Tháng Bảy (dù còn lệch giữa dương lịch với âm lịch và lịch Do Thái) là thời điểm tốt để ai yêu Chúa có cơ hội “thấy sự mầu nhiệm trong Luật Pháp của Ngài” khi tìm hiểu vì sao tháng Đại Lễ quan trọng nhất cả năm lại bị giáo hội tuyệt đối phớt lờ, để mặc cho ma quỷ toàn quyền chiếm dụng và lừa dối người đời rằng đấy là tháng của nó.
Khi dám chấp nhận từ bỏ niềm tin lệch hướng, gạt bỏ định kiến tôn giáo khỏi tâm trí, để Thánh Linh tự do soi sáng, người tin Kinh Thánh tất sẽ đến lúc nhận ra lẽ thật về ngày Đấng Cứu Chuộc đến trong thế gian: Đó chính là sự ứng nghiệm chắc chắn cho ngày đặc biệt nhất trong Luật Pháp: ĐẠI LỄ CHUỘC TỘI, ngày duy nhất trong năm mà Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm được vào Nơi Chí Thánh, để làm trung bảo cho Trời và Người gặp nhau.
Chúng ta đã thấy rõ sự ứng nghiệm từng tiểu tiết Luật Pháp Cựu Ước qui định cho kỳ lễ tháng Bảy (tháng Ethanim / Tishrei), tháng có vị trí mang ý nghĩa yên nghỉ “Shabbat” để Chúa và người cùng thông công, khép lại các ngày nhọc nhằn trong Giao Ước Cũ, chuẩn bị bước sang một chu kỳ mới với thời gian yêu thương phước hạnh trong Giao Ước Mới!
Xin nói rõ ngay từ đầu là nghiên cứu này không hề nhằm ý hô hào việc thực hành nghi thức Luật Pháp Cựu Ước vốn đã hoàn thành trọn vẹn trong Chúa Jesus, mà là tiếng kêu trong thời kỳ cuối cùng để ai kính sợ Đức Chúa Trời và thuộc về Lẽ Thật sẽ có dịp nhận định lại qui mô của MẦU NHIỆM BABYLON LỚN, và kịp thời ra khỏi nó. Ước mong người đọc suy gẫm kỹ đến cuối trước khi vội kết luận hoặc comment ngoài lề.
I/ THỜI ĐIỂM CỦA BA KỲ LỄ TRỌNG THEO LUẬT PHÁP:
Luật Pháp Môi-se luôn nhắc đi nhắc lại về 3 kỳ lễ trọng thể hằng năm:
1. Kỳ Lễ Vượt Qua: Pesach (Passover)
Từ 14 đến 21 tháng Abib/Nisan - tháng Một của lịch Do Thái
(khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4 dương lịch),
bao gồm 3 lễ:
- Lễ Vượt Qua - giết Chiên con chiều tối 14/1
- Tuần Lễ ăn Bánh Không Men - từ 15-21/1
- Lễ dâng Gié Lúa Đầu Mùa - ngày 16/1 (dâng giơ lên xong mới được ăn hạt mới)
2. Kỳ Lễ Ngũ Tuần: Shavuot (Pentecost, Weeks)
50 ngày sau khi dâng Gié Lúa Đầu Mùa
Vào ngày 6 tháng Sivan - tháng Ba của lịch Do Thái
(khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6 dương lịch)
duy nhất một ngày lễ 6/3 (dâng giơ lên 2 ổ bánh có men BẰNG BỘT MỚI)
3. Kỳ Lễ Lều Tạm: Sukkot (Tabernacle, Tents / Booths)
Từ ngày 1 đến 22 tháng Ethanim / Tishrei, gần suốt tháng Bảy của lịch Do Thái
(khoảng tháng 9-10 dương lịch)
bao gồm 3 lễ:
- Lễ Thổi Kèn ngày 1/7
- Đại Lễ Chuộc tội ngày 10/7
- Lễ Lều Tạm suốt 8 ngày, từ Rằm 15/7 đến 22/7, là tuần vui mừng nhất cả năm!
Ba kỳ lễ hội này thường được nhắc nhở chung, tiếng Do Thái gọi là Shalosh Regalim (Three Pilgrimage Festivals = Ba kỳ lễ hội hành hương), là cơ hội bày tỏ lòng vâng phục và yêu mến Chúa khi toàn dân nghỉ hết công việc để nhóm lại cảm tạ thờ phượng Cha trên trời.
Luật Pháp Chúa gọi đây là những “SA-BÁT TRỌNG THỂ”, “SỰ NHÓM HIỆP THÁNH”, chính Chúa Jesus và các môn đồ vẫn tuân giữ, kể cả Phao-lô và Hội Thánh thời kỳ đầu như đề cập trong rất nhiều câu suốt Tân Ước:
Mathiơ 26:17
Mác 14:12
Lu-ca 22:7-13, 23:56
Giăng 2:13, 6:4, 7:2,14,37, 19:14
Công Vụ 20:8, 27:9,21
Hê-bơ-rơ 10:25
Đặc biệt nhất là Lễ Lều Tạm có tầm quan trọng xuyên suốt đến cả trong thì tương lai: Xa-cha-ri 14:16-19
II/ LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA TRONG LUẬT PHÁP VỀ CÁC KỲ LỄ NÀY:
1. Xuất Ê-díp-tô Ký 23:14-17
Chúa truyền lần đầu ngay sau khi ban Mười Điều Răn, được đề cập dưới các tên “Lễ Bánh Không Men”, “Lễ Mùa Màng”, “Lễ Mùa Gặt” trong bản dịch tiếng Việt 1926.
2. Xuất Ê-díp-tô-Ký 34:18-24
Chúa truyền lần thứ hai dưới các tên “Lễ Bánh Không Men”, “Lễ Các Tuần Lễ”, “Lễ Mùa Màng” (dịch không đúng, lẽ ra là “Lễ Thu Hoạch” – tiếng Anh dịch chuẩn hơn: “Ingathering”)
3. Lê-vi Ký 23:1-44
Chúa truyền qui định rõ ràng, ngày tháng cụ thể cho từng kỳ lễ và ngày lễ trong kỳ, đặc biệt nhấn mạnh về kỳ Đại lễ suốt tháng 7 với nhiều câu nhắc nhở lập đi lập lại cùng một ý.
4. Lê-vi Ký 25:8-13
Chúa truyền qui định đặc biệt về Năm Hân Hỉ (Year of Jubilee) với vai trò độc tôn của ngày Mười tháng Bảy năm thứ Năm Mươi (chu kỳ tuần hoàn sau mỗi 7 x 7 = 49 năm).
5. Dân Số Ký suốt hai đoạn 28 và 29
Chúa truyền qui định chi tiết các của lễ vô cùng tỉ mỉ cho từng ngày trong suốt ba kỳ lễ này, đặc biệt lưu ý suốt đoạn 29 rất dài và thú vị về số con bò phải dâng trong 7 ngày của kỳ Đại lễ tháng Bảy (13+12+11+10+9+8+7 = 70 = 7 x 10!!!) thể hiện sự trọn vẹn từ Trời giao hòa với sự trọn vẹn từ Người theo chiều hạ giáng (số lượng giảm dần).
6. Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:1-17
Môi-se nhắc lại lệnh Chúa truyền, nhấn mạnh ý nghĩa và thái độ đối với các lễ này, đặc biệt là sự vui mừng trọn vẹn cho mọi thành phần tham dự trong kỳ lễ tháng Bảy.
7. II Sử Ký 8:13; I Các Vua 9:25
Vua Sa-lô-môn tuân lệnh Vua Cha Đa-vít giữ đúng 3 kỳ lễ hàng năm theo Luật Pháp, đặc biệt đỉnh cao vinh quang nhất triều đại đúng kỳ Đại Lễ Tháng Bảy (xem phần kế).
III/ SỰ KIỆN LỊCH SỬ ĐẶC BIỆT DIỄN RA ĐÚNG KỲ ĐẠI LỄ THÁNG BẢY:
1. Khánh Thành Đền Thờ mới: Rước LỜI vào đền trong vinh quang tột đỉnh
II Sử Ký 5:2-3
“Sa-lô-môn bèn nhóm tại Giê-ru-sa-lem các trưởng lão Y-sơ-ra-ên, các trưởng của các chi phái, và các trưởng tộc dân Y-sơ-ra-ên, đặng rước hòm giao ước của Đức Giê-hô-va lên từ thành Đa-vít, là Si-ôn. Mọi người Y-sơ-ra-ên đều nhóm lại đến cùng vua nhằm kỳ lễ tháng bảy.”
I Các Vua 8:2-11, 65-66
“Trong lúc lễ, nhằm tháng Ê-tha-ninh, là tháng bảy, hết thảy người nam của Y-sơ-ra-ên đều nhóm lại cùng vua Sa-lô-môn (= vua “BÌNH AN”). Khi các trưởng lão Y-sơ-ra-ên đã đến, thì những thầy tế lễ lấy hòm của Đức Giê-hô-va, dời đi luôn với Đền tạm và các khí dụng thánh ở trong Đền tạm. Những thầy tế lễ và người Lê-vi khiêng các đồ đó lên. Vua Sa-lô-môn và cả hội chúng Y-sơ-ra-ên đã hiệp với người, và đứng trước hòm, giết bò và chiên làm của lễ rất nhiều, không thế đếm được. Những thầy tế lễ đem hòm giao ước của Đức Giê-hô-va đến nơi nó, trong nơi chí thánh, dưới cánh chê-ru-bin...Trong hòm chỉ có hai bảng đá mà Môi-se đã để, tại núi Hô-rếp, khi Đức Giê-hô-va lập giao ước với dân Y-sơ-ra-ên, lúc họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô.
Xảy khi những thầy tế lễ đã ra khỏi nơi thành, bèn có mây đầy dẫy nhà của Đức Giê-hô-va, đến nỗi những thầy tế lễ vì có mây ấy không thể đứng đó mà hầu việc được, vì sự vinh quang của Đức Giê-hô-va đầy dẫy đền của Đức Giê-hô-va….
Trong lúc đó, Sa-lô-môn và cả dân Y-sơ-ra-ên, một hội chúng rất lớn, ở từ miền Ha-mát cho đến khe Ê-díp-tô, hiệp tại trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta, mà giữ lễ trong bảy ngày, lại bảy ngày khác nữa, cộng mười bốn ngày. Ngày thứ tám, vua cho dân sự về; dân chúc phước cho vua, đi trở về trại mình, lấy làm mừng rỡ vui lòng về mọi sự tốt lành mà Đức Giê-hô-va đã làm cho Đa-vít, kẻ tôi tớ Ngài, và cho Y-sơ-ra-ên, dân sự của Ngài.”
2. Lập lại Bàn Thờ trên Nền cũ: Nhận LỜI vào lòng trong vui mừng lớn lao
E-xơ-ra 3:1-6
“Đến tháng bảy, khi dân Y-sơ-ra-ên đã ở trong bổn thành mình rồi, thì dân sự hiệp lại như một người ở tại Giê-ru-sa-lem. Bấy giờ, Giê-sua (“JESUS”), con trai của Giô-sa-đác, và các anh em người, là thầy tế lễ, luôn với Xô-rô-ba-bên, con trai Sa-anh-thi-ên, và các anh em người, đều chổi dậy xây cất bàn thờ Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, đặng dâng của lễ thiêu tại đó, theo như đã chép trong luật pháp Môi-se, người của Đức chúa Trời. Chúng sợ hãi dân của xứ, nên lập lại bàn thờ trên nền cũ nó, và dâng tại đó của lễ thiêu cho Đức Giê-hô-va, tức là của lễ thiêu buổi sớm và buổi chiều.
Chúng cũng giữ lễ lều tạm, y như đã chép, và dâng những của lễ thiêu ngày nầy kế ngày kia, theo số đã định cho mỗi ngày. Sau ấy, chúng dâng những của lễ thiêu hằng hiến, luôn những của lễ về lễ trăng non và về các ngày lễ trọng thể biệt ra thánh cho Đức Giê-hô-va; lại dâng các của lễ của mỗi người lạc ý dâng cho Đức Giê-hô-va. Từ ngày mồng một tháng bảy, chúng khởi dâng những của lễ thiêu cho Đức Giê-hô-va; nhưng chưa có xây nền đền thờ của Đức Giê-hô-va.”
Nê-hê-mi 8:1-18
Bấy giờ, dân sự đều nhóm hiệp như thể một người, tại phố ở trước cửa Nước. Chúng nói với E-xơ-ra là thầy thông giáo, xin người đem quyển sách luật pháp của Môi-se mà Đức Giê-hô-va đã truyền dạy cho Y-sơ-ra-ên. Ngày mồng một tháng bảy, thầy tế lễ E-xơ-ra đem luật pháp đến trước mặt hội chúng, người nam và nữ, cùng những người có thông sáng nghe hiểu được. Người đứng tại phố ở trước cửa Nước, đọc trong quyển ấy từ rạng đông cho đến trưa, có mặt các người nam và nữ, cùng những kẻ có thể hiểu được. Cả dân sự lắng tai nghe đọc sách luật pháp…..
E-xơ-ra dở sách ra trước mặt cả dân sự, vì người đứng cao hơn chúng; khi người dở sách ra, thì dân sự đều đứng dậy. E-xơ-ra ngợi khen Giê-hô-va Đức Chúa Trời cao cả; cả dân sự bèn giơ tay lên, mà đáp lại rằng: A-men, A-men! rồi chúng cúi đầu, sấp mặt xuống đất mà thờ lạy Đức Giê-hô-va. Giê-sua, Ba-ni, Sê-rê-bia, Gia-min, A-cúp, Sa-bê-thai, Hô-đi-gia, Ma-a-xê-gia, Kê-li-ta, A-xa-ria, Giô-xa-bát, Ha-nan, Bê-la-gia, và người Lê-vi, đều giải cho dân sự hiểu luật pháp; và dân sự đứng tại chỗ mình. 8 Họ đọc rõ ràng trong sách luật pháp của Đức Chúa Trời, rồi giải nghĩa nó ra, làm cho người ta hiểu lời họ đọc.
Nê-hê-mi, quan tổng trấn, E-xơ-ra, thầy tế lễ và thầy thông giáo, cùng người Lê-vi mà dạy dỗ dân sự, bèn nói với cả Y-sơ-ra-ên rằng: Ngày nay là thánh cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi; chớ để tang, cũng đừng khóc lóc. Vì cả dân sự đều khóc khi nghe đọc các lời luật pháp. Nê-hê-mi nói với chúng rằng: Hãy đi ăn vật gì béo, uống đồ gì ngọt, và hãy gởi phần cho những người không có sắm sửa gì hết; vì ngày nay là thánh, biệt riêng ra cho Chúa của chúng ta. Chớ buồn thảm, vì sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va là sức lực của các ngươi. Vậy, người Lê-vi làm cho cả dân sự đều được yên ổn, mà rằng: Khá nín đi, vì ngày nay là thánh, đừng sầu thảm chi. Cả dân sự bèn đi đặng ăn và uống, gởi cho những phần, cùng vui vẻ lắm; vì chúng có hiểu các lời người ta đã truyền dạy cho mình.
Qua ngày thứ hai, các trưởng tộc của cả dân sự, những thầy tế lễ, và người Lê-vi, đều nhóm lại bên E-xơ-ra, là người thông giáo, đặng chú ý nghe các lời của luật pháp. Chúng thấy có chép trong luật pháp rằng Đức Giê-hô-va cậy Môi-se phán rằng dân Y-sơ-ra-ên phải ở trong nhà lều đang lúc lễ tháng bảy; và chúng phải hô truyền trong các thành và tại Giê-ru-sa-lem nghe, rằng: Hãy đi kiếm trong núi những nhánh ô-li-ve và ô-li-ve rừng, những nhánh cây sim, những tầu lá kè, và những nhánh cây rậm, đặng làm những nhà lều, y như đã chép. Dân sự bèn đi ra đem các lá ấy về, mỗi người đều làm nhà lều trên nóc nhà mình, ngoài sân mình, trong hành lang của đền Đức Chúa Trời, nơi phố của cửa Nước, và nơi phố của cửa Ép-ra-im. Cả hội chúng của những kẻ bị bắt làm phu tù được trở về bèn cất những nhà lều, và ở trong đó. Từ đời Giô-suê ("JESUS"), con trai của Nun, cho đến ngày ấy, dân Y-sơ-ra-ên chẳng có làm gì giống như vậy. Bèn có sự rất vui mừng. Mỗi ngày, từ ngày đầu cho đến ngày chót, người đọc trong sách luật pháp của Đức Chúa Trời. Chúng ăn lễ bảy ngày; còn qua ngày thứ tám, có một lễ trọng thể, tùy theo luật lệ.
IV. KỲ ĐẠI LỄ THÁNG BẢY VÀ CÁC CHI TIẾT XOAY QUANH SỰ KIỆN GIÁNG SINH:
Mọi hoạt động trong kỳ lễ tháng Bảy đều có ý nghĩa, được Chúa truyền dặn vô cùng tỉ mỉ và Cựu Ước nhắc đi nhắc lại nhiều lần đến mức đáng phải để ý mà ngạc nhiên!
- Lễ Thổi Kèn (Rosh Hashana, ngày 1) để ai nấy chuẩn bị về nguyên quán
- Đại Lễ Chuộc Tội (Yom Kippur, ngày 10) để loan báo Ơn toàn xá, chào đón sự vui mừng lớn được cứu khỏi tội, đặc biệt trong Năm Hân Hỉ - năm mọi người phải trở về quê hương trong vòng bà con mình để chuộc lại sản nghiệp
- Lễ Lều Tạm (Sukkot, suốt 1 - 2 tuần từ ngày Rằm 15-22) để mọi thành phần cùng ra đường chung vui, hạnh ngộ giữa những ngày rời nhà sống tạm trong lều trên hành trình tìm nhận điều Chúa hứa ban…
1. Tiếng kèn hiệu triệu xuất hiện đúng kỳ (trước ngày 10/7)
Lê-vi Ký 23:24; 25:9-10
“Hãy truyền cho dân Y-sơ-ra-ên rằng: Ngày mồng một tháng bảy, sẽ có cho các ngươi một ngày nghỉ, một lễ kỷ niệm lấy tiếng kèn thổi mà rao truyền, tức là một sự nhóm hiệp thánh vậy.”
“Đến ngày mồng mười tháng bảy, tức là ngày chuộc tội, các ngươi phải thổi kèn vang trong khắp xứ. Các ngươi phải làm cho năm thứ năm mươi nên thánh, và rao truyền sự tự do cho hết thảy dân trong xứ. Ấy sẽ là năm hân hỉ cho các ngươi; ai nấy đều được nhận lại cơ nghiệp mình, và ai nấy đều trở về gia quyến mình”
Lu-ca 2:1-5
“Lúc ấy, Sê-sa Au-gút-tơ ra chiếu chỉ phải lập sổ dân trong cả thiên hạ. Việc lập sổ dân nầy là trước hết, và nhằm khi Qui-ri-ni-u làm quan tổng đốc xứ Sy-ri. Ai nấy đều đến thành mình khai tên vào sổ. Vì Giô-sép là dòng dõi nhà Đa-vít, cho nên cũng từ thành Na-xa-rét, xứ Ga-li-lê, lên thành Đa-vít, gọi là Bết-lê-hem, xứ Giu-đê, để khai vào sổ tên mình và tên Ma-ri, là người đã hứa gả cho mình đang có thai.”
Cho dù người Do Thái có quên (như họ đã luôn quên Luật Chúa, không giữ năm Sa-bát bao giờ, nói gì đến năm Hân Hỉ!) thì Chúa Cha vẫn có cách để Con Ngài và toàn thể dân Ngài phải làm ứng nghiệm mọi điều đã chép, làm trọn qui định đã ghi trong Luật Pháp khi đúng kỳ hạn Ngài đinh cho Hân Hỉ của cả nhân loại phải diễn ra!
Hãy hình dung tiếng kèn đã thực sự thổi vang động mọi ngóc ngách của cả Đế quốc La Mã mạnh mẽ như thế nào, để loan truyền chiếu chỉ bắt buộc ai nấy đều phải trở về quê hương mình, bất kể xa gần, bất kể phụ nữ đang có thai!
Giô-sép là con cháu đã cách xa Đa-vít đến tận 28 đời mà vẫn phải lặn lội về nguyên quán Bết-lê-hem.. Vì sao? Vì nơi đó không chỉ là quê hương vị Vua đẹp lòng Chúa, mà chính là địa bàn đã diễn ra câu chuyện đẹp nhất về hình bóng Đấng Cứu Chuộc trong thời Cựu Ước: Bô-ô chẳng những phục hồi tài sản, nguồn sống cho những người bà con chết mất, mà còn trở thành Chồng Yêu Quý của nàng Ru-tơ hiếu thảo vâng phục xuất thân từ dân ngoại…! (Ru-tơ 3 - 4)
Chúa đã kỹ càng đến mức cho ghi rõ ràng trong sách Ru-tơ từng chi tiết của ngày cứu thục cả nghìn năm trước đã diễn ra tại đó, với thời điểm khô ráo sau mùa gặt và địa điểm là sân đạp lúa ngoài thành Bết-lê-hem (Ru-tơ 3 đề cập đến 7 lần một ý nầy!), tức là sau khi Bô-ô “đã thâu huê lợi của sân đạp lúa” – để ứng nghiệm trọn vẹn thời điểm bước vào Năm Hân Hỉ: “Khi ngươi đã thâu huê lợi của sân đạp lúa” (Phục Truyền 16:13) và địa điểm cánh đồng ngoài thành Bết-lê-hem, khi người ta có thể nằm canh suốt đêm ngoài đồng! (Lu-ca 2:8)!!!
Luật Pháp của Chúa thật diệu kỳ! Trí tuệ của Ngài thật cao cường! Kế hoạch của Ngài thật phi thường!
2. Đấng Trung Bảo xuất hiện đúng ngày (Đại Lễ Chuộc Tội 10/7)
Xuất Ê-díp-tô Ký 25:17-22
“Ngươi cũng hãy làm một cái nắp thi ân bằng vàng ròng, bề dài hai thước rưỡi, bề ngang một thước rưỡi. Lại làm hai tượng chê-ru-bin bằng vàng giát mỏng, để hai đầu nắp thi ân, ló ra ngoài, một tượng ở đầu nầy và một tượng ở đầu kia. Hai chê-ru-bin sẽ sè cánh ra, che trên nắp thi ân, đối diện nhau và xây mặt vào nắp thi ân. Ngươi hãy để nắp thi ân trên hòm, rồi để vào trong hòm bảng chứng mà ta sẽ ban cho. Ta sẽ gặp ngươi tại đó, và ở trên nắp thi ân, giữa hai tượng chê-ru-bin, trên hòm bảng chứng, ta sẽ truyền cho ngươi các mạng lịnh về dân Y-sơ-ra-ên”
Nắp thi ân bằng vàng ròng đậy trên Hòm Giao Ước bằng gỗ bọc vàng chứa Hai Bảng Chứng tức MƯỜI ĐIỀU RĂN – LÀ LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI VIẾT RA TRÊN ĐÁ (Xuất 31:18, 34:28). Trên nắp thi ân có 2 tượng Chê-ru-bim bằng vàng ròng.
Lời của Đức Chúa Trời sẽ xuất hiện tại đó, vinh quang Ngài sẽ hiển hiện “trong mây hiện ra trên nắp thi ân” (Lê-vi Ký 16:1), bên trên có cánh thiên thần tụng ca Danh Chúa trên các tầng trời rất cao, bên dưới là nắp thi ân – nơi ân trạch được thực thi cho loài người. A-rôn sẽ không chết nhưng được bình an khi thấy vinh hiển Chúa hiện ra.
Hình ảnh này có gợi nhớ điều gì diễn ra giữa cảnh trời đêm lịch sử Chúa – Người gặp nhau không?
“Bỗng chúc có muôn vàn thiên binh với thiên sứ đó ngợi khen Đức Chúa Trời rằng: Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao, Bình an dưới đất, ân trạch cho loài người!” (Lu-ca 2:14)
Nơi Chí Thánh tối mịt (không còn ánh sáng mặt trời như ở Hành Lang hay sánh sáng đèn như ở Nơi Thánh – biểu tượng cho Thi Thiên 18:9-11, I Các Vua 8:12, II Sử Ký 6:1). Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm mỗi năm chỉ được vào gặp Chúa trong nơi Chí Thánh đúng thời điểm MỘT LẦN DUY NHẤT là Đại Lễ Chuộc Tội ngày 10/7. A-rôn phải xông hương để khói bao phủ nắp thi ân và rảy huyết trên nắp và về phía Đông (về phía bức màn) tổng cộng 14 lần! A-rôn người dính đầy máu khi vạch màn đi ra, phải được tắm rửa sạch sẽ, rồi bọc mình bằng bộ đồ vải gai mịn. Qui trình này bắt buộc phải được tôn trọng đến từng tiểu tiết, diễn ra đúng tiến trình không chấp nhận sai sót, chép rất tỉ mỉ trong Lê-vi Ký 16.
Mọi chi tiết đầy hình ảnh và màu sắc biểu tượng đó có giúp chúng ta thấy được thực tế chuẩn xác sự ứng nghiệm lạ lùng ở thời điểm Đấng Chuộc Tội từ trong lòng trinh nữ bước ra thế giới?
“Người sanh con trai đầu lòng, lấy khăn bọc con mình, đặt nằm trong máng cỏ, vì nhà quán không có đủ chỗ ở. Vả, cũng trong miền đó, có mấy kẻ chăn chiên trú ngoài đồng, thức đêm canh giữ bầy chiên. Một thiên sứ của Chúa đến gần họ, và sự vinh hiển của Chúa chói lòa xung quanh, họ rất sợ hãi. Thiên sứ bèn phán rằng: Đừng sợ chi; vì nầy, ta báo cho các ngươi một Tin Lành, sẽ làm một sự vui mừng lớn cho muôn dân; ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu thế, là Christ, là Chúa. Nầy là dấu cho các ngươi nhìn nhận Ngài: Các ngươi sẽ gặp một con trẻ bọc bằng khăn, nằm trong máng cỏ.” (Lu-ca 2:7-12)
Đấng Christ chính là LỜI của ĐỨC CHÚA TRỜI (Giăng 1:1, Khải Huyền 19:13), được xức dầu để làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, Đấng Trung Bảo cho đến đời đời “ở giữa Đức Chúa Trời và loài người” (I Ti-mô-thê 2:5). Mọi sự đều đã được lập trình chuẩn xác đến từng tiểu tiết, từng ngày tháng (thậm chí cả giờ) chịu nạn, chịu chết, sống lại đều khớp hoàn toàn với kỳ lễ Vượt Qua (14-15-16/1); thì ngày giờ và mọi hình thức vào đời ứng nghiệm hoàn toàn với ngày Đại Lễ Chuộc Tội (10/7) là điều vô cùng rõ ràng chắc chắn với mọi tình tiết đều trùng khớp hợp lý sống động!
3. Mọi tuyến nhân vật đều xuất hiện đúng nơi (trước và sau 10/7)
Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:13-15
“Khi ngươi đã thâu huê lợi của sân đạp lúa và hầm rượu mình rồi, thì phải giữ lễ lều tạm trong bảy ngày. Ngươi, con trai và con gái ngươi, tôi trai và tớ gái ngươi, người Lê-vi, khách lạ, kẻ mồ côi, và người góa bụa đều sẽ vui vẻ mà giữ lễ đó. Trong bảy ngày ngươi phải giữ lễ nầy cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tại nơi mà Đức Giê-hô-va sẽ chọn; vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ ban phước cho các mùa màng và mọi công việc của tay ngươi; rồi ngươi sẽ vui mừng trọn vẹn.”
Khi đọc câu chuyện giáng sinh chép trong 2 chương đầu các sách Lu-ca và Ma-thi-ơ, bao nhiêu người nhận ra 100% các tuyến nhân vật Luật Pháp Chúa đề cập phía trên đều đã xuất hiện đầy đủ và đều đã vui mừng trọn vẹn khi gặp Jesus?
- Con trai nào đặc biệt được phước, được vui nhảy đến mức như Giăng Báp-tít?
- Tôi trai nào điển hình trung thành im lặng phục vụ chủ đến mức như Giô-sép?
- Tớ gái nào sẵn sàng vâng ý Chủ dễ dàng vui vẻ khiêm nhu đến mức như Ma-ri?
- Người Lê-vi nào có cả lý lịch lẫn đạo đức tốt đến mức Xa-cha-ri & Ê-li-sa-bét?
- Khách lạ nào thật xa xôi thật lạ lung nói bí ẩn gây bối rối đến mức như các bác sĩ?
- Kẻ mồ côi nào cô quạnh đến mức đã màn trời chiếu đất vẫn phải thức để chăn chiên?
- Người góa bụa nào cả tâm lẫn tầm thật như đại diện mọi bà góa trọn cả Israel (7x12)?
- Còn sót “con gái” phải không?
Liệu còn gì đúng nghĩa hơn để dành nhân vật đó cho Eva thứ hai sẽ ra đời sau Adam thứ hai... – Cô Dâu đang chờ ngày vui vĩ đại nhất khi Chú Rể giáng lâm, không như em bé nữa!!!
Thật chuẩn xác đến kỳ diệu!!
Nhưng cũng lạ lùng thay, vì chẳng thấy ai lưu tâm hay giảng dạy gì về những điều ứng nghiệm chuẩn xác và đầy đủ toàn vẹn này bao giờ, mà hầu như người đọc/giảng Kinh thánh vẫn quen xem các tuyến nhân vật được mô tả cực kỳ tỉ mỉ trong thời điểm giáng sinh chỉ như sự xuất hiện ngẫu nhiên!!!
“San-ta” (hãy nói lái tên nhân vật người ta yêu thích nhất trong ngày “giáng sinh” theo giáo hội) ma mãnh đã xoay lòng tín đồ tìm cảm xúc và ý nghĩa Giáng Sinh phải gắn chặt với Mùa Đông mù mịt, tuyết trắng mênh mông, cây thông màu mè, tiếng chuông mơ màng, bài ca mơn man, hoa quà mê mẩn, chúc tụng mải miết, tiệc tùng mỏi mệt… bao nhiêu thứ tục lệ ngoại giáo ma mị hấp dẫn làm lòng người trở nên mê muội, không còn khả năng nhận ra sự ứng nghiệm lạ lùng đến từng tiểu tiết, không nhìn thấy sự tập họp chuẩn xác đủ mọi tuyến nhân vật quây quần quanh Đấng giáng sinh chính là để ứng nghiệm ý Cha đã lập trình từ xa xưa, khi ban Luật Pháp về kỳ Đại Lễ Tháng Bảy và nói trước rằng tất cả họ sẽ đều VUI MỪNG TRỌN VẸN, như niềm vui lớn khi cả Israel hiệp một trong tháng Bảy mừng rước Hòm Giao Ước (chứa HAI BẢNG ĐÁ) vào đền thờ mới, như dân sót trở về hiệp một trong tháng Bảy giữ Lễ gặp được LỜI CỦA CHÚA – một kỳ lễ vui mừng !
Ai dám đóng mắt mình lại với kỷ niệm tôn giáo, truyền thống thế gian, mà mở ra với Lời tinh tuyền, ắt sẽ phải thấy ngay “sự lạ lùng trong Luật Pháp của Chúa”! (Thi Thiên 119:18)
Bao nhiêu thế hệ lãnh đạo giáo hội đều biết rõ ngày 25/12 là “sinh nhật thần Mặt Trời” và những phong tục ngoại giáo đều sai ý Chúa, mà vẫn dồn sức dạy tín đồ “Mừng CHÚA Giáng Sinh”, vô tình thỏa hiệp “làm chứng dối” theo mưu kế ma quỷ!
Hãy tự xét lại xem lâu nay mình đang theo phe ai? Luật Pháp Chúa làm mình vui vẻ hay bực bội? “Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ, chẳng đứng trong đường tội nhân, không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng; Song lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va, và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm” (Thi Thiên 1:1-2)
Nhiều người sẽ nói viết như vầy là “không có bông trái Thánh Linh, thiếu yêu thương!” nhưng chúng ta đang yêu thương theo chuẩn thế gian “dĩ hòa vi quý” hay chuẩn Kinh Thánh “chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật” ?… “Khi tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ, tư tưởng như con trẻ, suy xét như con trẻ; khi tôi đã thành nhơn bèn bỏ những điều thuộc về con trẻ” (I Cô-rinh-tô 13:6,11)
Vì hầu như cả thế giới Cơ-đốc đều thỏa hiệp với thế gian, bắt đầu từ việc dung nạp La Mã giáo thế kỷ thứ 4, cùng “yêu thương” nhau - vui nhất trong ngày dối trá nhất, không còn là hội người công bình, từ chối suy gẫm Luật Pháp Chúa, nên Lẽ Thật hầu như bị che khuất hoàn toàn cho những ai yêu giáo hội hơn Lời Chúa: hàng nghìn câu Kinh Thánh nghe như vô nghĩa, hàng vạn thần học gia nhìn như mắt mù!
“Ngài phán: Đi đi! nói với dân nầy rằng: Các ngươi hãy nghe, nhưng chẳng hiểu chi; hãy xem, nhưng chẳng thấy chi. Hãy làm cho dân ấy béo lòng, nặng tai, nhắm mắt, e rằng mắt nó thấy được, tai nó nghe được, lòng nó hiểu được, nó trở lại và được chữa lành chăng! Tôi lại nói: Lạy Chúa, cho đến chừng nào? Ngài đáp rằng: Cho đến chừng các thành bị hoang vu, không có dân ở, nhà không có người, và đất đã nên hoang vu cả; cho đến chừng Đức Giê-hô-va dời dân đi xa, và trong xứ rất là tiêu điều. Giả sử còn lại một phần mười dân cư tại đó, họ sẽ lại bị thiêu nuốt. Nhưng, như khi người ta hạ cây thông cây dẽ, chừa gốc nó lại, thì cũng vậy, giống thánh là gốc của nó.” (Ê-sai 6:9-13)
Xem tiếp CÁC BẰNG CHỨNG XÁC MINH CHO MÙA GIÁNG SINH THÁNG BẢY trong phần 2
------------
Trích: Facebook Tuan Le posted 16/7/2014