Kinh thánh: Ma-thi-ơ 13:3-9, 18-23
“Ngài dùng thí dụ mà giảng nhiều điều cùng họ. Ngài phán như vầy: Có người gieo giống đi ra đặng gieo. Khi đương gieo, một phần giống rơi dọc đường, chim bay xuống và ăn. Một phần khác rơi nhằm chỗ đất đá sỏi, chỉ có ít đất thịt, bị lấp không sâu, liền mọc lên; song khi mặt trời mọc lên, thì bị đốt, và vì không có rễ, nên phải héo. Một phần khác rơi nhằm bụi gai, gai mọc rậm lên, phải nghẹt-ngòi. Một phần khác nữa rơi nhằm chỗ đất tốt, thì sanh trái; hoặc một hột ra được một trăm, hoặc một hột sáu chục, hoặc một hột ba chục. Ai có tai, hãy nghe!”
“Ấy vậy, các ngươi hãy nghe nghĩa ví-dụ về kẻ gieo giống là gì. Khi người nào nghe ĐẠO NƯỚC THIÊN-ĐÀNG, mà không hiểu, thì quỉ dữ đến cướp điều đã gieo trong lòng mình; ấy là kẻ chịu lấy hột giống rơi ra dọc đàng. Người nào chịu lấy hột giống nơi đất đá sỏi, tức là kẻ nghe đạo, liền vui mừng chịu lấy; song trong lòng không có rễ, chỉ tạm-thời mà thôi, đến khi vì đạo mà gặp sự cực-khổ, sự bắt-bớ, thì liền vấp-phạm. Kẻ nào chịu lấy hột giống nơi bụi gai, tức là kẻ nghe đạo; mà sự lo-lắng về đời nầy, và sự mê-đắm về của-cải, làm cho nghẹt-ngòi đạo và thành ra không kết-quả. Song, kẻ nào chịu lấy hột giống nơi đất tốt, tức là kẻ nghe đạo và hiểu; người ấy được kết-quả đến nỗi một hột ra một trăm, hột khác sáu chục, hột khác ba chục.”
Chúng ta cần biết khi Chúa Jesus đến thế gian, Ngài dạy về “Đạo nước thiên đàng”. Tức là Ngài hướng con người về mọi phước hạnh ở NƯỚC TRỜI, ngày nay nhiều người đã hiểu sai và đi theo đạo nước thiên đàng với mục đích để tìm phước của NƯỚC DƯỚI ĐẤT.
Mục vụ, đuổi quỷ, chữa bệnh, chỉ là phương tiện để đem người ta đến với Chúa Jesus mà thôi. Đó không phải là mục đích tối hậu của Nước Trời, vì sự chữa lành chỉ có lợi về thân thể, tất nhiên qua sự chữa lành giúp chúng ta nhận thức về quyền năng của Chúa và từ đó linh hồn chúng ta có sự thay đổi. Tuy nhiên, nếu dừng chân tại chổ và cứ mãi đòi hỏi điều đó, thì đồng nghĩa với việc chúng ta đang hướng về điều dưới đất nhiều hơn. Trong khi đó, qui luật của con người và vạn vật trong thế gian này đều có thời hạn và rồi sẽ suy tàn. (Thi thiên 90:10, II Phi-e-rơ 3, Khải huyền)
Nhận đạo của Nước Trời là tìm kiếm Vua Trời; tin lành về Nước Đức Chúa Trời là dẫn người khác đến tìm kiếm, gặp mặt Vua Trời. Vì Chúa Jesus dạy rất rõ: Chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha. (Giăng 14:6)
Chúng ta cần nắm vững vàng rằng Chúa Jesus đến thế gian với mục đích cốt lõi để RAO TIN LÀNH CỦA NƯỚC ĐỨC CHÚA TRỜI: “Nhưng Ngài phán cùng họ rằng: Ta cũng phải rao Tin-lành của nước Đức Chúa Trời nơi các thành khác; vì cốt tại việc đó mà ta được sai đến” (Lu-ca 4:43)
** Cách gieo giống dưới đất KHÁC hoàn toàn với cách gieo giống trên trời: Chúa Jesus là người gieo giống của nước Đức Chúa Trời đến thế gian, Ngài không chỉ gieo trên những tấm lòng mềm mại khiêm nhường, nhưng Ngài gieo luôn cho những tấm lòng cứng cỏi, khô cằn, khó khăn, phạm tội; Chúa Jesus gieo đủ 4 loại đất. Người gieo giống dưới đất chỉ làm những gì có lợi cho mình mà thôi, họ chỉ gieo trên đất tốt, họ không gieo giống trên đường đi, đất đá sỏi, đất có bụi gai. Vì họ cho rằng sẽ tốn công, hoang phí hột giống một cách vô ích.
Vì vậy, theo cách nhìn của loài người thì cách gieo giống của Chúa Jesus hoàn toàn vô lý. Nhưng, từ sự vô lý trong mắt loài người đó, để nổi bật ra sự hợp lý trong tính toàn hão của Đức Chúa Trời. Vì vậy, đoàn dân không thể hiểu được ẩn dụ mà Chúa Jesus đã đưa ra. Người gieo giống cho nước Đức Chúa Trời thì gieo ĐỦ HẾT TẤT CẢ MỌI LOẠI ĐẤT, hầu cho ân điển của Đức Chúa Trời được RẢI RA CÁCH DƯ DẬT… (II Cô-rinh-tô 4:15). Vì vậy, nếu có thể được, chúng ta nên đầu tư hết sức vào việc rải ra hạt giống cho Vương quốc Đức Chúa Trời.
** Chúng ta cần lưu ý: Người gieo giống có trách nhiệm gieo đủ 4 thứ đất, nhưng Chúa Jesus không đề cập phải chăm sóc đủ 4 loại đất. Chúa Jesus không dạy phải chăm sóc, tưới nước, bón phân trên đường đi hay phải bắt sâu trên bụi gai. Tức là những tấm lòng không dám trả giá làm theo lời của Đức Chúa Trời. Nhưng tiếc thay, ngày nay rất nhiều người đã ra sức làm ngược lại với điều Chúa Jesus dạy.
Việc đáp ứng của hạt giống, về khả năng sinh trưởng, độ ẩm, ánh sáng, phân bón,… hay không, tất cả đều do tấm lòng của người nhận. Họ có quyền tự do chọn lựa để làm cho mảnh đất lòng mình trở nên loại đất bị nghẹt ngòi, gai chông hay màu mỡ.
Phao-lô khuyên trong II Ti-mô-thê 4:2 “Hãy giảng đạo, cố khuyên, bất-luận gặp thời hay không gặp thời…” Phao-lô không khuyên chúng ta phải giảng đạo và chăm sóc, nhưng chỉ giảng đạo mà thôi!
** Khi Đức Chúa Trời tạo dựng nên thế gian, có “đường đi” từ ban đầu hay không? Hoàn toàn là không! Đường đi được tạo nên do người này nối gót bắt chước người kia, làm cho cỏ chết, đất mềm ẩm đã trở thành đất khô cứng; và thế là trở thành con đường. Nguyên thủy con người đã được Đức Chúa Trời dựng nên rất tốt lành, nhưng do… tấm lòng khô cằn của con người, rồi bắt chước nhau; và thế là trở thành lòng khô cằn chai lì cứng cỏi.
Chúa Jesus luôn dùng những ẩn dụ để dạy đoàn dân ngày xưa là những người có Ngũ kinh Môi-se. Mục đích nhằm giúp chúng ta có thể xâu chuỗi được mọi việc từ Cựu ước: Ta sẽ mở miệng ra mà nói lời VÍ DỤ, Ta sẽ rao-bảo những điều KÍN NHIỆM từ khi DỰNG NÊN TRỜI ĐẤT. (Ma-thi-ơ 13:35)
Để rồi chúng ta có thể hiểu được điều Chúa Jesus nói: Các ngươi dò-xem Kinh-thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời: Ấy là KINH THÁNH LÀM CHỨNG VỀ TA VẬY. (Giăng 5:39)
Tùy vào tấm lòng của chúng ta khao khát lời Đức Chúa Trời, mà sẽ nhận được những sự dạy dỗ ở các mức độ khác nhau. Thế thì, bốn loại đất mà Chúa Jesus đã đưa ra có mối quan hệ gì đến “việc kín nhiệm từ khi dựng nên trời đất”? Bốn con người đầu tiên, chính là bốn loại đất; vì rõ ràng họ có tương tác với Đức Chúa Trời và họ đã được Đức Chúa Trời phán dạy. Chúng ta có thể thấy rõ việc này qua Sáng thế ký chương 3.
a) Ê-va: Lòng Ê-va như hạt giống được gieo ở trên mặt đường, Ê-va đã nhận hạt giống Lời của Đức Chúa Trời nhưng đã để Satan cướp đi nguyên hạt.
Khi Chúa Jesus giáng sinh, ba bác sĩ đến Giê-ru-sa-lem hỏi rằng Chúa Jesus mới sanh tại đâu? Các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo đáp rằng: Tại Bết-lê-hem, xứ Giu-đê, vì có lời chép rằng..! Vấn đề là ai có lời? Há không phải là chính bản thân họ có hay sao? Thế nhưng, họ nào có tin Chúa Jesus là Đấng Christ, là Con của Đức Chúa Trời. Họ đã để cho Satan cướp đi hạt giống lời của Đức Chúa Trời.
Con người từ ngay lúc ban đầu đã có lời của Đức Chúa Trời, nhưng họ thích cách của Satan diễn ý: Chắc không chết đâu..! Chước của Satan ngay từ lúc ban đầu là đẩy “con người” lên BẰNG VỚI Đức Chúa Trời… Đó là lý do Chúa Jesus luôn tự xưng mình là “Con người”. Vì con người đầu tiên đã thất bại, đã thi trượt; nên Con người thứ hai đã đến để sửa lại mọi sự và Con người thứ hai đã thành công. Thế nhưng, Satan đâu dễ dàng bỏ cuộc, trái lại ngày đêm đang ra sức để vu cáo và dùng những Ê-va thứ hai đẩy Con người thứ hai lên BẰNG VỚI Đức Chúa Trời.
b) A-đam: Lòng y như hạt giống gieo trên vùng đất đá sỏi. Hạt giống có mọc rễ đó, Satan khó lòng cám dỗ trực tiếp ngay A-đam. Thế nên, Satan quỷ quyệt đã dùng Ê-va để cám dỗ A-đam, cám dỗ nào mạnh bằng cám dỗ từ nơi Ê-va! Do hạt giống không chịu phát triển, mọc rễ yếu, bám đất quá ít; khi gặp cám dỗ thì không chịu nổi và đã bị trốc gốc.
A-đam và Ê-va đã thất bại hoàn toàn, khi họ không tôn trọng đủ lời của Đức Chúa Trời.
Sáng 3:17 là bản án dành cho con người: Trước đó là đất lành, sau khi phạm tội đã trở thành đất độc. Đất độc, mọi sản phẩm do đất mà ra cũng bị nhiễm độc theo. Vì thế, người ta ăn vào thì thân thể cũng bị nhiễm độc; từ đó sanh ra sự chết. Nên con người bị thoái hóa dần về tuổi tác cũng như về sức khỏe.
c) Ca-in và A-bên: Đều có hạt giống của Đức Chúa Trời, chắc chắn A-đam và Ê-va đã dạy họ về Đức Chúa Trời. Vì vậy, họ biết Đức Chúa Trời và muốn tỏ lòng yêu của mình bằng cách dâng của lễ lên cho Ngài. Thế nhưng, Ca-in đã dâng của lễ bằng hoa quả, thổ sản dưới đất, còn A-bên dâng chiên con. Đức Chúa Trời đã không nhậm của lễ của Ca-in và Ngài nhậm của lễ của A-bên. Khi đó, Ca-in vì ganh tị, đã gầm mặt xuống đất. Đức Chúa Trời yêu thương nên đã cảnh cáo Ca-in, Ngài đã phán trực tiếp với ông, Ngài đã đặt ra tình huống để Ca-in có thể nhìn ra được vấn đề (Sáng 4:6). Ca-in đã có lời của Đức Chúa Trời, nhưng Ca-in từ chối không nghe và đã ra tay giết chết em mình.
Tấm lòng của Ca-in giống như mảnh đất có bụi gai, đã nhận lấy lời Đức Chúa Trời, nhưng không chịu phát triển và bám rễ; đã để cho sự suy nghĩ theo đời này mà làm cho hạt giống ấy bị nghẹt ngòi không kết quả. Tấm lòng của A-bên giống như một mảnh đất tốt, đã sanh trái và ra kết quả.
** Ca-in và A-bên dâng của lễ lên cho ai? Há không phải là cho Giê hô-va Đức Chúa Trời sao? Thế thì, Ngài ăn cái gì, Ngài có ăn hay không? Thật sự Ngài không ăn gì cả! Cho nên đó là lý do CỦA LỄ TOÀN THIÊU được dâng lên cho Đức Chúa Trời, giống như sanh mạng được dâng lên. Đây là cách để Đức Chúa Trời chấp nhận tương tác qua sự thế mạng, chứ Ngài không ăn gì cả. Nhưng con người nghĩ rằng Ngài ăn, nên đã dâng thổ sản cho Ngài.
Theo Lu-ca 12:13-21, vì sao người giàu bị Đức Chúa Trời xếp vào hàng ngu dại? Vì ông ta tưởng rằng linh hồn ông được nuôi bằng vật chất, thổ sản. Nên ông kêu: Linh-hồn ơi, mầy đã được nhiều của để dành dùng lâu năm; thôi, hãy nghỉ, ăn uống, và vui-vẻ. Cần hiểu rằng thân thể mới cần nghỉ ngơi ăn uống, linh hồn không phải được nuôi dưỡng bằng những thứ ở dưới đất.
** Thật ra Satan muốn cám dỗ ông trưởng nam từ rất lâu, Đức Chúa Trời đã cảnh cáo trước điều đó: Tội lỗi đang “rình”, “thèm” ngươi lắm. Đức Chúa Trời đã nói rất rõ và trực tiếp với Ca-in, thậm chí Ngài đã nhân cách hóa về tội lỗi. Nhưng cuối cùng Ca-in phớt lờ trước lời của Đức Chúa Trời và đã ra tay trên em mình.
Đó là sự lựa chọn của cá nhân, Ca-in thích những gì liên quan đến đất mà thôi; Khi đó, luôn có sự so kè của việc dâng của lễ. Các trưởng nam thuộc về Đức Chúa Trời, nên Satan luôn tìm cách tấn công vào con trưởng nam, mục đích để làm nhục Đức Chúa Trời. A-đam là con Đức Chúa Trời đã thay thế Đức Chúa Trời lãnh đạo cả thế gian, Satan tìm cách cám dỗ tấn công vào ngay A-đam; và các thế hệ sau cũng vậy, nó luôn tấn công vào người con trưởng. Mảnh đất đó lẽ ra đầy kết quả phước hạnh, cuối cùng đầy gai chông tật lê. (Vì con trưởng nam là niềm hãnh diện của người cha)
Ân điển công bằng của Đức Chúa Trời đã rải ra khắp cả thế gian, ngay từ khi mới dựng nên trời đất; từ con người đầu tiên cho đến con người cuối cùng, ai cũng có cơ hội để nghe về lời Đức Chúa Trời. Nhưng do sự quyết định của cá nhân, của mỗi tấm lòng: Chọn lựa tin và giữ lời Đức Chúa Trời hay cho rằng: Đức Chúa Trời nói vậy, chứ không phải như vậy đâu!
** Ngay từ lúc con người đầu tiên mới được tạo dựng trên đất, Đức Chúa Trời đã ban lời của Ngài cho loài người; để họ biết cách để sống đẹp lòng Ngài, tránh khỏi tội lỗi và sự chết. Bốn con người đầu tiên trên đất đã đại diện đủ bốn loại đất:
- Ê-va nghe lời Đức Chúa Trời xong, đã để cho Satan cướp lấy. Chẳng khác nào chim chóc tha hạt giống được gieo trên đường đi khô cằn.
- A-đam có lời Đức Chúa Trời trong lòng, vẫn giữ lời đó, không tự hái trái cấm ăn. Nhưng khi gặp sự cám dỗ hấp dẫn thì thất bại. Y như hạt giống gieo trên đất đá sỏi.
- Ca-in tưởng như rất yêu mến Đức Chúa Trời: Siêng năng làm mục vụ, sản xuất ra có kết quả, muốn dâng và hầu việc Đức Chúa Trời, đạt đến mức như thờ phượng Đức Chúa Trời. Nhưng không kết quả vì không biết ý muốn của Đức Chúa Trời, lại ganh tị, rồi ra tay giết người anh em mình đang khi thờ phượng Đức Chúa Trời theo đúng ý của Ngài. Bụi gai đã che khuất hạt giống trong lòng Ca-in.
- Thửa ruộng tốt là A-bên, đã kết quả theo đúng ý muốn của Đức Chúa Trời. Nhưng theo cách nhìn của con người ở thế gian: A-bên đã chết thê thảm; còn Ca-in thì sống. Nhưng theo cách nhìn của Đức Chúa Trời, Ca-in dẫu sống nhưng đã thuộc về tội lỗi, tội lỗi rình mò thèm muốn, rồi chiếm lấy ông. Chúng ta cần biết rằng, tự tội lỗi không có quyền chiếm lấy Ca-in, vấn đề là mặc dầu có lời của Chúa cảnh cáo nhưng Ca-in không tôn trọng và không thèm làm theo lời Đức Chúa Trời thì xem như ông đã mở cửa lòng cho Satan bước vào. Về thuộc thể thì A-bên xem như tuyệt tự, nhưng về mặt thuộc linh kết quả rất là nhiều: Dẫu người chết rồi, hãy còn nói! (Hê-bơ-rơ 11:4). Chúng ta cũng có thể thấy qua hình ảnh của Phao-lô: về mặt thể xác ông không có con; nhưng về mặt thuộc linh, Phao-lô có rất nhiều con thuộc linh.
** Chúng ta không nhất thiết phải chia thế giới ra làm 4 thứ đất hoặc 4 loại người, trái lại trong bản thân của từng người có quyền thay đổi từng loại đất trong lòng mình.
Phao-lô cũng gọi là Sau-lơ, là người cực kỳ thích mục vụ, ông từng nói rằng: “Tôi thăng tiến trong giáo Giu-đa”. Thế nhưng, khi gặp Chúa Jesus, ông đã chấp nhận thay đổi mảnh đất lòng của mình: Từ mảnh đất khô khan, cứng cõi; đã trở thành mảnh đất màu mỡ phước hạnh:
- Sau-lơ tìm cách giết chết A-na-nia, thế nhưng bây giờ A-na-nia đặt tay lên đầu Sau-lơ cầu nguyện và làm baptem cho ông. Chẳng khác nào A-bên sống lại đặt tay lên đầu Ca-in.
- Vì sao Phao-lô cứ nhắc lại: Tôi là người thuộc chi phái Bên-gia-min? Vì ông vua đầu tiên của dân Israel là Sau-lơ thuộc chi phái Bên-gia-min. Sau-lơ là người đã đi tìm và giết Đa-vít, Sau-lơ đã thất bại trong việc vâng lời Đức Chúa Trời. Trái ngược với Sau-lơ là Đa-vít, ông luôn chạy trốn khỏi Sau-lơ. Chúng ta thấy đây chính là sự nhịn nhục của Cơ Đốc nhân trong thời kỳ Hội thánh đầu tiên, được ghi lại trong Công vụ chương 3-5 dưới sự tàn sát của Sau-lơ. Chúa Jesus đã đến để sửa lại mọi sự, đó là lý do mà Chúa Jesus phán: Hỡi Sau-lơ, Sau-lơ, sao ngươi bắt bớ ta? Từ đó con người Sau-lơ đã được thay đổi. Điều hệ trọng đó là biết làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời.
Chúng ta cần biết Sô-đôm, Gô-mơ-rơ là 2 thành phố màu mỡ nhất của xứ đất hứa, y như vườn Ê-đen. Nhưng do lòng con người không chịu mở ra, cuối cùng lửa đã thiêu hủy 2 thành phố này. Vì vậy, đừng bao giờ tự cho rằng mảnh đất lòng của mình là màu mỡ và của người khác là khô cằn, gai chông. Phao-lô như mảnh đất gai gốc, nhưng đã thay đổi để trở thành mảnh đất màu mỡ. Chúng ta có quyền thay đổi mảnh đất lòng của mình; vấn đề ở chổ, tùy vào sự chọn lựa của mỗi người.
Trong mắt của con người thì người gieo giống có vẽ không bình thường, cách của Chúa Jesus dạy gieo giống không giống cách của giáo hội gieo. Sách Ma-thi-ơ ghi lại lời giảng đa phần dành cho đám đông; Mác cho người bệnh tật nhiều; Lu-ca ghi lại lời bình nhiều; Giăng trong các đoạn đầu, đã ghi lại đậm đặc lời của Chúa Jesus giảng cho những kẻ đang chống nghịch lại chân lý, đó chính là những thầy thông giáo và người Pha-ri-si: “Các ngươi không phải là chiên của ta…” Chúng ta được Cha sử dụng để gieo vào tất cả các loại đất, chúng ta có cơ hội học được tấm gương của Chúa Jesus: Không tự nói ra bất cứ điều gì, mà chỉ nói theo ý Cha
Chúa sẽ cho chúng ta cơ hội thực hành trên môi trường gai gốc; dù sao cũng tốt, vì hạt giống mọc lên được. Nhưng vấn đề là gai gốc đã lấn ép hột giống và làm cho nó nghẹt ngòi. Sau đó, chúng ta được thực hành trên môi trường đá sỏi, để thấy hột giống mình cố gắng gieo ra, mọc lên cách èo uột; khi mặt trời lên lẽ ra nó quang hợp và phát triển xanh tươi, nhưng trái lại bị héo đi và chết. Tiếp đến, chúng ta được đưa ra gieo giống trong môi trường đường đi khô cằn; gieo bao nhiêu thì bị ma quỷ tha đi mất hết bấy nhiêu.
Chúng ta không nhìn xem kết quả, nhưng vui mừng vì đã làm xong công việc công bình mà Đức Chúa Trời đã giao cho.
Đạo của Đức Chúa Trời được gieo đủ trên bốn loại đất, để cho thấy ân sủng của Đức Chúa Trời được rãi ra. Qua đó, để mọi người đều có thể nghe đạo một cách công bằng: “Tin lành về nước Đức Chúa Trời được giảng ra khắp đất để làm chứng cho muôn dân”. Để rồi, cho đến ngày cuối cùng, mọi miệng đều phải ngậm lại trước mặt Ngài.
----------
Do Note trong Facebook đã tự động sửa nội dung bài, nhiều câu / từ trùng lập, sai nhiều lỗi chính tả... Nên bài viết đã được chỉnh sửa lại.
Link bài viết gốc: