Thứ Tư, 18 tháng 7, 2018

Tham khảo (6)_ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ ÔNG NỘI??!!


Chúa Jesus hết sức cẩn thận, không muốn môn đồ nhầm lẫn chút gì về CHA: Đức Chúa Trời là CHA chungĐẤNG CHỦ TỂ chung của Ngài lẫn của chúng ta!

Đức Chúa Trời không phải là ông nội chúng ta! Vì vậy nên câu đầu tiên Ngài nói với loài ngoài ngay sau khi phục sinh là: "Chớ rờ đến ta; vì ta chưa lên cùng CHA! Nhưng hãy đi đến cùng anh em ta, nói rằng ta lên cùng Cha ta và Cha các ngươi, cùng Đức Chúa Trời ta và Đức Chúa Trời các ngươi" (Giăng 20:17).

Trong mọi thí dụ, Chúa Jesus đều dùng hình ảnh Người Cha để chỉ rõ về Đức Chúa Trời là CHA trên trời, là CHA CHUNG của chính Ngài và chúng ta, còn nói về minh, Ngài dùng hình ảnh người con trai, hoàng tử, thế tử, người chăn, chiên con... Ngài gọi môn đồ bằng bạn hữu.

Thậm chí khi nói về mối tương quan sự sống mật thiết với môn đồ mình, Ngài vô cùng cẩn thận cân nhắc hình ảnh từ ngữ để nói rõ: "Ta là gốc nho thật, CHA TA là người trồng nho. Hễ nhánh nào trong ta mà không kết quả thì NGÀI chặt hết; và NGÀI tỉa sửa những nhánh nào kết quả.... Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh" (Giăng 15:1...5).

Ngài hẳn phải hết sức lẩm cẩm vô lý khi phân biệt rạch ròi như vậy, nếu Ngài cũng chính là Chúa CHA - Vì nếu Jesus cũng LÀ Chúa Cha, thì cây nho cũng LÀ người trồng nho! Cây nho này tự trồng mình, tự chặt nhánh của mình, tự tỉa sửa chăm bón...!!!???

Không bao giờ có chuyện hớ hênh cẩu thả như vậy trong Lời vô ngộ đầy Linh quyền của Chúa Jesus! Chỉ có MỘT cách hiểu: CHA cao trọng hơn hẳn (Giăng 14:28), và Ngài là CON, hoàn toàn phụ thuộc Đức Chúa Trời, như thân chịu sự điều khiển của đầu (Giăng 5:19, I Cô 11:3), như cây nho trong tay người trồng nho.

"Đấng Christ khi vào thế gian, phán rằng: CHÚA chẳng muốn hy sinh, cũng chẳng muốn lễ vật, Nhưng CHÚA đã sắm sửa một thân thể cho tôi. CHÚA chẳng nhậm của lễ thiêu, cũng chẳng nhậm của lễ chuộc tội. Tôi bèn nói: Hỡi Đức Chúa Trời, nầy tôi đến! Trong sách có chép về tôi. Tôi đến để làm theo ý muốn CHÚA" (Hê-bơ-rơ 10:5-7). Chính Jesus Christ gọi rõ Cha mình là CHÚA, và khẳng định mình đến để làm theo ý Chúa Cha, đó là lý do dù không muốn uống chén đau thương, tha thiết nhiều lần cầu xin nếu có thể thì khỏi uống chén ấy (khác ý), Ngài vẫn phải "học tập vâng lời", phải chấp nhận theo ý Cha chứ không theo ý mình.

"Cũng một thể ấy, Đấng Christ không tự tôn mình làm thầy tế lễ thượng phẩm; nhưng tại Đấng đã phán cùng Ngài rằng: Ngươi là Con ta, Ta đã sanh ngươi ngày nay. Lại nơi khác có phán cùng Ngài rằng: Ngươi làm thầy tế lễ đời đời Theo ban Mên-chi-xê-đéc. Khi Đấng Christ còn trong xác thịt, thì đã kêu lớn tiếng khóc lóc mà dâng những lời cầu nguyện nài xin cho Đấng có quyền cứu mình khỏi chết, và vì lòng nhân đức Ngài, nên được nhậm lời. Dầu Ngài là Con, cũng đã học tập vâng lời bởi những sự khốn khổ mình đã chịu, và sau khi đã được làm nên trọn vẹn rồi, thì trở nên cội rễ của sự cứu rỗi đời đời cho kẻ vâng lời Ngài" (Hê-bơ-rơ 5:5-9)

Nếu để một em nhỏ tự đọc Lời Chúa, nó sẽ hiểu ngay không lấn cấn gì về việc Chúa Jesus là con, Đức Chúa Trời là Cha có một, hay nó sẽ hiểu như những gì các thần học gia dạy? Nếu một người chưa từng biết gì về Chúa dạt vào hoang đảo, vớt được một cuốn Kinh Thánh, đọc và tin, thì người đó có cách nào để tin đúng kiểu bài học giáo lý căn bản: tuy ba mà một tuy một mà ba, Cha là Con, Con là Cha, ra từ Cha, không ai sinh ra ai, đồng quyền đồng đẳng đồng vinh đồng thời, không ai hơn ai...???

Nếu chúng ta còn tin vào sự mặc khải của Chúa qua Kinh Thánh, thì nên giật mình khi nghĩ đến thực tế đó.

Ước chi ai kính sợ Chúa và quý trọng Kinh Thánh sẽ có đủ lương tri sáng suốt và tâm tình trẻ thơ, để vâng lời Ngài, như Ngài vâng lời Cha. Hãy thôi chống trả Lẽ Thật tinh tuyền này về quan hệ CHA - CON không hề lẫn lộn này. Ai là con thật của CHA, trò thật của THẦY, đừng ngại noi gương các sứ đồ trả lời khảng khái trước toà công luận giáo hội: "Chính các ông hãy suy xét, trước mặt Đức Chúa Trời có nên vâng lời các ông hơn là vâng lời Đức Chúa Trời chăng?" "Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta!" (Công Vụ 4:19, 5:29)

Từ bỏ lẽ giả nhạo báng cả CHA CON theo kiểu quan hệ nhập nhằng vô trật tự mà kẻ nghịch đã gieo vào giáo hội hàng ngàn năm qua là điều cấp thiết, vì Chúa đã bày tỏ quá rõ và kỳ cuối cùng đã đến gần. Đã quá nhiều giáo sư ra sức giải thích vặn vẹo chữ nghĩa, bồi thêm hoả mù "tri thức nguỵ xưng là tri thức" (I Ti-mô-thê 6:20) để kềm toả hết khả năng phân biệt của người tin đơn sơ, giáo hội thì trọng tên tuổi bằng cấp, khuyến khích tín đồ đọc sách bồi linh "best seller" hơn đọc chính Kinh Thánh.

"Ta ở trước mặt Đức Chúa Trời và trước mặt Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng sẽ đoán xét kẻ sống và kẻ chết, nhân sự đến của Ngài và nước Ngài mà răn bảo con rằng: hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi. Vì sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư xung quanh mình, bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn" (II Ti-mô-thê 4:1-4)

Những lời tiên tri ấy Chúa thần cảm cho Phao-lô dặn đò thế hệ lãnh đạo giáo hội đời sau đã thành sự thật vào thế kỷ thứ tư, khi một loạt giáo lý xa lạ xâm nhập vào đạo lành của Chúa, và cứ tồn tại dai dẳng mãi đến nay... Vài giáo sư chụp được một câu mở đầu bài thơ của Phao-lô (Phi-líp 2:6) vội vàng trích ngang, bóc ra khỏi văn mạch để ép Chúa Jesus chiếm vị trí của Cha, thậm chí nói Ngài chính là Chúa Cha, mà chẳng đếm xỉa gì đến câu cuối khẳng định vị trí độc tôn của Đức Chúa Trời là CHA (2:11) ngược lại ý họ 100%. Ấy vậy mà ngày nay bao nhiêu người vẫn hăng hái bắt chước...

Phi-e-rơ đã cảnh báo mối nguy này: "...cũng như Phao lô, anh rất yêu dấu của chúng ta, đã đem sự khôn ngoan được ban cho mình mà viết thơ cho anh em vậy. Ấy là điều người đã viết trong mọi bức thơ, nói về những sự đó, ở trong có mấy khúc khó hiểu, mà những kẻ dốt nát và tin không quyết đem giải sai ý nghĩa, cũng như họ giải sai về các phần Kinh Thánh khác, chuốc lấy sự hư mất riêng về mình." (II Phi 3:15-16) Thật đau đớn!!!

Con cái sự sáng không thể tiếp tục cúi đầu thuận phục sự lầm lạc chống nghịch Đạo Thật để bám víu cái di sản đã kéo Cơ-đốc giáo sa xuống giai đoạn lịch sử trung cổ "hắc ám thời đại" vô cùng tai tiếng vì diễn ý sai trật, dùng Tôn giáo pháp đình, đày đoạ, thiêu sống bao nhiêu triệu người trung tín và yêu mến Lẽ Thật - một giai đoạn đã tô vẽ nhiều chuyện ngược ý Chúa, phản điều răn, vô lý ngớ ngẩn không hề có một chữ trong Kinh Thánh, thành tín điều, dù chẳng có ai hiểu mà cứ dạy nhau phải nhắm mắt tin và lớn tiếng bảo vệ, ném đá thẳng vào từng câu từng chữ do chính CHA CON trực tiếp phán dạy rành rành hàng trăm chổ trong Lời Ngài!

---------------

TRÍCH COMMENTS

Tuan Le    Elohim

Chữ "elohim" mình đã nói kỹ bữa trước rồi. Hơn nữa ai học chuyên ngữ sẽ hiểu ngay: đại từ số nhiều vẫn hay dùng chỉ về MỘT người khi tỏ lòng kính trọng. Ví dụ tiếng Pháp ngôi hai số ít phải gọi là TU (anh, mầy) nhưng chưa quen hay bề trên thì bắt buộc phải gọi là VOUS (các anh, quý vị).

Đó là chưa kể những lần xuất hiện “elohim” thường được diễn dịch là “3 ngôi nói với nhau” đều trong bối cảnh có sự chứng kiến (hoặc cộng tác, thừa hành) của các thiên thần / cả linh giới cùng hiện diện (Gióp 38:7). Ai dám khẳng định những câu đó không hàm ý tập thể, hoặc nhân cách hóa trong cách nói ví von ẩn ý ngày xưa về những quyết định khôn ngoan, việc luận bàn cơ mật trên thiên triều vượt phạm vi vũ trụ này? (Châm Ngôn 8:22-31, Gióp 2:1-3, II Sử Ký 18:18-21)

Vì vậy, dầu “elohim” dùng kiểu tôn kính hay đúng thực là số nhiều đi nữa, thì vẫn hoàn toàn không thể dùng chữ đó như bằng chứng để cho thấy Đức Chúa Trời “tuy 1 mà 3, tuy số ít mà nhiều phần hợp lại”, vì chữ đó vẫn đúng chính xác khi được dùng cho MỘT Đấng cao trọng, nói một mình hay nói có quần thần cũng đều dùng như vậy cả.

Tuan Le    Theos và Elohim:

Heb 1:8 trích lại Thi 45:6-7 đều chung một lý do mình đã phân tích: Chữ Theos Elohim dùng rất rộng rãi để chỉ từ DCT đến thiên sứ, người đặc cách... (Môi se, các quan xét..), cũng như chữ Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn, các lãnh chúa châu Âu, "chúa đảo" Côn Sơn, Sarah gọi Abraham... nên tuyệt nhiên chẳng có gì phải lăn tăn cả. Huống gì Thi 45 lại là bài tụng ca mừng Hôn Lễ Vua (khả năng là Salomon) và tiên tri về Vua Jesus, thì dùng chữ Elohim và chuyển ngữ thành Theos có gì bất bình thường đâu? Vì ca đoàn tung hô Vua, Vì Cha ban sự tôn trọng khen tặng cho Con trước mặt quần thần mà, đây chỉ là danh từ để gọi cách long trọng thôi. Vấn đề lý thú hơn nhiều nằm ở liền kề ngay Heb 1:9 xuất hiện "Đức Chúa Trời của Chúa" (elohim của elohim / theos của theos) trong khi Danh Đấng cỡi ngựa trong Khải Huyền chỉ dừng lại ở mức độ basileus của basileus, kyrios của kyrios (King of kings & Lord of lords); và nói rõ vị "Đức Chúa Trời của Chúa" ấy xức dầu cho, ban cơ nghiệp cho... trong tư thế bề trên cho bề dưới hết sức rõ ràng, không hề có ý ngang hàng ở đây. Thi 2 và Thi 110 cũng đầy dẫy điều tương tự. Đặc biệt Thi 22 mà Chúa Jesus đã dùng để kêu Eloi Eloi (không phải Cha ơi mà là ĐCT tôi ôi), rồi Giăng 20:17 kết hợp cả 2 Danh gọi Cha & ĐCT sau khi phục sinh. Cuối cùng trong I Cor 15:28 và cả Khải Huyền đều cho thấy Ngài phục dưới Cha, Như vậy đã quá rõ rồi! Mình không thể vì chỉ 1, 2 câu "hiểu sao cũng được" mà chọn làm nền tảng đức tin, trong khi vì sự lựa chọn đó mà phải phủ định hết nghĩa rất rõ qua văn mạch, ngôn từ của 99% các câu còn lại trong cả KT.

Tuan Le     echad:

Chữ "echad" có nhiều nghĩa chứ không chỉ có một nghĩa.


Nếu bạn chọn nghĩa "một mà nhiều" để chứng minh việc dùng nó đã khẳng định "1 mà 3 ngôi" thì bạn đang tự bắt giò mình với hằng trăm chổ khác dùng cũng chính chữ đó cho khái niệm ĐẦU TIÊN và DUY NHẤT MỘT (ví dụ 8 lần trong Sáng Thế Ký 42), thậm chí có một câu “chết người”, vì luôn được dùng để chứng minh “3 ngôi” đang nói chuyện với nhau: Sáng Thế Ký 3:22 “MỘT trong chúng ta” mà cũng dùng chính gốc chữ ‘”echad” này nếu đã ép phải hiểu chữ này chỉ về “nhiều GODS trong một” thì đến lượt mỗi một ngôi trong 3 ngôi cũng là do “nhiều GODS con” hiệp một mà thành rốt cuộc bao nhiêu ngôi trong MỘT Đức Chúa Trời này vậy? vì sẽ đâm ra tiếp "nhiều Cha trong một Cha, nhiều Con trong một Con, nhiều Linh trong một Linh... Rốt cuộc cách suy diễn ngữ nghĩa này hủy hoại luôn mọi khái niệm về thân vị! Thật văn tự chỉ làm cho chết nếu suy diễn cục bộ một vài chữ mà không quan tâm toàn cục Lời Chúa!

Còn 3 lần “Thánh Thay”? Khi người Việt hô “Vạn tuế! Vạn tuế! Vạn tuế!” thì họ đang chúc tụng mấy ông vua? 3 ông chăng??? Đó đơn thuần chỉ là mỹ từ pháp bồi âm để diễn đạt tầm mức thôi, Khải Huyền nói rõ 4 con sinh vật ngày đêm nói "Thánh thay!" không dứt, phải hiểu nghĩa liên tục ca ngợi chứ đâu phải hô 3 tiếng rồi im. Tại sao bài ca “Chúc cho Đấng ngồi trên ngôi” (Khải 5:13) chỉ nói một Đấng (số ít) ngồi trên (1 ngôi) mà Chiên Con dù lúc ấy được ca ngợi, đã về Thiên đàng rồi vẫn là chủ thể riêng bên cạnh bước đến lấy sách? Tại sao không thấy thờ phượng Đức Thánh Linh, và không có câu nào dạy về việc đó trong cả Kinh Thánh?

Liệt kê 3 Danh vị khi chúc phước có giá trị minh định tuy 3 mà 1 không? Hay chỉ càng làm rõ ra là vì 3 khái niệm khác nhau? Nếu khái niệm “Ba Ngôi” là đúng và hội thánh đầu tiên đã có biết, thì sao Phao-lô không chúc “Nguyền xin Ba Ngôi Đức Chúa Trời...” như sau này giáo hội làm trong lúc long trọng nhất?

-----------
Trích: Facebook Tuan Le posted 22/6/2014