Tôi nhớ mãi hình ảnh 15 năm trước, khi chứng kiến dòng người chen chúc xếp hàng để quỳ mọp hôn chân các thập tự giá bằng vàng bạc đặt trong "Nhà Thờ Thánh Mộ" (Church of the Holy Sepulchre) do hoàng đế La Mã Constantine ra lệnh xây trên nền đền thờ Venus năm 325. Dòng người sùng tín đã bắt đầu đổ về đây từ khi mẹ ông là thái hậu Helena tuyên bố tìm ra "thập tự giá" thật tại đó. Thế nhưng bao nhiêu tín hữu thực muốn hiểu vì sao Chúa của mình phải bị treo lên một cây gỗ, và nó mang hình gì?
Tôi viết bài này không nhằm khảo cứu, vì đã quá nhiều tư liệu sẵn trên mạng. Tôi tâm tình trong lòng yêu kính Chúa và khát khao tìm hiểu Lẽ Thật với người anh em thực tâm muốn biết vì sao tôi dùng chữ "cây mộc hình" .
LƯU Ý QUAN TRỌNG: Bài viết này tuyệt đối không bài xích biểu tượng thập tự giá của các giáo hội hay ý nghĩa sự chết của Chúa Jesus. Đây thuần túy là sự suy gẫm ngữ nghĩa để không bị bó hẹp niềm tin vào một con chữ hay một thánh tích nào. Tôi tin rằng sự trân quý giá trị hy sinh của Chúa Jesus luôn được Cha ban phước, không vì sự hiểu nhầm chữ nghĩa hay hình ảnh của cây mộc hình mà bị phạt.
1. TỪ CHUẨN THEO TIN LÀNH VIỆT NAM:
"Thập tự giá" là cách chọn danh từ của truyền thống người Tin Lành Việt Nam, không hề phải là từ dịch theo nghĩa nguyên ngữ của Kinh Thánh, mà chỉ thuần tuý là cách nói vay mượn theo ngôn ngữ tượng hình của Hán văn, để ép người đọc phải nhận HÌNH DẠNG của dụng cụ dùng để giết chết Chúa Jesus chính là HÌNH DẠNG của chữ "THẬP" (số "MƯỜI" trong chữ Tàu, giống như dấu cộng), tuyệt nhiên không hề mang ý nghĩa thuộc linh gì và hoàn toàn xa lạ với ý nghĩa nguyên ngữ Hy Lạp!
Đây chỉ là sự thừa kế cách nói không chuẩn của những người Công giáo Trung Hoa và Việt Nam phải viết chữ Hán từ nhiều trăm năm trước, nghe riết thành quen nên người Tin Lành mặc định tin là chuẩn đúng, không còn nhu cầu dịch lại cho sát nguyên ngữ Kinh Thánh nữa. Phan Khôi là nhà báo, dịch giả Hán văn được thuê dịch Kinh Thánh (thực ra để hiệu đính văn chương là chính) dù không tin Chúa, các giáo sĩ Tin Lành đến VN thời ấy đa phần đều được huấn luyện / trung chuyển từ Quảng Châu, Hội Trưởng Hoàng Trọng Thừa vốn là nhà Nho đạo Khổng, Hội Trưởng John Drange Olsen rành Hán ngữ hơn cả "quốc ngữ" non trẻ của Việt Nam đầu thế kỷ 20 (chỉ có bà Cadman biết Hy Lạp).
Nói ngắn gọn: "thập tự giá" thực chất là đưa ra một từ khác hoàn toàn, mượn ý HÌNH VẼ theo chữ Tàu, chứ không phải là dịch ngữ nghĩa một danh từ, không có ý nghĩa thuộc linh mạnh mẽ gì trong đó cả, thậm chí hoàn toàn VÔ NGHĨA nếu dịch nghiêm túc từng chữ trong ngôn ngữ hiện nay ( = "cái-giá-chữ-số-mười"). Ai đọc được chữ Hán thì hiểu ngay vấn đề.
Người Tin Lành rất say mê CÁI HÌNH ẢNH "thập tự giá", hát nhiều bài ca tụng thập tự. Cây thập tự trong nhà thờ Tin Lành ngày càng phình to, ép dòng chữ truyền thống "TÔN VINH ĐỨC CHÚA TRỜI" ngày càng nhỏ, thậm chí ngày càng nhiều nhà thờ bỏ hẳn dòng chữ đó để kéo màn nhung làm nền cho một thập tự giá khổng lồ; ngoài mặt tiền nhà thờ ngày xưa nhấn mạnh chữ "TIN LÀNH" nhưng nay ưu tiên hình cây thập tự. Các phòng nhóm tư gia đặc biệt thích treo chữ JESUS với chữ S (ký tự ở giữa) kéo giãn theo chiều dọc nhô lên thòng xuống thành cái thanh đứng, tạo thành hình thập tự giá.
2. TỪ CHUẨN CỦA CÔNG GIÁO VIỆT NAM:
Giáo hội Công Giáo Việt Nam xưa đã chọn dùng "Thánh Giá" như là từ chuẩn của họ, đó là từ được dùng chính thức, bằng cớ nhà thờ nào cũng có 14 chặng đường Thánh giá, nhiều dòng / tu viện / nhà thờ từ xưa đến nay vẫn mang tên là "Mến Thánh Giá" chứ chẳng hề có một trường hợp "Mến Thập Tự Giá" nào cả! (ngôn ngữ / ca từ Công giáo thiên về phương ngữ bình dân Bắc bộ chứ ít 'sính' Hán tự như Tin Lành, ví dụ nói "máu" thay vì "huyết", "mến" thay vì "yêu"). Dù vậy, từ này cũng không phải là dịch đúng nghĩa, mà thực chất là tự ý thêm một tính từ “Thánh” vào, để TÔN THÁNH dụng cụ vật chất ấy lên hàng thánh tích, định hướng giáo dân vào việc thờ kính thánh tích và giáo cụ của giáo hội (cũng như phải tuyệt đối cung kính với cả các vụn bánh vì niềm tin 'bánh và rượu biến thành mình thánh máu thánh thật' khi dâng lễ). Từ đó có các giáo nghi tôn sùng thánh giá, giơ lên giơ xuống cho giáo dân ngắm, rờ rẫm hôn hít, hoặc dứ dứ để đuổi quỷ trừ tà...
Sự tích khởi đầu ngay sau Công đồng Nicaea, thái hậu Helena mẹ của hoàng đế La Mã Constantine (người ép giáo hội theo tín lý 3 ngôi tôn Jesus Christ là Chúa Trời và Maria là Mẹ Chúa Trời) hành hương “đất thánh” để tìm các thánh tích từ năm 326-328 và tuyên bố rằng bà đã tìm được “thánh giá thật” của Chúa Jesus, vì nó chữa được bệnh và khi đẽo bớt gỗ ra thì nó 'tự mọc đầy lại như cũ' (chuyện họ kể vậy, tôi không bình luận gì). Từ đó dấy lên một phong trào thờ cây thánh giá và đủ mọi thứ bùa phép vật chất phát xuất từ đó đến tận ngày nay, thậm chí không ai biết có bao nhiêu "thánh giá con" đã "chiết xuất cách mầu nhiệm" từ gỗ "thánh giá mẹ" (cũng chuyện họ kể vậy, tôi không bình luận gì).
Qui mô tôn sùng và phô trương hình ảnh cây thánh giá chữ thập đạt đỉnh điểm qua các đợt "Thập tự chinh" đẫm máu suốt 2 thế kỷ do giáo hoàng phát động từ 1095-1291, một chương đen tối đầy tai tiếng của giáo hội nhân danh "thánh giá chữ thập" (xem:
http://en.wikipedia.org/wiki/Crusades - chú ý bức tranh cổ vẽ các cột hành hình trong mục "Saracens" cực kỳ rõ ràng)
Trong xã hội Việt Nam, do sự phát hành vượt trội của Kinh Thánh Tin Lành và sự năng nổ truyền giảng của người Tin Lành cho công chúng từ thế kỷ 20, chữ "thập tự giá / thập giá / thập tự" đã dần trở nên phổ biến hơn chữ “thánh giá” trong tiếng Việt hiện đại.
Trong một xã hội có bề dày Hán văn mấy nghìn năm, truyền thống Công giáo mấy trăm năm, thì chữ “thập tự giá” được nhiều người trân trọng yêu mến, tin là từ chuẩn thì cũng không có gì khó hiểu, dù ngữ nghĩa từ ấy xa lạ hoàn toàn với nguyên ngữ Kinh Thánh và áp đặt người đọc vào chỉ một cách hiểu theo ý giáo hội sau này.
Điểm đáng để ý suy gẫm là thánh giá Công giáo giữ nguyên Chúa Jesus máu me quằn quại trên đó gần 2000 năm vẫn chưa được gỡ xuống...
3. TỪ CHUẨN CHÚA DÙNG TRONG KINH THÁNH:
Nguyên ngữ Hy Lap "σταυρός" (stauros) có nghĩa gốc chỉ là cây trụ, cây cọc dựng thẳng đứng (từ đó ra tiếng Đức Stern / Stamm, tiếng Anh stand, tiếng Tây Ban Nha estaca, tiếng Ý stare..), mà từ thời Homer (Hy Lạp cổ đại) đã luôn chỉ có nghĩa một cây trụ / cọc thường dùng để treo / đóng tội phạm lên. Mãi đến khi khi Cơ-đốc giáo lan tràn thì mới có thêm nghĩa thứ nhì là trụ có thanh ngang.
Hãy xem cách dùng từ của Chúa Jesus và các sứ đồ khi giảng về điều này:
Chính Chúa Jesus khẳng định chi tiết hình thức trong quá khứ phải ứng nghiệm chính xác trong cách chịu chết của Ngài: “Xưa Môi-se TREO CON RẮN lên nơi đồng vắng THỂ NÀO, thì Con người cũng phải bị TREO LÊN DƯỜNG ẤY, hầu cho hễ ai tin đến Ngài đều được sự sống đời đời.” (Giăng 3:14).
Vì ấy là để ứng nghiệm giải pháp cứu sống khỏi hình phạt chết do chính Đức Chúa Trời ban ra: “Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Hãy làm lấy một con rắn lửa, rồi treo nó trên một CÂY SÀO. Nếu ai bị cắn và nhìn nó, thì sẽ được sống. Vậy, Môi-se làm một con rắn bằng đồng, rồi treo lên một CÂY SÀO; nếu người nào đã bị rắn cắn mà nhìn con rắn bằng đồng, thì được sống.” (Dân Số Ký 21:8-9). Đây là từ mà chính người Tin Lành Việt Nam đã chọn dịch (Kinh thánh, bản Truyền Thống 1925) và tin suốt hơn 100 năm qua, không phải tôi tự chọn.
Giáo hội cố diễn giải và chúng ta cũng đã từng bắt chước nói theo nhiều ý rất văn hoa, đủ thứ nghe hay ho về thanh đứng thanh ngang gì đó của “thập tự giá”, dù điều đó không hề được mô tả một lần nào trong cả Kinh Thánh. Có bậc được giáo hội tôn là "giáo phụ" dạy rằng thập tự giá phải có thanh ngang, vì khi quay con chiên trên lửa để ăn Lễ Vượt Qua thì phải có 2 thanh ngang để căng 4 chân nó ra, nhưng càng suy diễn càng xa lạ hài hước, vì nếu vậy thì phải có 2 chứ chỉ 1 thanh ngang thì đâu có khớp, trong khi CHÍNH MIỆNG CHÚA JESUS khẳng định con rắn BỊ TREO THỂ NÀO thì Con Người cũng phải BỊ TREO THỂ ẤY! Ngài khẳng định với bậc Thầy lễ nghi Ni-cô-đem là phải BỊ TREO GIỐNG CON RẮN ĐỒNG chứ có nói BỊ CĂNG GIỐNG CON CHIÊN QUAY bao giờ đâu... Những lý luận ấy có thể đã vô tình bảo vệ cho truyền thống thờ hình tượng “thập tự giá” của đời sau và cột trói thay vì giải phóng tâm trí tín đồ!
Kinh Thánh Việt Nam đã chọn dịch rằng Chúa biểu lấy “CÂY SÀO”, rồi sau đó Môi-se lấy “CÂY SÀO” để treo con rắn. Con rắn thì có mấy chân để căng ra trên thanh ngang??? Tôi không có ý khen dịch “CÂY SÀO” là chuẩn (thậm chí khó hình dung với dân thành phố thời nay), nhưng chỉ chứng minh người Tin Lành Việt Nam đang tự mâu thuẫn lớn khi hiểu và nói khác nhau về Lời Chúa! Nên nhớ Ngũ Kinh Môi-se cực chuẩn trong việc lập lại mấy chục lần những cụm từ “Môi-se làm Y NHƯ lời Đức Giê-hô-va phán dặn”, ông chỉ sơ sẩy MỘT LẦN là bị phạt chết trước khi vào đất hứa đấy (chưa ai dám chắc về việc gì, nhưng chắc chắn không phải vì việc chế thêm thanh ngang trên "cây sào" này vì khác địa danh Mê-ri-ba, chắc chắn lần này ông đã làm đúng chuẩn), không thể có chuyện ông dám tự sáng tác mô hình mới có thêm thanh ngang cho hài hòa “chiều đứng với Chúa chiều ngang với người” như thần học gia sau này hay suy diễn!
Phi-e-rơ là người đương thời với Chúa Jesus, Phao-lô là công dân La Mã bấy giờ, chắc chắn đã chứng kiến hoặc hiểu rõ hình dáng “cây mộc hình” nầy ra sao. Họ đã dùng từ Hy Lạp “ξύλον" (xulon) (a tree, một cái cây) được dịch là “cây gỗ”, đơn sơ mộc mạc mà đầy cảm xúc cho thấy sự ỨNG NGHIỆM HOÀN TOÀN với các chi tiết đã tiên tri rõ ràng từ Cựu Ước trong số 329 lần đề cập đến gốc chữ עֵץ [ets] (tree / wood):
Phao-lô giải thích: “Đấng Christ đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp, bởi Ngài đã nên sự rủa sả vì chúng ta, vì có lời chép: Đáng rủa thay là kẻ BỊ TREO TRÊN CÂY GỖ” (Ga-la-ti 3:13 - dẫn lại Luật Pháp trong Phục Truyền 21:22-23)
Phi-e-rơ khẳng định: “Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài TRÊN CÂY GỖ” (I Phi-e-rơ 2:23)
Không cho phép tâm trí mình bị đóng khung trong MỘT HÌNH ẢNH "thập tự giá" của giáo hội nữa, thì người đọc Kinh Thánh mới có thể suy gẫm để kinh ngạc nhận ra MỌI HÌNH ẢNH tiên tri đã được Đức Chúa Trời bày tỏ dần dần xuyên suốt lịch sử loài người và được Ngài cho chép lại cẩn thận để dẫn đến sự ứng nghiệm TRỌN VẸN qua cái CÂY GỖ KHỔ HÌNH mà Con Ngài phải bị đóng dính chết treo trên đó, nhận thay MỘT LẦN ĐỦ CẢ toàn bộ sự rủa sả dành cho mọi tội ác của nhân loại tự cổ chí kim, trả xong hết trong một lần THI HÀNH ÁN chung thẩm cho MỌI NAN ĐỀ của con người. Hãy điểm qua vài hình ảnh sau đây:
- A-đam bị phạt vì dính dáng đến cái CÂY biết Thiện-Ác mà bị án rủa sả lao khổ và sự chết (Sáng Thế Ký 2:17 & 3:17-19)
- Y-sác phải thuận phục ý cha vác CÂY lên đồi làm chiên con chịu chết như sinh tế (Sáng Thế Ký 22:6-18 - tiếng Việt dịch "củi" nhưng nguyên ngữ là chính chữ ‘cây gỗ’ này)
- Chúa chỉ cho Môi-se một CÂY gỗ để liệng xuống nước, nước đắng độc được chữa lành hóa ra ngọt (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:25)
- Chúa dạy Môi-se treo con rắn đồng lên CÂY sào để ai bị rắn cắn nhìn lên nó thì sẽ được sống (Dân Số Ký 21:8)
- Áp-sa-lôm bị treo trên CÂY đâm nát tim giữa khoảng trời và đất vì tội soán ngôi cha (II Sa-mu-ên 18:9-14 - Chúa Jesus đã phải trả xong luôn cả cái tội tày đình Hoàng Tử giành Ngôi Cha nầy, ấy mà thần học gia cứ xúi giáo hội cố ép Ngài vào thế tiếp tục giành ngôi Cha mãi từ 325 đến giờ)
- Ê-li-sê chặt khúc CÂY để làm nổi cứu vớt chiếc rìu đã bị văng mất khỏi tay người cầm nó và chìm mất dưới nước (II Các Vua 6:6)
- Thậm chí thông điệp cực kỳ rõ ràng về CÂY mộc hình mà kẻ đối địch dân Chúa là Ha-man dựng lên để treo Mạc-đô-chê là thủ lĩnh con dân Chúa, lại trở ngược thế cờ dùng để treo nó như hình ảnh con rắn độc đã cắn giết dân Chúa (Ê-xơ-tê 5:14 & 7:9-10)
- ........
Có thoát khỏi sự cột trói tâm trí trong KHUNG HÌNH "cái giá chữ thập" thì mới có thể nhận ra SỰ LÀM TRỌN MỘT LẦN ĐỦ CẢ mà CON Đức Chúa Trời đã phải GỒM TÓM MỌI BẢN ÁN trong khổ nạn khi chịu THẾ THÂN CHẾT TREO TRÊN CÂY GỖ RỦA SẢ THAY MỌI VI PHẠM VÀ ÁN PHẠT mà nhân loại đáng phải chịu, từ tổng thể đến cá nhân: Tất cả đều được giải quyết VÔ CÙNG TRỌN VẸN CHUẨN ĐẾN TỪNG CHI TIẾT khi so sánh với hình ảnh Chúa Jesus BỊ TREO TRÊN CÂY GỖ thế chỗ tội nhân, và mới có thể hiểu hết giá trị ý nghĩa của luận chứng sau đây:
"Ngài đã xóa tờ khế lập nghịch cùng chúng ta, các điều khoản trái với chúng ta nữa, cùng phá hủy tờ khế đó mà đóng đinh trên CÂY GỖ; Ngài đã truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực, dùng CÂY GỖ chiến thắng chúng nó, và nộp ra tỏ tường giữa thiên hạ." (Cô-lô-se 2:14-15)
Nếu cứ dịch trung thành đúng chữ “CÂY GỖ” đơn giản như trên thì mọi ý HIỆN RA TỎ TƯỜNG DỄ THẤY trong tâm trí người đọc Kinh Thánh khi liên kết hình ảnh “BẢN ÁN RỦA SẢ - CÁI CHẾT TREO TRÊN CÂY” mà CON Đức Chúa Trời phải chịu thay, với bao nhiêu “BẢN ÁN RỦA SẢ - CÁI CHẾT TREO TRÊN CÂY” đã đọc thấy từ trước. Nếu dịch CHỦ QUAN THEO CHỮ TÀU là "thập tự giá" thì bao nhiêu hình ảnh ấy sẽ RẤT KHÓ hiện lên trong tâm trí người đọc vì chẳng thấy chúng có gì giống với cái "giá hình chữ thập" mà giáo hội vẽ cảnh Chúa Jesus vác cả, thật cứ như bị che mắt, uổng vô cùng!
Đó là còn chưa nói đến cõi tương lai với hình ảnh CÂY sự sống tái xuất hiện trong sự hiện diện của Chiên Con bên Ngôi Cha...
4. CHÚNG TA CHỌN CHUẨN CHƯA?
Tôi không hề có ý bắt ai cũng phải dùng từ chuẩn, biết hình dáng thật của “cây gỗ” Chúa Jesus mang là gì, vì sự chết của Ngài mới là vấn đề cốt lõi.
Ai tin cái giá ấy hình cây cọc đứng chữ I, hay có thanh trên đều giống chữ T, hay hình chữ thập giống dấu cộng [+], hay bắt chéo như chữ X, thậm chí chữ vạn như đạo Phật và Chính Thống giáo Ethiopia... thì là chuyện của họ. Tôi cũng đều đã đến tìm hiểu tận những nơi đó, không phê phán niềm tin riêng của từng người.
Tôi chỉ trình bày ý nghĩa từ ngữ các giáo hội đã chọn để mô tả biểu tượng thiêng liêng này, và đối chiếu rõ ràng với những gì Kinh Thánh chép. Tôi tự hỏi vì sao con dân Chúa đã được sống lại với Đấng Christ và tự do trong Thánh Linh rồi, mà lại cứ phải ép nhau trung thành với văn tự không chuẩn, tự trói nhau trong khuôn khổ một hình ảnh thiếu bằng cớ Kinh Thánh do giáo hội sau này vẽ ra, để rồi tự hạn chế phước hạnh tuyệt vời trong mọi ý nghĩa soi sáng thuộc linh thật rực rỡ xuyên suốt trong Lời Chúa??
Nếu khăng khăng vì cảm tình riêng mà “say mê thập tự xưa” theo nghĩa đen, hoặc cố giữ từ “thập tự giá” xa lạ với nguyên ngữ, thì chỉ vô tình phục vụ cho việc bảo vệ một hình ảnh đeo trên cổ theo truyền thống tôn giáo La Mã, lý thuyết văn tự giáo hội, mà đánh mất quá nhiều cơ hội trải nghiệm thuộc linh quí báu vô cùng.
Nếu không in trí nó phải là hình "CHỮ THẬP mầu nhiệm", mà cứ tự do hiểu đơn giản đó chỉ là MỘT CÁI CÂY, bao hàm mọi cái cây mang chết chóc nguyền rủa khác chứ không cớ gì phải có 2 thanh hình dấu cộng kiểu La Mã, thì dễ dàng được mở mắt nhận ra sự ứng nghiệm toàn diện ngay, khi liên đới được hình ảnh tất cả những CÁI CÂY chết chóc luôn đeo bám MỌI NGƯỜI trong Cựu Ước với CÂY GỖ trên đồi SỌ: Mọi nút thắt của Cựu Ước được THÁO GỠ SẠCH SẼ khi Con Người Vô Tội chịu án thay toàn nhân loại, bị TREO LÊN, đóng dính vào và đổ máu chết trên CÁI CÂY có con rắn bị nguyền rủa ấy!!!
Biết đâu chỉ bởi cố chấp một chữ theo ý người, mà con đường thăng tiến trong sự nhận biết Chúa và sự lạ lùng trong Luật Pháp của Ngài đã bị che khuất nhiều điều khá lâu, như con ngựa bị bịt mắt chỉ được phép nhìn he hé một góc theo ý kẻ cầm cương muốn lái nó phục vụ mục đích của mình... trong khi Linh Cha đã ban xuống là để dẫn con cái Ngài vào MỌI LẼ THẬT! Lẽ thật Cựu Ước có được gỡ thông suốt trọn vẹn hết chưa, hay còn nhiều chổ bị che khuất chỉ vì khăng khăng tin "cây gỗ" phải mang hình số 10 của chữ Tàu?!
Tôi không muốn phân tích dài dòng làm chi, nhưng vì có anh em đang muốn biết Lẽ thật, tha thiết chân thành công khai hỏi lý do tôi dùng chữ “cây mộc hình”, nên tôi phải cố dành thì giờ trình bày Lẽ Thật với lòng trân trọng yêu mến anh em; đừng ai liếc qua mà vội phán xét “văn tự vô bổ” hoặc hí hửng chụp mũ tôi là "Jehovah Witness" khi thấy vài ý tương tự nhé. Tôi chỉ tự xâu chuỗi Lời Chúa cách cá nhân, không nói theo sách vở hội nào cả đâu!
Sau khi mọi chuyện với cây mộc hình đã được trọn, Chúa Jesus an nghỉ trong tay Cha. Khi Cha khiến Ngài sống lại, Ngài hiện đến với các môn đồ, "Ngài phán rằng: Ấy đó là điều mà khi ta còn ở với các ngươi, ta bảo các ngươi rằng MỌI SỰ ĐÃ CHÉP VỀ TA trong luật pháp Môi-se, các sách tiên tri, cùng các Thi Thiên PHẢI ĐƯỢC ỨNG NGHIỆM. Bấy giờ Ngài MỞ TRÍ cho môn đồ được HIỂU KINH THÁNH." (Lu-ca 24:44-45)
Với những người thích tranh luận từng con chữ trong Kinh Thánh nhưng không nhận ra hình ảnh liên quan đến Ngài trong đó, Ngài quở: "Các ngươi dò xem Kinh Thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời: ấy là Kinh Thánh LÀM CHỨNG VỀ TA vậy!" (Giăng 5:39)
Anh em có thật đang tìm kiếm ý nghĩa trân quý trong Lẽ Thật Lời Sống của Chúa, hay chỉ bảo vệ kỷ niệm văn tự lời chết của giáo hội?
“Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ. Nguyền xin vinh hiển về nơi Ngài, từ rày đến đời đời! A-men.” (II Phi-e-rơ 3:18)
Dành cho ai muốn tham khảo thêm:
Jerusalem 3/2000 |
Holy Sepulchre outside |
"True Cross" was here?? |
He is not here!!! |
[Tuesday, 3 March 2015]
-------------
TRÍCH COMMENTS
Tuan Le Tôi đã trình bày thật rõ rồi mà: ai đọc lại chẳng thấy tôi tin sự nhất quán của cả Kinh Thánh hơn truyền thống giáo hội, vì chữ "thập tự" vừa lệch nghĩa vừa hạn chế sự hiểu biết KT của người đọc. Dùng chữ "thập tự mà nếu sự thật không có thanh ngang thì vô nghĩa, dùng chữ "mộc hình thì đúng trong mọi hình dạng cây gỗ khỏi sợ hố, mà lại giúp dễ nhận ra sự ứng nghiệm cả Cựu Ước tại Cây Gỗ đó. Anh em cứ tự suy xét Lời Chúa chứ cũng đừng quá bận tâm tôi tin gì. Tin nó là 1 trụ đâu biến tôi thành JW, tin nó có 2 thanh cũng đâu biến vua La Mã thành Cơ-đốc nhân. Vấn đề chuẩn định ngôn ngữ khai mở tâm trí thôi mà.
Tuan Le Đây là bài phân tích để trả lời em Lâm Nguyễn Hoàng hỏi lý do tôi dùng chữ "mộc hình", tôi nói xong hết rồi, nhưng không để mình bị cột trói đâu. Ngừoi VN đã quen nói quen hát chữ đó, không nhứt thiết phải biểu ai thay đổi nếu họ chưa hiểu và tự muốn đổi, để khỏi xáo trộn không cần thiết. Ví dụ con ruột ông Kha Vạng Cân đã lên tiếng rằng tên đường "Kha Vạn Cân" là sai, mà xã hội không quan tâm điều chỉnh thì ai yêu lẽ thật, tôn trọng danh nhân ấy sẽ dùng đúng thôi, còn khách đi đường không quan tâm thì điều tra xét hỏi chi cho mệt.
Tuan Le Tiếng Anh đến thế kỷ 12 vẫn chưa phải là ngôn ngữ được thừa nhận (phải nói tiếng Norman - xem Ivanhoe của Sir Walter Scott), từ vựng vay mượn nhiều từ German & Latin. Tôi đã dẫn nghĩa gốc 'stauros' phát triển thành stand; còn cross trong tự điển phổ thông là sinh ngữ giải nghĩa theo thực tế đại chúng, không phải tầm nguyên. Cũng như tự điển tiếng Việt sẽ giải nghĩa "Hoa Kỳ" là Hợp chúng quốc Mỹ chứ chẳng mấy ai giải thích nghĩa thật "lá cờ bông bông (sao)" vậy.
Tuan Le Mình vừa nói rõ là đến tk 12 tiếng Anh vẫn bị xem là barbaric language cấm nói mà, đến tk 17 còn chưa ổn định, may nhờ mấy vị liều chết dịch đại KT cộng Shakepeares viết kịch hay quá mới dần thống nhất, rồi nhờ hệ thống thuộc địa mà thành universal language vài trăm năm nay thôi, có giá trị tầm nguyên gì đâu?!!
Tuan Le Lâm Nguyễn Hoàng: đến hết thời văn hoá Hy Lạp thì "stauros" vẫn chỉ là 1 cọc hành hình đứng (cọc Bạch Đằng cũng là như vậy), các nhà làm phim Hollywood cũng chỉ dám cho Neron xài giá chữ T là cùng. Em tìm hiểu sâu sẽ biết sự thật, ít khi đám đông có sự thật lắm.. Chúa Jesus cũng nói vậy thôi.
Tuan Le Tôi thật sự hạnh phúc khi thấy anh chị em yêu mến tìm hiểu Lời Chúa. Cứ tự do bày tỏ nhé, nhưng nên chân thành, đọc kỹ những gì đã viết để đi tiếp thay vì lòng vòng một chổ. Mắng tôi sai cũng được nhưng đừng theo cảm tính mà hãy dẫn nguồn Kinh Thánh chứng minh, tôi sẽ sửa hoặc giải thích, còn nguồn các tư liệu hay ngôn ngữ đời sau thì không nói lên điều gì. Tôi hiểu ai có ý kiến nghĩa là có quan tâm. Ma quỉ không muốn người ta quan tâm đến Lẽ Thật, nên nó sẽ luôn nhảy vào dương Đông kích Tây kéo sự chú ý ra chuyện va chạm cá nhân bên lề, xúi giục dùng từ nhạy cảm gây tự ái tổn thương để bực bội nhau rồi bỏ cuộc không quan tâm nữa. Lời Chúa tuôn đổ thì ào at, các sứ đồ là "người nghe trọn thời gian" suốt mấy năm còn ngẩn tò te, huống chi chúng ta cố ngắt vài phút trao đổi vài câu thấy văn chẳng thấy người... Cũng không chỉ có đàn ông hoặc học giả, nên không phải mềm yếu lòng vòng mà là gentle nhẫn nại chìu nhau như trong gia đình. Tôi không muốn nhận một lời khen hay cảm ơn nào hết, cũng đừng ai sợ bị dụ vào nhóm này hội kia, nên thât lòng ao ước chỉ tập trung gọn gàng vào chủ đề. Mọi thắc mắc. chia sẻ cá nhân có thể inbox từ từ trao đổi khi có extra time. Với tôi, Facebook là để kết bạn chứ không phải để gây thù. Chia sẻ Lẽ Thật là dọn mâm mời nhau ăn Lời Chúa chứ không phải trổ tài xào nấu khoe chữ kiếm danh với ai đâu, đó là cưu mang Chúa đặt để trong lòng tôi. Anh chị em tin thì vui lòng hiệp ý, ai không tin thì cũng không nên theo dõi tiếp rồi nghi ngờ mất phước. God bless you all!
Tuan Le Le Hong Linh: chính xác 1 chữ đó: trong bài anh đã dẫn tự nguyên Hebrew נֵס֙ (nês), toàn nghĩa cờ hiệu / trụ đứng, làm gì có nghĩa hình giá 2 thanh dấu cộng nào đâu... http://biblehub.com/hebrew/5251.htm
Tuan Le Vấn đề là hầu như chẳng mục sư Tin lành truyền thống nào dám thực sự tìm hiểu Dead Sea Scrolls có gì, chỉ nói 1 ý là sách Isaiah rất chuẩn thế thôi. Nhiều lần anh đặt câu hỏi vì sao từ 1947 đến giớ đã gần 70 năm chẳng thấy giáo hội nào dám nói gì chính thức với giáo dân về Dead Sea, hoặc Chúa muốn khai mở thông điệp gì qua phát hiện khảo cổ VĨ ĐẠI NHẤT LỊCH SỬ CƠ-ĐỐC GIÁO (thực ra là all Abrahamic religions - cả Do Thái - Cơ-đốc - Hồi) đúng chóc thời điểm khôi phục Israel, thì không ai dám nói ra lý do...
Tuan Le Người thế gian xưa nay vẫn cho Chúa Jesus và môn đồ thật của Ngài là "dóc tổ" rồi tìm cách ngụy tạo đủ thứ lý do để giết đấy Lâm ạ. Ngôn ngữ gây sốc nhưng đánh động lòng ai muốn tìm kiếm Lẽ Thật thì anh vẫn thích vì Chúa Jesus luôn giảng gây sốc mà! Ngôn ngữ đắc nhân tâm nhưng móc méo chuyện linh tinh thì anh coi là rác, chủ nhà có trách nhiệm sẽ phải quét. Anh đâu có ép ai tin hoặc xin ai nhận xét gì? ai thích thì tự vào tự đọc thôi. Còn ai xin kết bạn để thực tập kỹ năng điều tra xét hỏi chứ không kính sợ Chúa thì anh ok cho họ có cơ hội được biết Lẽ Thật yêu thương công bình, nhưng giải thích vài lần vẫn không chịu hiểu thì thôi, chứ chấp nê trả lời mấy câu khích bác của họ làm gì! Anh chẳng có gì phải lo, vì Chúa biết hết (Giăng 2:24-25).
Tuan Le Lâm Nguyễn Hoàng: ngày mà em tự đọc Kinh Thánh rồi làm theo, vỗ tay reo mừng tung hô Chúa, hát trong Thánh Linh... thì các hội chúng Mỹ da đen có thích thú lắm không? nhà thờ Tin Lành truyền thống thấy vậy kết tội em gây sốc và không thể chấp nhận được với tín đồ Tin Lành yêu mến Kinh Thánh thì em trả lời thế nào?
Tuan Le Tôi hoàn toàn không quan tâm sự sa đà vào hình dạng vật lý của cây đó, càng làm vậy tưởng càng sáng về nhãn quan thuộc thể mà sẽ càng tối về nhãn quan thuộc linh: mọi hình bóng "cây" đau đớn / khổ hình / rủa sả" trong Cựu ước sẽ tiếp tục bị che khuất dưới kiểu khác, thậm chí hết bàn về hình gì sẽ bàn về loại gỗ gì... Đó là lý do chính tôi không quan tâm đề nghị của Thành.
Lý do thứ 2: Nếu Thành đã làm thí nghiệm rồi có kết quả như vậy thì mới có quyền phát biểu phản biện các giáo sư đã làm, bạn cứ thuyết phục LHL nếu cậu ấy muốn tiếp chuyện nhé, còn tôi thì thấy không cần chứng minh thêm vì đã quá dư comments về điều đó ở phần trên rồi.
Lý do thứ 3 của riêng tôi: tôi không tin lính La Mã chỉ dùng đinh để treo: nếu để treo thì đâu đóng vào chân làm gì? mục đích đóng đinh là để hành hạ đau đớn (máu rỉ từ từ) chứ ai cấm không cho cột tay / khuỷu nạn nhân vào trụ gỗ? Thậm chí rất nhiều hình vẽ thập tự cũng vẽ cột 2 cánh tay trên thanh ngang, chứ thẳng hay chéo gì cũng không thể giữ nổi 70-80kg (đàn ông Trung Đông cả 100kg cũng nhiều, tôi đã sống ở đó 2 năm) cả chục tiếng mà không cần dây cột, tất cả đều phải dùng dây, mà dùng dây thì trụ đứng càng dể, đỡ tốn dây tốn gỗ! (gỗ là cực hiếm, rất quý ở Jerusalem, chẳng ai phung phí đâu nhé!!). LHL làm bác sĩ, tôi đã học môn giải phẫu học cơ thể đạt điểm 10 thì cũng hiểu cấu tạo cơ-xương bàn-cổ tay, và biết mình đang nói gì, ngay cả vị trí cây đinh nếu không cột dây cũng khó mà là trong bàn tay!
Vậy là rõ rồi, đừng lái anh em lạc khỏi mục đích nữa nhé!
Tuan Le Tôi nêu vấn đề ngữ nghĩa và hình ảnh "Thập Tự Giá" chính là để ai thực sự quan tâm muốn hiểu Lời Chúa thấy rõ đó chỉ là "chuyện ngoài da" mà lại được tập chú tôn sùng thay cho chuyện cốt lõi; rồi lại tưởng đó là đối tượng đáng tôn thờ "đúng sự dạy dỗ của KT" nữa! Tôi không hề cổ xúy ai và không cần chứng minh gì chỉ để lại bị cột vào một cái vỏ mới của "chuyện ngoài da" này, mà chỉ mong anh em được giải phóng hoàn toàn khỏi việc sa đà săm soi hình ảnh chết thay vì hiểu biết Lời Sự Sống. Đó là lý do tôi không chấp nhận ai thay tôi kết luận lệch lạc kiểu huề cả làng để không còn động lực đọc lại Kinh Thánh và nhận ra lẽ giả (Kinh Thánh không hề nói hình "chữ thập") đã trở thành "Lẽ Thật cốt lõi" (Thập Tự Giá) được tôn sùng, trong khi Lẽ Thật cốt lõi (điều kiện cần và đủ để được Sự Sống Đời Đời) chính Chúa nhấn mạnh thì chẳng quan tâm!
Tuan Le Hau Vu Manh lưu ý: yêu cầu khai triển "đề tài ngoài da" với đủ thứ hình ảnh giả định của cây mộc hình là của Thành, chính tôi mới là người yêu cầu DỪNG đề tài mang tính mơ hồ mà mất thì giờ vô ích đó! Đừng lái người đọc nghĩ rằng tôi sợ mất uy tín nên không dám nói tiếp, mà là tôi đang giúp anh em khỏi bị lừa đi lạc ra chuyện ngoài da đấy!!! Tôi nhắc lần cuối: ai tự cho mình quyền thay tôi phát biểu kết luận theo kiểu huề cả làng hoặc lái chủ đề ra chuyện đánh giá cá nhân làm lu lấp ý nghĩa chủ đề tôi trình bày sẽ bị xóa comment, tiếp tục khiêu khích sẽ block chứ tôi không tiếp chuyện vô bổ như vậy đâu.
Tuan Le Em biết lòng anh Bút Lông Kim và nỗ lực về ngoại ngữ của anh. Anh đã cố sức tỏ ra tuyệt đối trung thành và bảo toàn ngữ nghĩa khi ghép chữ (chứ không phải là dịch) theo kiểu "mot à mot / word for word", nhưng lại vô cùng chủ quan khi chỉ chọn dùng MỘT NGHĨA (theo hệ qui chiếu đức tin mà anh chọn) của một từ ĐA NGHĨA trong nguyên ngữ (tùy hệ tư tưởng mà nghĩa sẽ rất khác nhau, thậm chí ngược hẳn, như "theos" là "Thên Chúa" hay "chúa đời này" / Satan tùy ngữ cảnh). Chính cách chọn dịch nhân cách hóa đại từ #G846 "autos" này cách tôn kính là "Ngài" khi nói về Linh Cha đã khiến hình thành cảm nhận về một "Vị Thần Ngôi Ba" nhạy cảm xét nét cầu toàn nào đó, thay vì vui hưởng Linh Thánh của Cha tuôn đổ ngập tràn và điều chỉnh cuộc đời mình dần dần tốt lành giống như Ngài... Ước mong anh hiểu thiện ý của anh em, không phải ai cũng biết nhau và hiểu lòng nhau, lời thẳng có thể gây sốc, nhưng đây có thể là cơ hội đặc biệt Chúa để anh hiểu Lời Ngài đúng đắn hơn, và là cách Ngài yêu thương rèn giũa để đứa con siêng năng của Ngài dũng cảm xé bỏ được cái bầu da cũ kỹ đã giam hãm rượu nồng trong tâm tình và tư duy ngôn ngữ dâng tràn nhiều năm qua khi muốn hiểu Cha mình chuẩn xác hơn! God bless you!
Tuan Le Vâng, đó là quyền và sự lựa chọn của cá nhân anh Bút Lông Kim, cho nên em chưa một lần bình luận về bài anh dịch, cũng chưa hề delete các trang dịch anh tự đăng. Nhưng vì mấy hôm nay anh đăng và phán xét nhiều, khẳng đinh bản tính anh rạch ròi, nên em xin được rất nhẹ nhàng lễ phép mà cũng rạch ròi để thưa thật với anh rằng: em không có nhu cầu tham khảo các bản dich của anh vì nó không phải là Việt văn anh ạ. Vì quý mến anh, em không nói thêm nhưng chỉ xin anh đừng comment trong trang của em nữa. Nếu anh muốn biết lý do, anh cứ biểu các học trò của anh học thuộc bài cầu nguyện anh dịch để thưa chuyện với Chúa mỗi ngày, rồi nhìn nét mặt họ. Chúa yêu anh! Mong có dịp gặp riêng anh sau. Anh chị em nào đồng ý với tôi cứ like comment nầy nhé.
------------
Trích: Facebook Tuan Le posted 3/3/2015