Thứ Năm, 29 tháng 10, 2020

Tham khảo (101)_BÁP-TEM CHÚA JESUS CHỊU TRONG SỰ ĐAU ĐỚN


Lu-ca 12:50 “Có một phép BÁP-TEM MÀ TA PHẢI CHỊU, ta ĐAU ĐỚN biết bao cho đến chừng nào phép ấy được hoàn thành!”

Mác 10:35-40 

"Bấy giờ, Gia-cơ và Giăng, hai con trai Xê-bê-đê, đến gần Ngài mà thưa rằng: Lạy thầy, chúng tôi muốn thầy làm thành điều chúng tôi sẽ xin. Ngài hỏi rằng: Các ngươi muốn ta làm chi cho? Thưa rằng: Khi thầy được vinh-hiển, xin cho chúng tôi một đứa ngồi bên hữu, một đứa bên tả. Nhưng Đức Chúa Jêsus phán rằng: Các ngươi không biết điều mình xin. Các ngươi có uống được chén ta uống, và chịu được phép BÁP-TEM TA CHỊU chăng? Thưa rằng: Được. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Các ngươi sẽ uống chén ta uống, và sẽ chịu phép báp-têm ta chịu; nhưng chí như ngồi bên hữu và bên tả ta thì không phải tự ta cho được: Ấy là thuộc về người nào mà điều đó đã dành cho."

Phép báp-tem này là gì, mà hầu như xưa nay chưa bao giờ được nghe giảng dạy trong các giáo hội???

Gia cơ và Giăng xin được ngồi trong sự vinh hiển với Chúa Jesus, ngồi bên trái và phải của Chúa Jesus lúc vinh hiển, tức ngồi ngang hàng với Chúa Jesus.

Mục đích báp-tem này là gì? Để đạt vị trí như vị trí của Chúa Jesus. Vị trí đó Chúa Jesus không có quyền ban cho, chỉ có CHA mới có quyền quyết định.

Ma-thi-ơ 20:20-23 “Bấy giờ, có mẹ của các con trai Xê-bê-đê cùng các con mình đến gần Đức Chúa Jêsus, lạy Ngài đặng hỏi một chuyện. Ngài phán rằng: Ngươi muốn chi? Thưa rằng: Xin cho hai con trai tôi đây ngồi một đứa bên hữu Ngài, một đứa bên tả, Ở TRONG NƯỚC NGÀI. Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Các ngươi không hiểu điều của mình xin. Các ngươi uống được chén mà ta hầu uống không? Hai người thưa rằng: Chúng tôi uống được. Ngài phán rằng: Thật các ngươi sẽ uống chén ta nhưng mà ngồi bên hữu hay bên tả ta, thì CHẲNG PHẢI TỰ TA CHO ĐƯỢC; ấy là cho những người nào mà CHA TA ĐÃ SỬA SOẠN CHO.”

Cùng một câu chuyện mà hai lần ghi chép khác nhau, trong Ma-thi-ơ bị bớt một ý: “... chịu được phép báp-tem ta chịu chăng?

Như chúng ta đã biết, Báp tem là baptizo, nghĩa là nhúng vào hoàn toàn một điều gì đó, bên ngoài lẫn cả bên trong... Thế thì, điều Chúa Jesus “SỢ” khi Ngài chịu báp-tem này là gì?

Mác 14:33 “Ngài bèn đem Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng đi, thì Ngài khởi sự KINH HÃI và SẦU NÃO. Ngài phán cùng ba người rằng: Linh-hồn ta BUỒN RẦU LẮM cho đến chết; các ngươi hãy ở đây, và tỉnh thức. Rồi Ngài đi một đỗi xa hơn, sấp mình xuống đất mà cầu nguyện rằng: nếu có thể được, xin giờ nầy qua khỏi mình. Ngài rằng: A-ba lạy Cha, mọi việc Cha làm được cả; xin Cha cất chén nầy khỏi con; NHƯNG KHÔNG THEO ĐIỀU CON MUỐN, MÀ THEO ĐIỀU CHA MUỐN.”

Mỗi khi Thánh Kinh mô tả Chúa Jesus cầu nguyện, đã cho biết Chúa Jesus thể hiện đức tin rất mạnh mẽ và chắc chắn, dầu rằng đứng trước người đã chết...

Giăng 11:40-44 “Đức Chúa Jêsus lại phán: Ta há chẳng từng nói với ngươi rằng nếu ngươi tin thì sẽ thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời sao? Vậy, họ lăn hòn đá đi. Đức Chúa Jêsus bèn nhướng mắt lên trời mà rằng: Thưa Cha, tôi tạ ơn Cha, vì ĐÃ NHẬM LỜI TÔI. Tôi biết rõ rằng CHA NHẬM LỜI TÔI LUÔN, nhưng tôi nói vậy là vì cớ đoàn dân nầy đứng chung quanh tôi, hầu cho họ tin rằng ấy chính Cha là Đấng đã sai tôi đến. Khi Ngài nói xong, bèn kêu lên một tiếng lớn rằng: Hỡi La-xa-rơ, hãy ra! Người chết đi ra, chân tay buộc bằng vải liệm và mặt thì phủ khăn. Đức Chúa Jêsus phán cùng chúng rằng: Hãy mở cho người, và để người đi.”

Thậm chí Chúa Jesus nói rằng Ngài là sự sống lại: Giăng 11:25 “Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta là SỰ SỐNG LẠI và SỰ SỐNG; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi.”

Thế nhưng, tại sao Chúa Jesus nói: “Linh hồn ta buồn bực cho đến chết!”. Tại sao Chúa Jesus sợ chết?? Ngài sợ điều gì??

Baptizo không phải chỉ nhúng ướt bên ngoài mà là UỐNG VÀO tận phía bên trong. Chúa Jesus sợ hãi khi phải CẮT ĐỨT MỐI TƯƠNG GIAO VỚI CHA, điều này làm cho Chúa Jesus sợ hãi đến mức kinh khủng nên Ngài đã kêu lên khủng khiếp. Lúc đó không còn Cha Con nữa, nên Ngài không kêu Aba, mà kêu  Ê-li, Ê-li lam-ma sa-bách-ta-ni? nghĩa là: Ông Trời ơi! Ông Trời ơi! sao Ngài lìa bỏ tôi? Từ trước giờ Chúa Jesus không hề kêu Đức Chúa Cha là Ê-li, mà kêu là Aba, nên lúc bấy giờ chính những người Do thái dù biết tiếng Aram, rất am tường về Kinh thánh mà họ vẫn lầm tưởng và cho rằng Chúa Jesus gọi Ê-li.

Báp-tem này không chỉ nhúng vào sự đau đớn bình thường mà là nhúng vào sự đau đớn oằn oại của tội lỗi nhân loại ở tất cả các đời chất trên mình Ngài. Trong Giăng 12 cho biết khi bắt đầu thấy dân ngoại tới tìm để ra mắt Chúa Jesus, thì Ngài biết là giờ sắp đến rồi nên đã cầu nguyện: “Lạy Cha xin giải cứu con ra khỏi giờ này!” vì Ngài gánh không phải chỉ tội lỗi của một mình dân Israel là dân có luật pháp mà thôi, nhưng là của MỌI dân tộc trên cả thế gian này.

Báp-tem này không phải tự chúng ta muốn mà được, chính Chúa Jesus cũng không muốn, đây là sự vâng phục của Chúa Jesus mà thôi. Nếu mọi người đều trải qua Báp-tem này hết thì chẳng lẽ mọi người đều sẽ đồng cai trị với Chúa Jesus hết sao!

Mác 10:41-45 “Mười sứ đồ kia nghe sự xin đó, thì giận Gia-cơ và Giăng. Nhưng Đức Chúa Jêsus gọi họ mà phán rằng: Các ngươi biết những người được tôn làm đầu cai trị các dân ngoại, thì bắt dân phải phục mình, còn các quan lớn thì lấy quyền thế trị dân. Song trong các ngươi không như vậy; trái lại hễ ai muốn làm lớn trong các ngươi, thì sẽ làm đầy tớ; còn ai trong các ngươi muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi mọi người. Vì Con người đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm GIÁ CHUỘC CHO NHIỀU NGƯỜI.”

Chúng ta nên nhớ rằng: Chúa Jesus không hề VÌ ước ao được tôn cao trong việc cai trị người ta MÀ cắn răng xin Cha cho uống chén, TRÁI LẠI Ngài xin Cha cho ĐỪNG uống chén. Đây không phải là động tác giả, đây là lời cầu xin thật vì Ngài ước ao không phải trải qua điều kinh khủng là bị ngăn cách khỏi Chúa Cha trong tình yêu thương giữa cha con. Nhưng Ngài vâng phục Chúa Cha vì mục đích của Ngài là yêu thương con người và Ngài chấp nhận uống chén đó và đó chính là báp-tem đau đớn.

Nếu chúng ta thật sự mang lấy tinh thần của Chúa Jesus thì giống như Ê-tiên, ông sẵn sàng chịu đau đớn khi nỗ lực bày tỏ Lẽ thật cho những người khác với lòng yêu thương. Khi mở đầu bài giảng, Ê-tiên nói chuyện rất ôn hòa “hỡi các anh, các cha..”, ông đã ôn bài cho họ, để một mặt họ thấy tình yêu của Đức Chúa Trời và tình yêu của Chúa Jesus, nhưng mặt khác để châm chích trong lòng họ vì những bất công mà họ đã đối đãi với sứ giả của Đức Chúa Trời.

Mục đích Ê-tiên được chọn vào chấp sự giống như một người lo ẩm thực, ông là người dẫy đầy Thánh Linh, làm nhiều phép lạ... Rõ ràng Ê-tiên rất thành công trong công tác mục vụ, nắm vững lời Chúa, có kiến thức lịch sử, khiêm nhường, đầy đức tin và quyền phép... Với tầm nhìn của con người thì Ê-tiên là người rất cần thiết và hữu ích cho Hội thánh trong giai đoạn đầu tiên. Thế nhưng... tại sao Ê-tiên lại chết trước nhất??  Nên cần phải hiểu không phải ai cũng trải qua báp-tem này, Gia cơ và Giăng xin điều mà hai ông không hiểu. Nên đừng vội vàng xin được tuận đạo, xin điều mà mình không biết.

Có điều tích cực gì trong câu chuyện của Gia cơ và Giăng? trong khi mọi người còn đang lững thững chưa biết chắc được thì hai ông này đã chắc cú trong việc Chúa Jesus sẽ làm Vua trong nước Ngài. Nên khi Chúa Jesus hỏi liệu hai ngươi uống nổi chén ta uống không? thì họ liền trả lời “chúng tôi uống nổi!” Phi-e-rơ cũng thế, luôn nhanh miệng trong sự yêu mến Chúa, nhiều lần bị vấp ngã, cũng nhiều lần bị Chúa Jesus chê trách, nhưng cũng là người được Chúa Jesus yêu thương nhiều...

Rõ ràng khi lên núi hóa hình, Chúa Jesus đem ba ông Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng theo.

Trong Luca 9:23-32  “Đoạn, Ngài phán cùng mọi người rằng: Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta. Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mất sự sống, thì sẽ cứu. Nếu ai được cả thiên hạ, mà chính mình phải mất hoặc hư đi, thì có ích gì? Vì nếu ai hổ thẹn về ta và lời ta, thì Con người sẽ hổ thẹn về họ, khi Ngài ngự trong sự vinh hiển của mình, của Cha, và của thiên sứ thánh mà đến. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, một vài người trong các ngươi đang đứng đây sẽ không chết trước khi chưa thấy nước Đức Chúa Trời. Độ tám ngày sau khi phán các lời đó, Đức Chúa Jêsus đem Phi-e-rơ, Giăng và Gia-cơ đi với mình lên trên núi để cầu nguyện. Đang khi cầu nguyện, diện mạo Ngài khác thường, áo Ngài trở nên sắc trắng chói lòa. Và nầy, có hai người nói chuyện cùng Ngài; ấy là Môi-se và Ê-li, hiện ra trong sự vinh hiển, và nói về sự Ngài qua đời, là sự SẼ PHẢI ứng nghiệm tại thành Giê-ru-sa-lem. Phi-e-rơ cùng đồng bạn mình buồn ngủ lắm, nhưng vừa tỉnh thức ra, thấy vinh hiển của Đức Chúa Jêsus và hai đấng ấy đứng gần Ngài.”

Cũng ba người này được Chúa Jesus mang theo vào giữa vườn Ghết-sê-ma-nê, vì sao không phải là người khác? Vì họ là những người đã cùng uống chén thề thốt với Chúa Jesus, Chúa cho họ trải nghiệm lại phần nào là mưu chước cám dỗ của Ma quỷ để họ không lên mình kiêu ngạo trách sao ngày xưa A-đam và Ê-va dỡ vậy? A-đam thứ nhất không đủ gần để cản tay Ê-va thứ nhất nhưng đủ gần để Ê-va thứ nhất dụ ông ăn trái cấm. A-đam thứ hai cũng ở giữa vườn với Ê-va thứ hai và dặn dò cẩn thận: coi chừng bị sa vào mưu chước cám dỗ, rồi cũng cách ra xa một khoảng... Sau đó chính mình chiến đấu chống lại sự cám dỗ là chống lại SỰ THỰC HIỆN THEO Ý CHA.

Báp-tem này là sự VÂNG PHỤC Ý CHA HOÀN TOÀN:

Người bị hiếp đáp, nhưng khi chịu sự khốn khổ CHẲNG HỀ MỞ MIỆNG. Như CHIÊN CON bị dắt đến hàng làm thịt, như CHIÊN CÂM ở trước mặt kẻ hớt lông, người CHẲNG TỪNG MỞ MIỆNG.”  (Ê-sai 53:7)

- “Như Chiên con bị dắt đến hàng làm thịt”: Cho thấy một sự vâng phục trọn vẹn, Isac chính là hình bóng của Chúa Jesus, đã vâng phục Cha một cách trọn vẹn. (Sáng 22)

- “Chiên câm trước mặt kẻ hớt lông” đòi hỏi một ý chí khủng khiếp, không oán trách, không than van.

“....Người bị hiếp đáp, chẳng hề mở miệng...” Sự nhịn nhục của Ngài để trả xong hết tất cả mọi kêu rêu than thở lằm bằm oán trách Đức Chúa Trời bất công, Trời già cay nghiệt trải dài trong lịch sử nhân loại trải qua các thời đại của các dân tộc. Chúng ta tưởng tượng những lời oán trách Đức Chúa Trời đó đến mức độ nào, mà bây giờ Chúa Jesus phải trả bằng sự câm lặng, để Ngài uống hết mọi kinh khủng của những tội lỗi oán trách phạm thượng đó, mà Ngài phải cầm giữ cái lưỡi như Gia cơ chương thứ 3 nói, “Cái lưỡi là nơi đô hộ của tội lỗi... không ai trị phục được nó... bản thân nó phải bị đốt cháy...”

Cái lưỡi của Chúa Jesus vẫn còn mà phải im lặng để thể hiện sự vinh thăng, sự trả giá trọn vẹn đến cùng cực trong báp tem này, đây không phải là điều dễ! Ê-tiên theo được Chúa Jesus ở điểm đó, khi những viên đá ném tới tấp vô ông, ông không chạy kêu sê-sa để kiện! Còn Chúa Jesus khi bị đóng đinh, Ngài nói 7 lần, rất trọn vẹn:

1) Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì. (Lu-ca 23:34)

2) Hôm nay ngươi ở với ta trong Pa-ra-đi. (Lu-ca 23:43)

3) Đây là mẹ ngươi, đây là con ngươi. (Giăng 19:26-27)

4) Ta khát. (Giăng 19:28)

5) Ê-lô-i, Ê-lô-i, lam-ma sa-bách-ta-ni? (Mác 15:34, Math 27:46)

6) Hỡi Cha, con giao linh hồn lại trong tay Cha! (Lu-ca 23:46)

7) Mọi việc đã được trọn! (Giăng 19:30)

Chúa Jesus vẫn phải trị phục cái lưỡi cho đến cuối cùng, để nói với đầy đủ mọi đối tượng trong mọi hoàn cảnh. Riêng với những kẻ hành hạ, vu cáo, tra khảo Ngài, từ giáo quyền cho đến chính quyền, Ngài “như chiên câm trước mặt kẻ hớt lông”, khi đáng nói Ngài chỉ nói một vài lời. Đứng trước mặt thầy cả thượng phẩm Ngài nói: “Thật như lời, Ta chính là Con Đức Chúa Trời!” Đứng trước mặt Phi-lát, Ngài chỉ nhắc nhở: “nếu chẳng phải quyền phép từ trên cao, thì ngươi không có quyền gì trên ta!” Ngài nói cho Phi-lát biết lý do vì sao Ngài giáng thế, Ngài đến để làm chứng cho Lẽ thật.

Vì vậy: “Ai THUỘC VỀ Lẽ thật thì NGHE tiếng ta!

Phao-lô khuyên: “Hãy lột bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới” (Ê-phê-sô 4:22-24) giống như một sự lột xác, “lột bỏ con người cũ” luôn kèm với sự đau đớn, đây là quyết định của ý chí, chứ không phải chỉ là hành động của nghi lễ. Nếu chúng ta đã xong giai đoạn cũ thì Chúa Jesus mới có thể làm cho chúng ta giai đoạn mới.  Một học sinh chỉ được học bài mới khi đã hoàn thành xong bài học cũ và đã được lên lớp.

Chúa Jesus tấm gương của sự VÂNG PHỤC Ý CHA HOÀN TOÀN, chúng ta biết Lẽ Thật để LÀM THEO ý muốn của Cha, chứ không phải để tăng tri thức con người!

-------------
Trích nguồn: Facebook Yen Dang