậm lời cầu-khẩn tôi mà ban mạng-sống cho tôi, và theo sự nài-xin tôi mà ban cho tôi dân-tộc tôi. Vì tôi và dân-tộc tôi đã bị bán để hủy-diệt, giết chết, và làm cho hư-mất đi. Vả, nếu chúng tôi bị bán để làm nô-lệ, tất tôi đã nín-lặng, mặc dầu kẻ thù-nghịch chẳng bồi-thường sự thiệt-hại cho vua lại được."
- Trong thời Tân ước, có một người phụ nữ được vua hỏi muốn xin điều gì, dù đến phân nửa nước vua cũng ban cho. Người ấy đã xin cái đầu của Giăng Báp-tít. Người phụ nữ ấy xin sự chết, sự chết đến trên cả gia tộc của Hê-rốt. Hoàng hậu Ê-xơ-tê xin sự sống cho cá nhân và sự sống đã đến với cả dân tộc Giu-đa. Đây là hình chiếu ngược lại hoàn toàn.
- Dầu rất được vua A-suê-ru sủng ái, hoàng hậu Ê-xơ-tê vẫn luôn một mực khi đưa ra yêu cầu: Nếu đẹp ý vua hay nếu vua vui lòng! (Ê-xơ-tê 5:4, 8, 7:5). Chúa Jesus dầu được Cha khen: “Này là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng!” nhưng khi cầu nguyện thì Ngài vẫn một mực: “Xin theo ý Cha, chứ không theo ý con!”
6. Dân Israel dưới thời vua A-suê-ru nhận cùng lúc song song 2 chiếu chỉ: Lệnh tử hình và lệnh được giải cứu.
Tháng giêng, ngày mười ba, thì đòi những thầy thơ-ký của vua đến; rồi tùy theo mọi điều Ha-man truyền dặn, người ta nhân danh A-suê-ru viết chiếu cho các quan trấn-thủ của vua, cho các quan cai quản mỗi tỉnh, và cho trưởng-tộc của mỗi dân-tộc, tỉnh nào dùng chữ nấy, dân-tộc nào theo thổ-âm nấy; đoạn họ lấy chiếc NHẪN của VUA mà ĐÓNG ẤN.
Rồi họ gởi các thơ bởi lính trạm cho các tỉnh của vua, đặng dạy-biểu rằng nhằm ngày mười ba tháng mười hai, tức là tháng A-đa, phải TRỪ DIỆT, GIẾT CHẾT và làm cho HƯ MẤT HẾT THẢY DÂN GIU-ĐA trong một ngày đó, vô-luận người già kẻ trẻ, con nhỏ hay là đàn-bà, và cướp-giựt tài-sản của chúng nó. Để cho chiếu-chỉ được tuyên-bố trong mỗi tỉnh, có bổn sao-lục đem rao cho các dân-tộc biết, hầu cho chúng đều sẵn-sàng về ngày đó. Các lính trạm vâng lịnh vua vội-vàng đi ra. Chiếu-chỉ nầy cũng truyền ra tại kinh-đô Su-sơ. Đoạn, vua và Ha-man ngồi lại uống rượu, còn thành Su-sơ đều HOẢNG KINH. (Ê-xơ-tê 3:12-15)
Ê-xơ-tê tiếp tục quỳ xuống dưới chân vua, khóc lóc và nài xin:
Bà Ê-xơ-tê lại còn nói trước mặt vua, và phục xuống dưới chân người mà khóc-lóc, cầu-xin vua diệt mưu ác mà Ha-man, người A-gát, đã toan ý hại dân Giu-đa. Vua đưa cây phủ-việt vàng ra cho bà Ê-xơ-tê. Đoạn, bà chỗi dậy và đứng trước mặt vua, mà rằng: NẾU VỪA Ý VUA, NẾU tôi được ơn trước mặt vua, NẾU vua lấy việc làm tiện-ích, và tôi được đẹp mắt vua, thì xin vua hãy hạ chiếu đặng bãi các thơ mưu-mẹo của Ha-man, con trai Ham-mê-đa-tha, người A-gát, viết đặng truyền giết những dân Giu-đa ở trong các tỉnh của vua. Vì nỡ nào tôi thấy được tai-nạn xảy đến cho dân-tộc tôi, và lòng nào nỡ xem được sự hủy-diệt dòng-dõi tôi?
Vua A-suê-ru nói với hoàng-hậu Ê-xơ-tê và Mạc-đô-chê, người Giu-đa, rằng: Nầy ta đã ban cho bà Ê-xơ-tê nhà của Ha-man, còn hắn, người ta đã xử treo mộc-hình, bởi vì hắn đã tra tay ra làm hại người Giu-đa. Vậy, hai ngươi cũng hãy nhân danh vua mà viết về dân Giu-đa điều gì vừa ý hai ngươi, rồi lấy chiếc nhẫn của vua mà ấn dấu. Vì một tờ chiếu-chỉ nào viết nhân danh vua và ấn dấu với chiếc nhẫn của vua KHÔNG THỂ BÃI ĐƯỢC.
Bấy giờ, nhằm tháng ba, là tháng Si-van, ngày hai mươi ba; những thầy thơ-ký được gọi vào, họ y theo mọi điều Mạc-đô-chê dạy-biểu mà viết cho dân Giu-đa, các quan trấn-thủ, các quan cai-quản và những đầu-trưởng của các tỉnh, từ Ấn-độ cho đến Ê-thi-ô-bi, tức một trăm hai mươi bảy tỉnh, viết tỉnh nào dùng chữ nấy, cho dân-tộc nào theo thổ-âm nấy, và cho dân Giu-đa, thì theo chữ và tiếng của họ. Mạc-đô-chê viết nhân danh vua A-suê-ru và ấn dấu bằng chiếc nhẫn vua; rồi sai lính trạm đem thơ đi cỡi ngựa hăng và ngựa nòi, bởi ngựa để giống sanh ra.
Chiếu-chỉ ấy tỏ rằng vua ban phép cho dân Giu-đa ở trong các tỉnh các thành của nước A-suê-ru hiệp lại nội trong một ngày, là ngày mười ba tháng mười hai tức tháng A-đa, đặng BINH VỰC SINH MẠNG MÌNH, TUYỆT DIỆT, ĐÁNH GIẾT, và làm cho HƯ MẤT QUYỀN NĂNG CỦA DÂN CỪU ĐỊCH toan hãm-hiếp mình, vợ và con-cái mình, cùng cho phép đoạt lấy tài-sản của chúng nó.
Để cho chiếu-chỉ được công-bố trong mỗi tỉnh, một tờ sao-lục chiếu đem rao cho các dân-tộc biết, hầu cho người Giu-đa sẵn-sàng về ngày đó, mà trả thù các cừu-địch mình. Vậy những lính trạm cỡi ngựa hăng và ngựa nòi, vâng mạng vua thúc-giục lật-đật đi. Đoạn chiếu-chỉ ấy được truyền ra trong kinh-đô Su-sơ.
- Chiếu chỉ đầu tiên ban cho nhân loại là án tử, chiếu chỉ thứ hai không phải để hủy bỏ bản án thứ nhất. Nhưng, để ban cho thành phần bị án tử hình trong chiếu chỉ thứ nhất những quyền hạn: Quyền ĐƯỢC SỐNG, quyền được phép BÁO THÙ, được ra tay CHIẾN ĐẤU và được sự ỦNG HỘ của Đấng lãnh đạo TỐI CAO. Vì một khi chiếu chỉ đã được ấn bởi nhẫn của vua, thì không thể thu hồi.
- Chiếu chỉ thứ nhất đầy sợ hãi, chiếu chỉ thứ hai khai mở cho dân Giu-đa quyền sống; nhưng dám chiến đấu thì sống, sợ hãi thì chết! Do chiếu chỉ đầu tiên không hề hủy bỏ, vì vậy trong ngày 13-14 tháng A-đa, những người Giu-đa đặt niềm tin vào chiếu chỉ nào, thì điều đó sẽ quyết định sinh mạng của họ.
- Ngày đó là ngày án tử // Bản án từ vườn Ê-đen là bản án tử cho toàn nhân loại, mỗi người trong tính cách cá nhân đều sẽ có một ngày chết; Còn theo tính cách chung của toàn thể thế giới thì có một ngày sẽ bị thiêu hủy bằng lửa, ngày đó đã được định. Bản án vẫn còn nguyên đó, nhưng do bởi sự cầu xin của Chúa Jesus nên chiếu chỉ thứ hai được ban ra: Ai tin vào sự chết và sống lại của Chúa Jesus Christ có đủ thẩm quyền để cứu mình, thì người ấy sẽ ra sức chống chọi tiêu diệt kẻ thù, người ấy sẽ được sống; Ai không tin thì vẫn chết.
- Ê-xơ-tê không ăn uống đến NGÀY THỨ BA để gặp vua // Có một Đấng đã chịu chết đến ngày thứ ba sống lại và trình diện với Vua.
- Ê-xơ-tê đã dùng chính mạng sống của mình để vào chầu vua A-suê-ru trong lúc chưa được lệnh truyền, bà chấp nhận nếu tôi phải chết thì tôi sẽ chết! (Ê-xơ-tê 4:16) Ê-xơ-tê đã dùng chính mạng sống của mình để làm cầu nối cho dân tộc của bà. Có một Đấng đã dùng chính mạng sống của mình để làm cầu nối hầu cho dân tộc mình được phục hòa với Đức Chúa Trời và được cứu. Bởi sự chết của Ngài mà chúng ta được gọi Đức Chúa Trời là Aba, là Cha! Bởi con đường băng ngang qua xác Ngài, chúng ta được dạn dĩ bước vào nơi Chí Thánh. Đó chính là Jesus Christ - Đấng Trung Bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người.
- Ê-xơ-tê được vua A-suê-ru sủng ái hứa ban cho bà phân nửa nước, Ê-xơ-tê chỉ cầu xin sự sống cho bà và dân tộc của bà. Kết quả, Ê-xơ-tê được đồng cai trị với vua A-suê-ru. “Kẻ nào thắng, ta sẽ cho ngồi với ta trên ngôi ta, như chính ta đã thắng và ngồi với Cha ta trên ngôi Ngài.” (Khải huyền 3:21)
- Bà Ê-xơ-tê lại còn nói trước mặt vua và phục xuống dưới chân người mà khóc-lóc, cầu-xin vua diệt mưu ác mà Ha-man, người A-gát, đã toan ý hại dân Giu-đa. Trong thư Hê-bơ-rơ, được gởi cho người Hê-bơ-rơ, có chép: “Khi Đấng Christ còn trong xác-thịt, thì đã kêu lớn tiếng khóc-lóc mà dâng những lời cầu-nguyện nài-xin cho Đấng có quyền cứu mình khỏi chết, và vì lòng nhân-đức Ngài, nên được nhậm lời.” (Hê-bơ-rơ 5:7)
- Ê-xơ-tê xem như đã chết đi sống lại, dùng mạng sống để cứu dân tộc mình. // Nhờ bởi huyết của Chúa Jesus đổ ra, để có thể cứu đồng loại Ngài. (Hê-bơ-rơ 1:9)
7. Chiếu chỉ thứ hai ban sự sống, với điều kiện:
(a) Nhận diện ra mình CÙNG DÂN TỘC với người đang cầu xin đã được nhậm. Phải có CÙNG HUYẾT THỐNG, có CÙNG THỨ TIẾNG, CÙNG CHỊU NHỤC với người ở cạnh vua trong cung.
(b) Những người đó phải tin rằng chiếu chỉ thứ hai là đặc ân dành cho mình, để ngày chết của mình trở thành ngày thắng; Từ đó, mới không sợ sự chết nữa. Vì ngày dân Giu-đa kỷ niệm lễ Phu-rim là ngày tử; nhưng họ hiệp một với nhau, để chiến đấu cho sinh mạng của mình và dòng tộc mình; Ngày đó đã trở thành ngày chiến thắng, ngày của sự vui mừng, họ đã trao quà cho nhau. Nếu ngày đó, người Giu-đa không tin vào chiếu chỉ thứ hai có đủ thẩm quyền để được cứu, rồi sợ hãi không chiến đấu... thì họ vẫn phải chịu chết.
- Ê-xơ-tê mỗi lần cầu xin bà luôn tôn kính ý vua; dù bà dùng cả sinh mạng của mình để vào xin nhưng luôn làm cho vua thấy được tôn trọng. Ê-xơ-tê và dân tộc bà có sống được hay không là tùy vào sự thương xót của vua. Bởi sự chết của Chúa Jesus, chúng ta được bước vào làm những người cùng dân tộc, cũng là anh em với Chúa Jesus. Ai là mẹ ta, anh em ta? Đó là những kẻ làm theo ý muốn của Cha ở trên trời! (Ma-thi-ơ 12:48-50)
- Hình ảnh của Ê-xơ-tê và Mạc-đô-chê hoán chuyển cho nhau, để khi cầm quyền và lúc thì cầu xin. Đây là những điều vô cùng lý thú! Hình ảnh của người được vua ban cho vinh hiển, người ấy được mặc áo vua, cỡi ngựa của vua, được người của vua hô lên cho vinh hiển, được cai trị trên 127 tỉnh từ Ấn độ cho đến Ê-thi-ô-bi, được sử dụng đồ của vua... Nhưng điều này không khiến cho Mạc-đô-chê trở thành A-suê-ru đại đế. Đó là hình ảnh ĐỒNG TRỊ, không phải chỉ cai trị nửa nước. Đây là hình ảnh chuyển bại thành thắng!
- Mạc-đô-chê từ trước mặt vua trở ra, mặc đồ triều-phục xanh và trắng, đội mão triều-thiên lớn bằng vàng, và mặc một áo dài bằng bố gai mịn màu tím; thành Su-sơ cất tiếng reo-mừng và hớn-hở. Về phần dân Giu-đa, thì có sự sáng-sủa, vui-vẻ, khoái-lạc và vinh-hiển.
- Mỗi khi Ê-xơ-tê vào chầu vua A-suê-ru khi chưa có lệnh, Ê-xơ-tê luôn được vua A-suê-ru đưa cây phủ việt ra và bà đã rờ đầu cây phủ việt. Ê-xơ-tê không những được SỐNG mà còn được ĐỒNG CAI TRỊ với vua A-suê-ru.
“Kẻ nào THẮNG, và giữ các việc của ta ĐẾN CUỐI CÙNG, ta sẽ ban cho quyền trị các nước: Kẻ đó sẽ cai-trị bằng một CÂY GẬY SẮT, và sẽ phá tan các nước như đồ gốm, khác nào chính ta đã nhận quyền cai-trị đó nơi Cha ta. Ta sẽ cho kẻ ấy ngôi sao mai.” (Khải huyền 2:26-28)
Thế thì, ai sẽ là những người được đồng cai trị với Chúa Jesus? Ấy là những người thắng và giữ được các việc Chúa Jesus đã giao cho đến ngày cuối cùng. Và những người ấy sẽ được đồng cai trị với Chúa Jesus, chứ không phải chỉ cai trị phân nửa nước.
(5) XIN CHO CHÚNG CON...
Việc đầu tiên trong lời cầu nguyện phải xác định được Đấng mà chúng ta đang cầu nguyện đó là CHA ở trên trời. Việc kế tiếp ấy là tôn thánh Danh Cha bằng sự ngợi khen và thờ phượng. Để rồi công bố Nước Cha được đến nghĩa là quyền lực của Cha phải được thi hành. Và ý Cha được nên, nghĩa là điều gì Cha muốn thì phải được thực hiện. Đây là những ước nguyện chúng ta cần phải có đối với Cha trên trời mỗi khi bắt đầu cầu nguyện. Phần còn lại, chính là ước nguyện cá nhân của chúng ta, theo cách Cha muốn:
"Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày;
Xin THA tội lỗi cho chúng tôi, NHƯ chúng tôi cũng THA kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi;
Xin chớ để chúng tôi bị CÁM DỖ, mà cứu chúng tôi khỏi ĐIỀU ÁC!
Vì NƯỚC, QUYỀN, VINH HIỂN đều thuộc về CHA đời đời."
Vì sao trong nội dung bài cầu nguyện mẫu này, Chúa Jesus không dạy chúng ta: Xin sự chữa lành, xin được thịnh vượng, xin được đầy ơn, xin mục vụ được kết quả: đem nhiều người trở lại với Chúa, kết quả khi dạy đạo, xin xây dựng nhà thờ lớn...???
Chúa Jesus dạy thiếu chăng? Hãy ngẫm kỹ lại lời Chúa Jesus dạy:
"Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày;
Xin THA tội lỗi cho chúng tôi, NHƯ chúng tôi cũng THA kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi;
Xin chớ để chúng tôi bị CÁM DỖ, mà cứu chúng tôi khỏi ĐIỀU ÁC!"
Vì điều gì? Vì lợi ích cá nhân trên đất hay vì Nước, Quyền, Vinh hiển của CHA đời đời?
- Vì sao không xin sự thịnh vượng nhưng chỉ là ĐỦ DÙNG? Đức Chúa Trời có quá keo kiệt với con dân Ngài không? Hay Ngài muốn tuyển dân của Ngài tập tành trong sự thỏa lòng với những gì Ngài ban cho, hiểu rằng Đức Chúa Trời luôn ban điều tốt nhất cho con cái Ngài. Và Ngài muốn chúng ta hướng về giá trị trên trời hơn là dưới đất.
- Nếu chúng ta không tha thứ cho người khác, thì việc gì sẽ xảy ra? Chúa Jesus đã từng nói:
"Quả thật, ta nói cùng ngươi, ngươi trả còn thiếu một đồng tiền, thì KHÔNG ra khỏi tù được!" (Ma-thi-ơ 5:26; Lu-ca 12:59)
Tù gì vậy? Tại sao việc này quan trọng? Hãy xem lời tiên tri trước khi Chúa Jesus giáng sinh:
"Thần của Chúa Giê-hô-va ngự trên Ta, Vì Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho Ta Để giảng tin lành cho người nghèo. Ngài sai Ta đến để rịt lành những tấm lòng tan vỡ; Để công bố tự do cho kẻ bị bắt giữ, Và cho những NGƯỜI BỊ CẦM TÙ ĐƯỢC RA KHỎI NGỤC." (Ê-sai 61:1)
Thế thì, nếu chúng ta còn đang bị cầm tù, thì sẽ đi giải cứu ai? Và nếu chúng ta còn bị cầm tù thì làm sao có thể đem lòng thương xót để ĐEM ĐÃI cho người khác? Chúng ta muốn bị giam tù hay được tự do, là do quyền quyết định của cá nhân mình.
- Xin cứu ra khỏi sự cám dỗ: Cám dỗ nào mạnh và nhiều bằng cám dỗ thích làm theo ý riêng mình và không làm đúng theo ý Cha? Chính Chúa Jesus cũng phải chống lại sự cám dỗ này, khi Ngài đang sống trên đất. "Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này khỏi con! Dù vậy xin ý cha được nên, chứ không theo ý Con!" (Lu-ca 22:42, Mác 14:36, Ma-thi-ơ 26:39, 42 - BD RVV11)
- Xin cứu ra khỏi điều ác: Điều ác nào bằng điều ác chối bỏ Đấng chân thần độc tôn và dạy người khác những điều mà Đức Chúa Trời và Chúa Jesus không hề nói.
Xin Cha cứu chúng ta ra khỏi những điều này!
Chúa Jesus dạy cho chúng ta hướng về giá trị trên trời, đúng theo ý muốn của Cha. Thế nhưng, chúng ta lại thích hướng về giá trị dưới đất và xem đó là mục tiêu tối hậu.
Phép lạ, sự chữa lành, thịnh vượng, mục vụ, nhà thờ lớn... không phải là mục đích tối hậu của con cái Đức Chúa Trời. Nó chỉ là phương tiện ở trên đất, giúp chúng ta phục vụ Cha mà thôi!
Chúa Jesus nói: Đồ-ăn của ta tức là làm theo ý-muốn của Đấng sai ta đến, và làm trọn công-việc Ngài. (Giăng 4:34)
Ước mong, chúng ta suy nghĩ và hành xử theo ĐÚNG Ý MUỐN CỦA CHA trên trời, giống như tấm gương của chính Chúa Jesus yêu dấu, dầu rằng phải trải qua nhiều sự cám dỗ và thử thách. Để rồi, khi chúng ta thắng, sẽ được đồng cai trị với chính Chúa Jesus:
"Còn như các ngươi đã BỀN LÒNG THEO TA trong MỌI SỰ thử-thách ta, nên ta BAN NƯỚC cho các ngươi, cũng như Cha ta ĐÃ BAN cho ta vậy, để các ngươi được ăn uống CHUNG BÀN trong nước ta, và được NGỒI NGAI để xét-đoán mười hai chi-phái Y-sơ-ra-ên." (Lu-ca 22:28-30)
Nguyện Lời Chúa làm cho chúng ta được sống lại, amen!
---------
Trích nguồn: Facebook Yen Dang
https://www.facebook.com/notes/yen-dang/b%C3%A0i-c%E1%BA%A7u-nguy%E1%BB%87n-m%E1%BA%ABu-c%E1%BB%A7a-ch%C3%BAa-jesus/929274133940395/
Trích nguồn: Facebook Yen Dang
https://www.facebook.com/notes/yen-dang/b%C3%A0i-c%E1%BA%A7u-nguy%E1%BB%87n-m%E1%BA%ABu-c%E1%BB%A7a-ch%C3%BAa-jesus/929274133940395/